Amazon thiếu trung thực về mục tiêu năng lượng sạch?

Đầu tháng 7, Amazon thông báo đã đạt được mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng sạch 7 năm trước dự kiến. Tuyên bố này vấp phải nhiều chỉ trích từ chuyên gia và chính nhân viên.

 Ảnh: Wired.

Ảnh: Wired.

Amazon thông báo đã đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trước 7 năm so với kế hoạch, đầu tư hàng tỷ đôla vào hơn 500 dự án năng lượng Mặt trời và gió để đạt được mục tiêu này. Năng lượng tạo ra từ những dự án này tương đương với lượng điện tiêu thụ bởi các trung tâm dữ liệu, tòa nhà công ty, cửa hàng tạp hóa và trung tâm giao hàng của Amazon tại 27 quốc gia. Tuy nhiên, theo New York Times, một số chuyên gia đã chỉ trích phương pháp mà công ty sử dụng để tính toán và đi đến kết luận này.

AI làm gia tăng nhu cầu sử dụng điện

Các dự án năng lượng sạch mà Amazon đầu tư có thể sản xuất tương đương lượng điện đủ cung cấp cho 7,6 triệu hộ tại Mỹ. Amazon đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 từ tất cả hoạt động, bao gồm cả xe, máy bay và các phương tiện giao hàng khác.

Nhiều năm qua, các công ty công nghệ như Amazon luôn tuyên bố hướng đến loại bỏ, giảm thiểu tác động gây nóng lên toàn cầu trong các hoạt động vận hành Tuy nhiên, ngành công nghiệp này gần đây đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo (AI), do đó tiêu thụ lượng điện lớn vì sử dụng trung tâm dữ liệu.

 Một trung tâm dữ liệu thuộc sở hữu của Amazon. Ảnh: Nathan Howard/NYT.

Một trung tâm dữ liệu thuộc sở hữu của Amazon. Ảnh: Nathan Howard/NYT.

Những người quan tâm đến vấn đề môi trường lo ngại rằng nhu cầu sử dụng điện gia tăng do trung tâm dữ liệu, ô tô điện và máy bơm nhiệt sẽ khiến công ty điện phụ thuộc nhiều hơn vào nhiệt điện khí tự nhiên vì không kịp xây dựng nguồn năng lượng sạch, đường truyền và cơ sở hạ tầng khác.

Một trung tâm dữ liệu lớn có thể tiêu tốn năng lượng tương đương với sức sản xuất của một nhà máy điện nhỏ phục vụ khoảng 100.000 hộ. Các công ty công nghệ đang nỗ lực tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện cho hoạt động của AI.

Google gần đây đã ký thỏa thuận với công ty Berkshire Hathaway tại Nevada để cung cấp năng lượng địa nhiệt cho trung tâm dữ liệu của họ. Trong báo cáo môi trường mới nhất, ông lớn công nghệ này cho biết rằng lượng khí nhà kính của họ tăng 13% vào năm 2023 so với năm trước đó do nhu cầu gia tăng của AI.

Thỏa thuận của Google với Berkshire Hathaway và các khoản đầu tư của Microsoft, Amazon và các công ty khác vào các dự án năng lượng tái tạo mới sẽ cần thiết để giảm sự phụ thuộc của thế giới vào khí tự nhiên và các nguồn nhiên liệu như khí tự nhiên và dầu mỏ.

Nhập nhằng trong cách tính toán

Các chuyên gia năng lượng cho biết dù đã đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, một số công ty như Amazon vẫn chưa đủ minh bạch về cách tính toán và báo cáo việc sử dụng năng lượng sạch. Amazon đã nhận được điểm “B” từ CDP, một nhóm phi lợi nhuận vận hành hệ thống công bố thông tin toàn cầu dành cho các nhà đầu tư, công ty, thành phố, tiểu bang và khu vực để quản lý tác động môi trường của họ.

Google và Microsoft nhận điểm “A” và được khen ngợi vì cam kết với năng lượng sạch và minh bạch về nỗ lực đạt các mục tiêu về khí hậu. Simon Fischweicher, giám đốc chuỗi cung ứng và dịch vụ báo cáo tại CDP cho biết các công ty cần liệt kê ra đầy đủ và minh bạch những nguồn năng lượng trong phép tính.

Trả lời về xếp hạng của CDP, phó giám đốc phát triển bền vững toàn cầu của Amazon Kara Hurst cho biết công ty cố gắng đưa ra báo cáo chính xác và ngày càng nỗ lực để công khai nhiều thông tin hơn. Công ty cho biết họ đã đạt mục tiêu điện sạch 100% bằng cách xây dựng các trạm năng lượng Mặt trời và gió mới, lắp đặt pin Mặt trời trên mái một số tòa nhà, vận hành các cơ sở trên lưới điện vốn đã sử dụng nhiều năng lượng tái tạo và sử dụng tín chỉ carbon.

 Amazon cho biết đã đầu tư hàng tỷ đôla vào hơn 500 dự án năng lượng Mặt trời và gió tại 27 quốc gia. Ảnh: Meron Tekie Menghistab/NYT.

Amazon cho biết đã đầu tư hàng tỷ đôla vào hơn 500 dự án năng lượng Mặt trời và gió tại 27 quốc gia. Ảnh: Meron Tekie Menghistab/NYT.

Không công ty nào kết nối với lưới điện có thể chắc chắn mình chỉ sử dụng năng lượng sạch, vì nhà máy điện có thể đốt nhiên liệu hóa thạch. Do đó, để đạt được 100% năng lượng sạch - ít nhất là trên lý thuyết - các công ty thường mua tín chỉ năng lượng tái tạo (REC) từ chủ sở hữu trạm năng lượng Mặt trời hoặc năng lượng gió. Bằng cách mua đủ tín chỉ bằng hoặc vượt qua năng lượng mà công ty sử dụng, họ có thể tuyên bố rằng doanh nghiệp hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch.

Một nhóm tên Nhân viên Amazon vì Công lý Khí hậu đã chỉ trích công ty vì lợi dụng cách tính toán và tiếp thị để làm đẹp báo cáo. Họ cho biết nghiên cứu của họ kết luận rằng sau khi trừ tín chỉ, khoản đầu tư thực sự vào năng lượng sạch chỉ là một phần nhỏ so với dữ liệu công bố "Mua một loạt REC không giúp ích gì cả", bà Stokes nói. "Bạn chỉ cần đầu tư vào các dự án thực tế". Nhưng Amazon cho rằng sử dụng tín chỉ là một phần hợp pháp trong tính toán mức sử dụng năng lượng sạch, đồng thời công ty đang nỗ lực bổ sung thêm nhiều nguồn tài nguyên tái tạo hơn.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/amazon-thieu-trung-thuc-ve-muc-tieu-nang-luong-sach-post1488643.html