Âm vang tiếng trống Hoàng Hà
Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng bằng tình yêu nghề của nghệ nhân, việc tuân thủ những quy định khắt khe khi làm nghề nên nghề làm trống có tuổi đời hàng trăm năm ở làng Hoàng Hà, xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vẫn được giữ gìn, phát huy.
Những ngày cuối năm, không khí làng trống sôi động, bận rộn hơn, nhiều hộ làm ngày, làm đêm để đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán, phục vụ mùa lễ hội đầu năm mới.
Trăn trở giữ nghề
Năm nay 75 tuổi, nhưng ông Nguyễn Xuân Kỷ, xóm Thanh Nam, xã Diễn Hoàng đã có “thâm niên” làm trống gần 60 năm. Theo nghề đã hơn nửa đời người, nên mỗi khi được hỏi, ông lại say sưa kể về từng công đoạn, chia sẻ cách làm và một vài bí quyết. Để làm ra cái trống đẹp và âm vang, rền, gỗ làm trống phải là gỗ mít già từ 40 năm tuổi trở đi và chỉ sử dụng gỗ lõi để trống làm ra không bị rút gỗ, cong vênh, giữ được tiếng; cũng có nhà tận dụng gỗ giác (phần trắng bên ngoài tiếp giáp với vỏ cây) để làm nhưng giá bán rất rẻ.
“Ngày xưa gỗ mít nhiều dễ mua, còn giờ phải đặt gom rồi lấy từng đợt vì rất hiếm kể cả lên các huyện miền núi. Để tạo được âm thanh vang rền khi đánh, da làm mặt trống bắt buộc phải dùng da trâu bò già, ít ra cũng đã được nuôi 3- 4 năm trở lên, chủ yếu dùng da bò của các vùng miền núi cao”, ông Kỷ kể.
Để làm ra một chiếc trống hoàn chỉnh, các nghệ nhân rất dày công, tỉ mỉ trau chuốt cả 3 khâu quan trọng: làm da, làm tang và bưng trống. Da bò mua về được rửa sạch, hoàn toàn không dùng hóa chất mà được xử lý thủ công, bào mỏng căng ra trên khung tre phơi nắng từ 2 - 3 ngày rồi đưa vào bóng mát để 2 - 3 tiếng đồng hồ cho nhuần lại rồi mới căng, bào da, đo cắt theo kích thước và hình mặt trống. Những công đoạn này được thợ trống làm rất cẩn thận để không ảnh hưởng đến độ rền của tiếng trống. Việc căng, chỉnh, lấy tiếng, miệng tang đều phải đúng kỹ thuật, nếu không trống sẽ bị cắt âm, không kêu. Trong đó, công đoạn bào da mặt trống là khó nhất, quyết định âm thanh tốt và phù hợp cho từng loại trống, đòi hỏi người thợ phải kinh nghiệm để cảm nhận được độ mỏng, dày của da trống.
Ông Kỷ chia sẻ: “Nghề đã được lưu truyền trong gia đình tôi 4 đời. Trong gia đình bây giờ hai vợ chồng tôi và con trai chỉ chuyên làm trống”.
Nghề làm trống ở Diễn Hoàng đã có từ hàng trăm năm nay. Thời trước, mọi công đoạn đều làm thủ công, thợ ròng rã nửa tháng trời mới làm xong một cái trống to, trống nhỏ hơn cũng phải 5 - 7 ngày. Từ những năm 2005 - 2006 bắt đầu có máy cưa vanh và máy bào, thời gian làm giảm xuống 4 - 5 ngày mà nhẹ nhàng hơn hẳn. Hiện các hộ cơ bản đều trang bị đầy đủ máy cưa, máy ghép, tuy nhiên một số công đoạn vẫn phải làm thủ công để có thể cho ra những chiếc trống có âm thanh tốt.
Đặt chân đến làng Thanh Nam những ngày cuối năm có thể thấy ai nấy đều tất bật hơn. Theo thông lệ, từ tháng 11 âm lịch năm trước đến hết tháng Giêng năm sau là mùa cao điểm làm trống để phục vụ dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm. Nhà anh Nguyễn Đình Cát cũng đang tất bật ngày đêm hoàn thiện trống để trả hàng cho khách đã đặt. Anh Cát cho hay, nếu bình thường bán 7 - 8 cái trống/tháng thì dịp cuối năm, mỗi tháng tiêu thụ 14 - 15 cái, từ tháng 12 âm lịch đến Rằm tháng Giêng bán được 20 - 30 cái.
