An cư là sức mạnh của tăng đoàn

Mùa an cư, chính là lúc tái tạo lại nguồn sinh lực của Tăng đoàn. Đức Phật vô cùng chú trọng đến vấn đề bảo hộ sinh mạng của muôn loài, cũng như vấn đề bảo vệ môi trường người xuất gia một cách tốt nhất, cho nên, Ngài chế định an cư kiết hạ cho chư Tăng ni vào mùa mưa.

Mùa an cư, chính là lúc tái tạo lại nguồn sinh lực của Tăng đoàn. Đức Phật vô cùng chú trọng đến vấn đề bảo hộ sinh mạng của muôn loài, cũng như vấn đề bảo vệ môi trường người xuất gia một cách tốt nhất, cho nên, Ngài chế định an cư kiết hạ cho chư tăng, ni vào mùa mưa.

Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội

Theo tinh thần giới luật, hằng năm, Phật chế định có ba tháng, để cho chư tăng- ni tập trung về một trú xứ thích hợp, để an cư kiết hạ và Bố tát, cùng nhau sách tấn tu học trên con đường giác ngộ giải thoát. Đồng thời, cũng là dịp để chư tăng- ni có cơ hội sống chung thanh tịnh lục hòa[1], củng cố Tăng đoàn, thắt chặt đạo tình, đoàn kết và hòa hợp, nhờ đó mà duy trì mạng mạch Phật pháp.

Với tinh thần “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” các hành giả xuất gia, cắt đứt mọi duyên trần, an trú trong ba tháng tu tập (giới, định, tuệ), giáo giới cho nhau, chỉ dạy phương pháp tu tập cho nhau, khích lệ tinh thần cho nhau… trên lộ trình giải thoát. Cho nên an cư là thời gian để hàng xuất gia kiện toàn bản thân, cũng là góp phần vào việc ổn định Tăng đoàn.

An cư, là truyền thống sinh hoạt, theo giới luật của tăng đoàn Phật giáo. Dụng ý của an cư, là nghiêm cấm người xuất gia đi ra ngoài, mà không có lý do chính đáng, trong thời gian ba tháng, nhất định giúp thân an trụ, tâm không tán loạn, tập trung quán chiếu tự thân, tinh tấn tu hành, dần dần đạt được nội lực vững chãi.

Chính vì thế, kinh Phạm Võng Bồ tát giới, đã cảnh tỉnh: “Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường, mau hơn nước dốc. Ngày nay dù còn, khó bảo đảm được ngày mai. Đại chúng, mỗi người nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham thiền, chớ để thời gian luống qua vô ích, mà sau này phải ăn năn.”[2]

Vì vậy, trong thời gian an cư, mỗi hành giả cần phải nghiệm trì giới luật, ngoài ra cần phải nổ lực học kinh, nghe pháp, tham thiền, niệm Phật, lạy Phật theo đại chúng, hoặc tự mình hạ thủ công phu niệm Phật, niệm Pháp, niệm tăng, trì giới, ngồi thiền để tăng trưởng trí tuệ.

Tổ Quy Sơn dạy rằng:

“Mỗi hành giả an cư, sách tấn tu hành, thúc liễm thân tâm, gìn giữ oai nghi đạo hạnh, tấn đạo nghiêm thân, trau dồi sở học cũng như công phu tu tập, hành giả an cư cần chú ý đến câu: (Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức) nghĩa là (ở trong tâm ý phải siêng năng, ra công khắc chế vọng niệm, bên ngoài, thân miệng phải nỗ lực tỏ bày rộng rãi đức tính không tranh đua), nhắc nhở người xuất gia luôn luôn làm chủ tam nghiệp (thân, miệng, ý) của mình, trong mỗi cử chỉ động niệm, thời thời khắc khắc, không được buông lơi.”

Thế nên, mỗi hành giả, hãy siêng năng tu hành, đừng mải mê chìm đắm trong cõi đời ngũ trược này, để giúp tăng trưởng tâm bồ đề, tinh tấn trên đường đạo.

