Amazon ra sao sau hơn 1 tháng đối đầu Temu
Chiến lược ra mắt Haul của Amazon để đối đầu trực tiếp với Temu và Shein đang có kết quả khả quan, liệu điều này có khiến cục diện 'cuộc chiến' thương mại điện tử giá rẻ thay đổi.
Hai tuần trước Black Friday, Amazon đã âm thầm ra mắt Haul, một khu vực mới trong ứng dụng di động của hãng. Haul đóng vai trò như là một gian hàng ảo chỉ dành cho thiết bị di động, chuyên cung cấp các sản phẩm giá siêu rẻ được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc.
Haul được xem như là lời đáp trả của Amazon trước sự bùng nổ của các ứng dụng như Temu (thuộc PDD Holdings) và nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein.
Amazon chia sẻ với CNBC rằng Haul đã thu hút hàng triệu lượt truy cập kể từ khi ra mắt vào tháng 11.
Tương tự Temu, Haul cung cấp các sản phẩm với giá cực kỳ hấp dẫn, như giày thể thao giá 9,98 USD; dụng cụ nhà bếp giá 5,99 USD; hay ốp điện thoại giá 2,99 USD... Tuy nhiên, khác với Temu, Haul giới hạn giá của mỗi sản phẩm ở mức tối đa 20 USD.
Ngoài ra, Haul miễn phí vận chuyển cho đơn hàng trên 25 USD và giảm giá mạnh hơn khi giá trị giỏ hàng tăng cao, khuyến khích người dùng mua nhiều mặt hàng cùng lúc - đúng như cái tên Haul (tạm dịch: mua sắm hàng loạt).
Ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành của GlobalData Retail, nhận xét: “Amazon đã rất khéo léo khi tách Haul hoàn toàn khỏi trang chính. Điều này giúp ngăn người tiêu dùng chuyển sang mua các mặt hàng giá rẻ hơn”.
Tuy nhiên, cái giá của sản phẩm rẻ hơn chính là thời gian vận chuyển chậm hơn. Thay vì giao hàng trong 1-2 ngày như các thành viên Prime thường thấy, các sản phẩm trên Haul mất 1-2 tuần để đến tay người mua.
Trong nhiều năm, Amazon đã hợp tác với các nhà bán hàng Trung Quốc, thường đóng vai trò trung gian bằng cách lưu trữ hàng hóa tại các kho ở Mỹ trước khi giao. Điều này tăng tốc độ giao hàng nhưng cũng tăng chi phí, và chi phí đó thường được tính vào giá sản phẩm.
Cả Haul và Temu đều giữ giá thấp nhờ vào mạng lưới các nhà bán hàng Trung Quốc, sử dụng quy định “de minimis” để nhập khẩu các mặt hàng có giá trị dưới 800 USD vào Mỹ mà không phải đóng thuế nhập khẩu. Quy định này dù đang bị xem xét lại, nhưng vẫn giúp giảm thiểu chi phí và giá bán cho người tiêu dùng.
Sự phát triển bùng nổ của Temu và Shein cho thấy nhiều người tiêu dùng sẵn sàng đánh đổi thời gian giao hàng để đạt được giá thành hấp dẫn. Hiện Temu là ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất trên App Store hai năm liên tiếp.
“Không chỉ để cạnh tranh với Temu, đây còn là cơ hội để Amazon khám phá phân khúc giá rẻ - phân khúc đã tăng trưởng rất nhanh trên toàn thị trường bán lẻ trong vài năm qua”, ông Sauders chia sẻ.
Nhiều trang thương mại điện tử giá rẻ khác với hàng hóa từ Trung Quốc cũng đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, bao gồm Alibaba và TikTok Shop - nơi các nhà bán hàng đang đổ về bất chấp nguy cơ bị cấm.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này không tránh khỏi chỉ trích về tác động môi trường, đặc biệt với những công ty như Shein.
Về phía Amazon, công ty này cũng đang bị điều tra liên bang về tỷ lệ thương tật cao tại các kho hàng. Mặc dù Amazon bác bỏ báo cáo, họ vẫn đối mặt với các phán quyết liên bang yêu cầu chịu trách nhiệm về việc thu hồi sản phẩm bị lỗi.
Dù vướng phải nhiều tranh cãi, doanh số bán hàng vẫn liên tục phá kỷ lục. “Người tiêu dùng nói rằng họ không ủng hộ hệ quả của sản phẩm giá rẻ, nhưng cuối cùng vẫn đổ xô mua hàng”, ông Saunders nói.
Hiện tại, Haul đang ở phiên bản beta nhưng nhu cầu dường như đã vượt xa nguồn cung. Trong đợt giảm giá 50% nhân dịp Black Friday, Haul đã cháy hàng một số sản phẩm. Amazon cho biết sẽ mở rộng danh mục lên hàng trăm nghìn mặt hàng trong các tuần tới.
Nguồn Znews: https://znews.vn/amazon-ra-sao-sau-hon-1-thang-doi-dau-temu-post1519926.html