Ăn cà rốt có tác dụng gì với cơ thể?

Cà rốt là một loại rau củ có chứa đầy đủ các loại vitamin thiết yếu, chất chống oxy hóa và chất xơ, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe…

1. Hàm lượng dinh dưỡng của cà rốt

Cà rốt chủ yếu bao gồm nước, với hàm lượng nước dao động từ 86% đến 95%, khiến chúng trở thành lựa chọn thực phẩm cung cấp nước tốt cho cơ thể. Ngoài nước, cà rốt còn cung cấp một lượng nhỏ carbohydrate, protein và chất béo; được coi là thực phẩm ít calo, rất phù hợp cho những người muốn duy trì hoặc giảm cân.

Dưới đây là thông tin dinh dưỡng trong 100gam cà rốt:

Lượng calo: 41
Nước: 89%
Protein: 0,8g
Carbohydrate: 9,0g
Chất xơ: 2,7g
Chất béo: 0,1g

Một trong những chất dinh dưỡng đáng chú ý nhất trong cà rốt là beta-carotene, cơ thể chuyển hóa thành vitamin A. Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực tốt, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và thúc đẩy làn da khỏe mạnh.

Một trong những chất dinh dưỡng đáng chú ý nhất trong cà rốt là beta-carotene, cơ thể chuyển hóa thành vitamin A. Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực tốt, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và thúc đẩy làn da khỏe mạnh.

2. Vai trò của carbohydrate và chất xơ trong cà rốt

Phần lớn cà rốt chứa nước và carbohydrate. Carbohydrate trong cà rốt bao gồm các loại đường (như sucrose và glucose cũng như tinh bột). Cà rốt cũng là nguồn cung cấp chất xơ tốt, đặc biệt là chất xơ hòa tan. Một củ cà rốt cỡ trung bình (61g) cung cấp 1,9g chất xơ, giúp điều hòa tiêu hóa và thúc đẩy nhu động ruột khỏe mạnh.

Cà rốt cũng có chỉ số đường huyết (GI) thấp - đây là chỉ số đo tốc độ thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu. Điều này có lợi cho những người mắc đái tháo đường, vì tiêu thụ thực phẩm có GI thấp giúp kiểm soát lượng đường trong máu tăng đột biến. GI của cà rốt có thể dao động từ 30 - 85, trong đó cà rốt sống có GI thấp nhất so với cà rốt nấu chín.

3. Các vitamin và khoáng chất trong cà rốt

Cà rốt chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu hỗ trợ nhiều chức năng khác nhau của cơ thể. Các chất dinh dưỡng này bao gồm:

- Vitamin A: Cà rốt đặc biệt giàu beta-carotene, được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể. Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thị lực, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu, góp phần vào chức năng miễn dịch, sức khỏe làn da và sự phát triển của tế bào.

- Biotin: Loại vitamin B này tham gia vào quá trình chuyển hóa chất béo, protein, giúp cơ thể xử lý và sử dụng năng lượng từ thực phẩm.

- Vitamin K1: Rất quan trọng đối với quá trình đông máu và sức khỏe của xương (vitamin K1 đóng vai trò điều hòa canxi trong xương).

- Kali: Rất quan trọng trong việc duy trì mức huyết áp bình thường và điều chỉnh sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.

- Vitamin B6: Hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng bằng cách hỗ trợ chuyển đổi carbohydrate, chất béo và protein thành năng lượng.

4. Hợp chất thực vật trong cà rốt

Ngoài vitamin và khoáng chất, cà rốt còn chứa một số hợp chất thực vật bao gồm carotenoid, là chất chống oxy hóa mạnh. Các hợp chất này có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim và ung thư.

Một số hợp chất thực vật chính có trong cà rốt bao gồm:

- Beta-carotene: Đây là chất chống oxy hóa chính trong cà rốt. Beta-carotene được chuyển hóa thành vitamin A và hỗ trợ sức khỏe mắt.

- Alpha-carotene: Giống như beta-carotene, alpha-carotene là một chất chống oxy hóa khác giúp cơ thể sản xuất vitamin A.

- Lutein: Có trong cà rốt cam và vàng, lutein có lợi cho sức khỏe mắt, làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.

- Lycopene: Chất chống oxy hóa màu đỏ này có trong cà rốt đỏ và tím, có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim. Nấu cà rốt giúp giải phóng nhiều lycopene hơn, giúp cơ thể dễ hấp thụ hơn.

- Polyacetylene: Các nghiên cứu gần đây cho thấy những hợp chất này có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh bạch cầu và các loại ung thư khác.

- Anthocyanins: Có trong cà rốt sẫm màu, chẳng hạn như cà rốt tím, có tác dụng làm giảm căng thẳng oxy hóa và viêm.

Cà rốt có thể được chế biến dưới dạng nước ép.

Cà rốt có thể được chế biến dưới dạng nước ép.

5. Lợi ích sức khỏe của việc ăn cà rốt

Cà rốt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chủ yếu là do hàm lượng beta-carotene và các chất chống oxy hóa khác cao. Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe chính liên quan đến việc ăn cà rốt:

Giảm nguy cơ ung thư

Ăn chế độ ăn giàu carotenoid, bao gồm cả carotenoid có trong cà rốt có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư (như ung thư tuyến tiền liệt, phổi, ruột kết và dạ dày). Một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có hàm lượng carotenoid cao hơn có thể có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn.

Giảm cholesterol trong máu

Cà rốt đã được chứng minh là giúp giảm mức cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol LDL "xấu". Cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim. Việc ăn cà rốt như một phần của chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp giảm nguy cơ này.

Cải thiện sức khỏe mắt

Cà rốt có tác dụng tốt với thị lực, do hàm lượng beta-carotene cao, được chuyển hóa thành vitamin A. Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của mắt và ngăn ngừa bệnh quáng gà. Ngoài ra, carotenoid trong cà rốt có thể giúp bảo vệ chống lại thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, một nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người lớn tuổi.

Giảm cân và kiểm soát cơn thèm ăn

Cà rốt có hàm lượng calo thấp và nhiều chất xơ, khiến chúng trở thành món ăn nhẹ giúp kiểm soát cơn đói và giảm lượng calo tổng thể. Hàm lượng chất xơ cao có thể thúc đẩy cảm giác no, giảm khả năng ăn quá nhiều trong bữa ăn. Do đó, cà rốt có thể là một sự bổ sung hữu ích cho chế độ ăn kiêng giảm cân.

Cho dù ăn sống, nấu chín hay ép nước, cà rốt là một loại thực phẩm bổ sung đa năng hàng ngày và ngon miệng cho bất kỳ chế độ ăn uống nào.

DS. Thu Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ca-rot-chua-cac-chat-dinh-duong-nao-co-tac-dung-gi-169250113152802746.htm