Cho nên, An cư là một thông lệ từ lâu của các đạo sĩ Ấn Độ, trước khi tăng đoàn Phật giáo xuất hiện. Thời tiết Ấn Độ[3] khác hơn Việt Nam và Trung Quốc cũng như các quốc gia khác. Từ tháng một đến tháng tư là mùa xuân, từ tháng chín đến tháng mười hai là mùa đông. Ấn Độ không có mùa thu. Một năm chia làm ba mùa rất rõ ràng, cho nên các đạo sĩ quy định, vào nhưng tháng mưa gió, phải an trú một nơi nhất định, để bảo tồn sức khỏe và tăng cường đạo lực.

Suốt mấy tháng mùa mưa, nhóm sáu thầy tỳ kheo này, lang thang du hóa khắp nơi, không kể gì mưa gió, đạp dẫm lên hoa cỏ mùa màng mới đâm chồi, hoặc những loài con trùng vừa sinh nở. Để cho hàng cư sĩ chê trách, là hàng sa môn Thích tử thật quá đáng, các đạo sĩ khác vẫn có những tháng sống cố định, ngay đến loài cầm thú vẫn có mùa trú ẩn của nó, còn các vị hành đạo này thì buông lung không biết dừng chân vào mùa nào cả.

Lúc ấy, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong thành Cấp Cô Độc, biết được sự việc xảy ra, liền ban hành quyết định, cấm túc an cư cho toàn thể tăng đoàn, trong các tháng đầu mùa mưa, tức từ mồng một trăng tròn của tháng A-sa-đà đến hết trăng tròn của tháng A-thấp-phược-đê-xà[4]. Khi mùa mưa đến (mỗi năm từ tháng tư đến tháng bảy là mùa mưa), rắn rết, côn trùng, những sinh vật nhỏ nhất xuất hiện vô số kể, trong thời gian này, nếu tỳ kheo ôm bát đi khất thực, thì khó tránh khỏi giẵm đạp làm tổn hại rất nhiều sinh vật.

Cho nên Đức Phật, chế định giáo đoàn Phật giáo hợp thức hóa thông lệ này, bắt đầu từ Lục quần Tỳ kheo (sáu thầy tỳ kheo chuyên gia khai duyên cho Phật chế giới). Từ đó đến nay, tăng, ni hàng năm phải an cư trong ba tháng mùa mưa, chư tăng không đi ra ngoài khất thức, phải an cư trong tinh xá.

Trong thời gian ba tháng an cư, tăng- ni sinh hoạt cộng trụ, cùng nhau sống trong tinh thần lục hòa, cùng nhau nhắc nhở giới luật, sách tấn lẫn nhau, không phải chỉ đợi đến ba tháng hạ mới an cư, mà chín tháng còn lại, chư tăng, ni đều phải nỗ lực tu học, hoàn thiện đạo hạnh tự thân, sống hòa hợp và thanh tịnh, đồng thời hạn chế việc đi lại bên ngoài, để tịnh tâm tu học… để cho ánh sáng đạo pháp mãi rạng ngời trong lòng người con Phật.

Thế nên ngày nay, Phật giáo Việt Nam cũng tuân theo nguyên tắc này, nhưng thời gian có khác nhau. Tăng, ni Phật giáo Việt Nam, an cư bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 đến 16 tháng 7 (mùa hạ), đó gọi là tiền an cư.

Hậu an cư là dành cho trường hợp đặc biệt, có duyên sự khẩn thiết thì có thể bắt đầu an cư từ 16/5 cho đến 16/8. Riêng hệ phái Nguyên Thủy chọn thời điểm kiết hạ vào ngày 15 tháng 6 cho đến ngày 15 tháng 9, khi đến ngày kết thúc mùa An cư, chư Tăng họp lại kiểm điểm thành quả, làm lễ sám hối Bố tát[5] và tuyên bố hoàn mãn.

Ngày này được gọi là ngày Tự Tứ, áp dụng chung cho cả hai truyền thống Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông. Tùy theo quốc độ, mà mỗi địa phương có những mùa an cư không hoàn toàn giống nhau, ở Việt Nam, một vài nơi còn có thêm kiết đông bắt đầu từ 15 tháng 9 đến 15 tháng 12 là dựa theo tinh thần của Luật Bồ Tát.

