Ăn côn trùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Các chuyên gia y tế từng nhiều lần cảnh báo về thói quen ăn côn trùng của người dân gây nên nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí tử vong.
Thực tế, nhiều người cho rằng, côn trùng vốn là thực phẩm sạch, nên hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Tuy nhiên, việc ăn các loại côn trùng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tử vong sau khi ăn mối
Mới đây, đầu tháng 6, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa và sử dụng những kỹ thuật cao nhất nhưng bệnh nhân Ng.T.T. (60 tuổi, Hà Nội) đã tử vong do bị nhiễm nấm Aspergillus fumigatus sau khi ăn mối rang - một món ăn “đặc sản” của địa phương.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân mua mối sống về làm món mối rang, ăn không hết thì có để thức ăn thừa và lượng mối còn sống vào trong tủ lạnh bên cạnh các thức ăn nhanh sẵn (giò, chả…). Sau 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, đi ngoài, tụt huyết áp, được xử trí theo hướng sốc nhiễm khuẩn tại bệnh viện tỉnh nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân sốc nặng lên, suy hô hấp, phải duy trì vận mạch liều rất cao, thở máy nhưng phổi co thắt nhiều, máy thở không thể đẩy khí vào phổi để thông khí được.
Bác sĩ Nguyễn Bá Cường - Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân được chuyển ra BV Bạch Mai ngày 30/5 trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phổi không còn đảm bảo được chức năng thông khí ngay cả khi hỗ trợ máy thở tối đa. Bệnh nhân đã được vào ECMO và tiếp tục các biện pháp hồi sức tích cực: Kháng sinh, kháng nấm, lọc máu, vận mạch… Bệnh nhân tiếp tục được nội soi phế quản xuất hiện nhiều các mảng giả mạc thùy dưới phổi 2 bên. Với kinh nghiệm điều trị cho nhiều ca phức tạp, các bác sĩ đã nghĩ ngay đến nấm.
Ngay sau đó, bệnh nhân được nội soi phế quản thấy giả mạc phát triển trên toàn bộ niêm mạc đường thở tạo nên các đám sùi và giả mạc đan xen nhau như mạng nhện lấp kín hết lòng khí phế quản. Nội soi thấy các giả mạc bám thành đường thở bong dần ra. Tất cả mẫu bệnh phẩm đường thở đều có kết quả nhuộm soi ra nấm sợi, kết quả cấy ra Aspergillus fumigatus, hình ảnh giải phẫu bệnh giảmạc ra Aspergillus fumigatus tập trung nhiều thành đám. Mặc dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện và bệnh nhân đã tử vong sau 6 ngày điều trị tích cực.
Nấm Aspergillus fumigatus là nấm cơ hội ký sinh trên nhiều loại động vật, côn trùng và trong môi trường, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch (như bị bệnh nặng…) nấm có cơ hội phát triển và gây bệnh với các triệu chứng rất nặng (đặc biệt là hô hấp) với tỷ lệ tử vong rất cao. Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không ăn thức ăn được chế biến từ những loại côn trùng và không nên bảo quản chung với thực phẩm khác.
Tuyệt đối không ăn côn trùng lạ
Trước đó, hồi tháng 4, một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Đắk Sông, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai khiến 1 người tử vong, 2 người trong một gia đình phải nhập viện cấp cứu. 3 nạn nhân là những người trong cùng gia đình, ở thôn Măng Đen, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Được biết, cả 3 người cùng ăn một lượng côn trùng màu đen, đầu đỏ (không rõ tên). Sau bữa tối, cả 3 người có triệu chứng đau bụng, nôn, đau đầu, tiêu chảy. Tuy nhiên, ngay sau đó, 1 người tử vong. 2 người còn lại được đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Kông Chro vào rạng sáng. Cơ quan chức năng nghi vấn, loài côn trùng đó là sâu ban miêu, mình đen đầu đỏ.
Việc sử dụng côn trùng làm thức ăn của người dân miền núi đã có từ lâu, khá phổ biến. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí là gây tử vong cho người sử dụng. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ Đinh Xuân Tùng khuyến cáo, người dân không nên sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ để chế biến làm thức ăn. Trong trường hợp sau khi ăn có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… thì đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
“Ngộ độc sâu ban miêu là ngộ độc gặp không nhiều nhưng rất nặng nề. Hầu hết bệnh nhân tiếp xúc qua đường tiêu hóa bị tổn thương đa tạng, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong đến hơn 50%. Các bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp. Xét nghiệm máu cho thấy trong máu bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ và suy thận, suy gan” - TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cảnh báo.
Liên quan đến vấn đề này, Cục ATTP khuyến cáo, người có cơ địa dị ứng nên thận trọng, còn mọi người tuyệt đối không ăn các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên tuyệt đối không ăn; không nên dùng các loại côn trùng lạ theo đồn thổi, chế biến thành các món ăn tái, sống, hoặc ngâm rượu…
Với những món ăn "độc lạ" cần cẩn trọng, không nghe kinh nghiệm "đồn thổi" để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Người có cơ địa dị ứng càng phải thận trọng hơn với các món ăn này. Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, rất độc, gây hủy hoại protein. Khi vào cơ thể, qua đường tiêu hóa sẽ gây tình trạng ngộ độc nặng nhất, gây tổn thương dạ dày ruột, đau bụng nôn mửa, chảy máu đường tiêu hóa, hoại tử ruột, tổn thương tất cả cơ quan cơ thể, thận, gan, máu.
Còn nếu tiếp xúc đường da (dùng tay bắt trực tiếp số lượng lớn), đường hô hấp (mở bao đựng sâu ra hít phải) cũng gây tình trạng dị ứng trầm trọng, nhất là những người da mỏng, có vị trí vết thương, tiếp xúc nhiều với sâu ban miêu; hơi độc khiến mắt cay, bỏng rát. Độc tố của sâu ban miêu có thể tiết ra (giống kiến ba khoang), nếu tay cầm và dính vào mắt, dụi mắt sẽ gây bỏng rát, tổn thương giác mạc.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-con-trung-tiem-an-nhieu-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham.html