Amanda Nguyễn, người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên hoàn thành chuyến bay vào vũ trụ
Đây là chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ, trong đó có Amanda Nguyễn, là người phụ nữ Việt Nam và Đông Nam Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
Ngày 14/4, giờ Mỹ, công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, cho biết, đã hoàn thành thành công chuyến bay có người lái lên rìa vũ trụ 11 và là sứ mệnh thứ 31 (NS-31) của chương trình New Shepard.
Chuyến bay diễn ra lúc 8h30’ sáng ngày 14/4, giờ Mỹ (20h30’ tối giờ Việt Nam), tại căn cứ Launch Site One, phía Tây bang Texas, Mỹ và kéo dài khoảng 11 phút, vượt qua đường Kármán ở độ cao 100km, ranh giới giữa bầu khí quyển Trái Đất và không gian.
Tàu vũ trụ cất cánh thành công sáng ngày 14/4. Nguồn: Blue Origin
Các clip do Blue Origin công bố cho thấy, khoang phi hành đoàn cũng như tên lửa đẩy đã hạ cánh thành công xuống mặt đất.
Với thành công mới nhất, cho đến nay, chương trình New Shepard của Blue Origin đã đưa 58 người vào không gian, trong đó có 4 người đã bay hai lần.
Phi hành đoàn 6 thành viên của chuyến bay NS-31 đều là nữ. Đáng lưu ý trong số 6 phi hành gia có Amanda Nguyễn- là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.

Sáu thành viên phi hành đoàn trong chuyến bay có người lái thứ 11 trong chương trình New Shepard của Blue Origin. Ảnh: Blue Origin.
Năm phi hành gia khác gồm bao gồm doanh nhân, cựu nhà khoa học tên lửa NASA - Aisha Bowe, nhà sản xuất phim Kerianne Flynn, nhà báo nổi tiếng Gayle King, ca sĩ nổi tiếng và siêu sao nhạc pop Katy Perry và Lauren Sánchez, nhà báo, phi công, Phó Chủ tịch của Quỹ Trái đất Bezos và là phu nhân của tỉ phú Jeff Bezos.
Amanda Nguyễn (SN 1991), nhà nghiên cứu du hành vũ trụ Mỹ gốc Việt, người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch của Rise, Inc., một tổ chức phi chính phủ có mục đích bảo về quyền công dân của những người đã trải qua xâm hại tình dục.
Phi hành đoàn trong trạng thái không trọng lượng khi tàu trũ trụ vượt qua đường Kármán/Blue Origin
Theo giới thiệu của Blue Origin, Amanda Nguyễn tốt nghiệp Harvard năm 2013, từng tham gia các hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Khoa học Du hành Vũ trụ Quốc tế (IIAS).
Amanda cũng từng làm việc trong sứ mệnh tàu con thoi cuối cùng của NASA, STS-135, cũng như sứ mệnh khám phá ngoại hành tinh Kepler.

Phi hành đoàn NS-31 phía trước tàu vũ trụ New Shepard ngày 14/4. Nguồn: Blue Origin
Amanda Nguyễn còn là nhà hoạt động tích cực trong đấu tranh chống phân biệt đối xử và xâm hại tình dục ở Mỹ. Amanda đã tham gia soạn thảo Dự luật về Quyền của những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục vào năm cuối Đại học Harvard, được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Barack Obama kí thành luật năm 2016.
Amanda cũng được ghi nhận là người khởi xướng phong trào ngăn chặn bạo lực và sự thù ghét đối với người Mỹ gốc Á.
Cô được đề cử Giải Nobel Hòa bình vào năm 2019 và được tạp chí Time vinh danh “Người phụ nữ của năm 2022”.
Khoang phi hành đoàn hạ cánh với sự hỗ trợ của dù. Nguồn: Blue Origin
Theo Blue Origin, là nữ phi hành gia người Việt Nam và Đông Nam Á đầu tiên, chuyến bay của Amanda là biểu tượng cho sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam và sẽ nêu bật vai trò của khoa học như một công cụ cho hòa bình.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết đã cung cấp 169 hạt sen giống (Nelumbo nucifera), một loài hoa biểu trưng cho sự tinh khiết và sức sống mãnh liệt trong văn hóa Việt Nam, để bà Amanda Nguyễn mang theo khi thực hiện hành trình ra ngoài Trái Đất.
Chuyến bay hoạt động hoàn toàn tự động, không cần phi công điều khiển và phi hành đoàn sẽ không trực tiếp vận hành con tàu.

Amanda Nguyễn phát biểu tại một hội thảo quốc tế ở LHQ nhân Ngày Quốc tế phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, ngày 11/2. Nguồn: UN.
Khoang tàu sẽ trở lại mặt đất bằng cách hạ cánh nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của dù, trong khi tên lửa đẩy sẽ hạ cánh độc lập bằng động cơ, cách điểm phóng hơn 3km.
Sứ mệnh NS-31 không chỉ là cột mốc quan trọng về giới trong du hành vũ trụ thương mại, mà còn truyền cảm hứng cho phụ nữ và trẻ em gái tham gia lĩnh vực STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Mathematics - Toán học).
Tên lửa đẩy tái sử dụng hạ cánh thành công xuống mặt đất/Blue Origin
Blue Origin cho biết chuyến bay vũ trụ toàn nữ gần đây nhất diễn ra cách đây hơn 60 năm khi nữ phi hành gia Valentina Tereshkova của Liên Xô trở thành người phụ nữ đầu tiên du hành vào không gian trong một sứ mệnh đơn độc trên tàu vũ trụ Vostok 6.
Kể từ đó, không có chuyến bay không gian nào chỉ toàn phụ nữ, nhưng phụ nữ đã đóng góp rất nhiều vào ngành hàng không vũ trụ.

Sáu thành viên phi hành đoàn (giữa) hạ cánh an toàn sau chuyến bay lịch sử. Nguồn: Blue Origin.
Blue Origin đang cạnh tranh với nhiều đối thủ khác, bao gồm: Virgin Galactic (SPCE), công ty du lịch vũ trụ do doanh nhân người Anh Richard Branson thành lập, để đưa con người du lịch không gian.
Mặc dù Blue Origin chưa công bố giá vé đầy đủ của những chuyến bay vào không gian, nhưng khách hàng phải đặt cọc 150.000 USD để đặt chỗ, nhấn mạnh tính độc quyền của những chuyến bay đầu tiên này.
Bên cạnh dịch vụ du lịch cận quỹ đạo, công ty này cũng đang phát triển hạ tầng không gian dài hạn, bao gồm tên lửa tái sử dụng và hệ thống hạ cánh trên Mặt Trăng.
Tên lửa New Shepard được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn, với tầng đẩy quay trở lại bệ phóng bằng cách hạ cánh thẳng đứng sau mỗi chuyến bay, giúp giảm chi phí tổng thể.