Có lịch sử hàng trăm năm, làng trống Hoàng Hà giữ nét độc đáo khi bí quyết làm nghề chỉ được truyền bá trong dòng họ Nguyễn. Quy định bất thành văn từ xa xưa khiến cho nghề làm trống ngày càng thu hẹp, mai một dần. Đây cũng là trăn trở của các gia đình làm nghề, nhất là khi lớp trẻ hiện nay đều đi học, đi làm ăn xa hay làm những ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, rất hiếm người theo nghề truyền thống của cha ông.
Quyết tâm gìn giữ nét đẹp văn hóa
Trong văn hóa dân gian của người Việt, tiếng trống trở thành một phần không thể thiếu, vừa hào hùng lại vô cùng thiêng liêng. Sản phẩm trống ở làng Hoàng Hà phong phú, đa dạng với trên 10 loại trống, từ trống đại, trống trung đến trống tiểu, trong đó cũng chia ra nhiều loại, phục vụ đa dạng nhu cầu từ các trường học, đền chùa, trống họ, trống dùng trong các sự kiện văn hóa, với các loại trống chèo, trống múa, trống âm nhạc…
Theo thợ làm nghề, tang trống bền, có thể để hàng trăm năm không hỏng, nhưng mặt trống thường chỉ chịu được 6 - 7 năm sử dụng là thủng, nên ngoài mua mới, khách hàng thường gửi trống để sửa lại. Hiện trống trung có giá 3 triệu đồng/cái, trống đại được chạm trổ cầu kỳ với rồng, phượng và hoa văn sơn son thếp vàng 7 triệu đồng/cái, trống nhỏ chỉ mấy trăm nghìn đồng/cái. Bên cạnh đó, thợ làng trống Hoàng Hà cũng từng làm những cái trống to cao hơn 2m có giá hàng trăm triệu đồng theo nhu cầu của khách đặt.
Trống Hoàng Hà còn được tiêu thụ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, các tỉnh miền Nam hay bán sang Lào. Thời kỳ thịnh vượng, làng có trên 40 hộ làm nghề nhưng hiện chỉ còn 14 hộ.
Ông Hồ Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Hoàng cho biết: Mặc dù vật liệu làm trống ngày càng hiếm và đắt, như gỗ mít phải tìm mua tận các huyện miền núi Tân Kỳ, Nghĩa Ðàn, Quế Phong, da bò phải đến các lò giết mổ để lựa chọn kỳ công, nhưng các gia đình làm trống Hoàng Hà vẫn quyết tâm gìn giữ, duy trì, phát triển nghề truyền thống. Ngoài một số hộ chỉ làm theo “mùa vụ”, một ít hộ không phát triển được nên bỏ, thì những hộ đã làm nghề lâu đời vẫn giữ nghề, quyết tâm duy trì, phát triển nghề truyền thống.
Ngày nay, những người thợ làng nghề trống Hoàng Hà luôn luôn tìm tòi và sáng tạo các sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Đó là sự đa dạng hóa các sản phẩm, sáng tạo nhiều chủng loại, kiểu dáng trống mới. Từ đó, nghề làm trống đã mang lại lợi ích về kinh tế, nhiều người thợ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương chiêm trũng bằng chính bàn tay khối óc của mình.
“Cùng với việc lưu giữ nghề truyền thống, việc nắm bắt kịp thời nhu cầu xã hội và áp dụng vào từng sản phẩm đã giúp đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Huyện cũng hướng người dân đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng kỹ năng làm nghề trống để chuyển đổi sang làm các sản phẩm liên quan đến trống như bom rượu, bồn tắm sinh học, thùng đựng gạo phong thủy,… Từ đó giúp người dân làng trống Hoàng Hà phát huy nghề truyền thống và “giữ lửa” nghề, truyền tiếp cho các thế hệ sau”, ông Phạm Xuân Sánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/am-vang-tieng-trong-hoang-ha-20250123080917632.htm