AMD và GAB bị hủy niêm yết, 'họ FLC' còn duy nhất một cổ phiếu nhưng bị hạn chế giao dịch

Do chưa khắc phục được nguyên nhân đưa chứng khoán vào diện đình chỉ giao dịch và diện kiểm soát, Sở GDCK TP.HCM (HoSE) đã quyết định hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone và cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC.

Hiện, cổ phiếu AMD và GAB đang thuộc diện chứng khoán bị đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2022 quá 6 tháng so với quy định, đồng thời các cổ phiếu này cùng thuộc diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Nhóm FLC còn duy nhất 1 mã được giao dịch.

Nhóm FLC còn duy nhất 1 mã được giao dịch.

Riêng về cổ phiếu GAB, đây là một trong số nhiều cổ phiếu thuộc “họ FLC” bị rơi vào tình trạng đóng băng cổ phiếu trên sàn, thanh khoản tụt giảm và gần như không phát sinh giao dịch sau khi ông Quyết bị khởi tố vì tội danh thao túng trên thị trường chứng khoán.

Dù vậy, không như các doanh nghiệp "họ FLC" đều rớt giá thê thảm chỉ còn vài nghìn đồng/cp, GAB lại nằm trong tình cảnh trớ trêu với giá cổ phiếu treo ở mức rất cao gần 200.000 đồng/cp nhưng không có nổi một giao dịch phát sinh.

Thông tin mới đây nhất của GAB là ngày 27/6 sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa có thông báo cụ thể về thời gian và địa điểm họp.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý I/2023, GAB ghi nhận doanh thu đạt 4,72 tỷ đồng, giảm tới 92,78% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận âm 2,45 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1 tỷ đồng.

Còn thông tin mới nhất tại FLC Stone là ngày 30/6 tới đây, ông Nguyễn Công Tuấn sẽ thôi chức vụ Phó tổng giám đốc Công ty sau khoảng 6 tháng được bổ nhiệm (từ 7/2/2023).

Trước đó, FLC Stone vừa chấp thuận đơn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đức Công kể từ ngày 31/5/2023, thay thế ông Công là bà Trần Thị Hương. Bà Hương từng nắm giữ vị trí quản lý cấp cao tại nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC như Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLC Homes, Trưởng ban Nhân sự Tập đoàn FLC hay Phó tổng giám đốc của FLC và hiện là Người phụ trách quản trị FLC từ ngày 16/5.

Liên quan đến việc hủy niêm yết của các cổ phiếu thuộc “họ FLC”, trước đó, HoSE đã quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với các cổ phiếu là FLC của CTCP Tập đoàn FLC, ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros và HAI của Công ty cổ phần Nông dược H.A.I.

Ngoài ra, các cổ phiếu còn lại là thuộc họ FLC là ART của Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và KLF của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS cũng đều không được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, trên thị trường hiện nay, ngoài 5 mã đã bị hủy niêm yết bắt buộc thì nhóm FLC chỉ còn duy nhất mã KLF còn giao dịch trên sàn trong diện hạn chế giao dịch và mã ART bị đình chỉ giao dịch.

H.C

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/amd-va-gab-bi-huy-niem-yet-ho-flc-con-duy-nhat-mot-co-phieu-nhung-bi-han-che-giao-dich-1093485.html