Tuy nhiên, trong thời gian 3 tháng, nếu có chuyện khẩn cấp và cần thiết, như cha mẹ hay nghiệp (bổn) sư bị bệnh nặng hoặc viên tịch, hay có Tăng sự quan trọng, hoặc có thí chủ thỉnh đi làm những Phật sự cần thiết, thì Tỳ kheo nhập hạ phải xin phép tạm thời rời trú xứ an cư, chỉ được phép rời trú xứ trong thời hạn không quá bảy ngày[6], rồi phải trở lại tiếp tục an cư. Đó là nguồn gốc của việc “An cư Kiết hạ”.

Vì vậy, mùa An cư kiết hạ của chư tăng, ni thực chất chính là thời kỳ thuận lợi nhất trong việc thực thi đời sống hướng thượng, quyết định sự chuyển hóa tâm thức, là cơ sở thành tựu phạm hạnh giải thoát tối hậu.

Trong Bộ Luật Tư Trì Ký định nghĩa: Lập tâm một chỗ gọi là Kiết; bộ Nghiệp Sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An. Như vậy, dù kiết hạ hay kiết đông an cư, thì mục đích chính là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào mà không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ, thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức.

Sự khắt khe này, cũng chỉ vì đức Phật muốn bảo hộ sức sống của tăng ni, bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân. Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật, không tôn kính, vâng giữ lời huấn thị của đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt, thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi, mà gây ảnh hưởng không tốt cho tăng đoàn.

Trong Tứ phần luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma, khái niệm về An cư như sau: “Thân tâm đều tĩnh lặng gọi là An; quy định thời gian ở một chỗ là Cư.”[7] Hoặc chư Tổ sư có dạy: “An kỳ thân tâm, Cư kỳ hạn định”. Đến mùa hạ an cư, các chúng gồm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na ni, Sa di, Sa di ni đều phải an cư.

Trong năm chúng xuất gia, Tỳ kheo và Sa di cùng an cư một chỗ; còn lại Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na ni và Sa di ni, tập trung an cư một chỗ. Hạ lạp (tuổi hạ, tuổi đạo) chỉ tính cho Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Đồng thời, hai chúng tại gia là nam cư sĩ (ưu bà tắc) và nữ cư sĩ (ưu bà di) không có an cư.

Theo trong kinh Điển tôn (Trường A-hàm 1) có ghi lại câu chuyện tiền thân đức Phật làm vị đại thần Điển Tôn. Vị đại thần này có ước muốn thấy được Phạm Thiên, bèn suy nghĩ về lời dạy của các bậc tôn túc kỳ cựu mà nghĩ rằng: “Ai trong mùa hạ, ở chỗ thanh vắng, tu tập bốn vô lượng tâm, thời Phạm thiên sẽ xuống gặp.”[8] Kết quả là, sau ba tháng nỗ lực tu tập, Điển Tôn đã gặp được Phạm Thiên sách tấn rằng:

“Dối trá và ganh ghét,

Ngã mạn, tăng thượng mạn,

Tham dục, sân, ngu si,

Tự ý, chứa đầy tâm.

Xú uế thế gian này,

Ta nói cho ngươi rõ,

Nó đóng cửa thế gian,

Sa đọa, không sinh thiên” [9]

Trong ý nghĩa đó, an cư được minh giải như một quá trình tự thân tu tập, tự thân hành trì, mục đích cuối cùng là tự thân giải thoát thành Phật. Nhờ đó, trong tâm hành giả an cư, không còn chỗ trống cho dục vọng sinh khởi, không nghĩ đến việc mua sắm, không bị ngoại cảnh cảm dỗ.

Cứ hành trì suốt ba tháng như vậy, mỗi ngày thì nội tâm định tĩnh, và dễ tiến tu hơn. Ngoài ra, còn phải sinh hoạt theo đại chúng, thực hành sáu pháp hòa kính, để đạt được sự thanh tịnh và hòa hợp, trong đời sống sinh hoạt của Tăng đoàn xưa và nay là điều vô cùng cần thiết.

Bởi vì, Đức Phật là tấm gương sáng, để chúng ta nương theo, là vị Thầy lớn của đời chúng ta, là đối tượng chúng ta tôn thờ, và quyết tâm đi theo con đường mà Ngài đã chỉ dạy. Ngoài ra, Phật cũng dạy hàng đệ tử, tu hành phải nương vào giới luật; vì giới luật còn, thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp mất.

Theo Phật giáo Nguyên thủy, giới luật này là giới luật của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức xoa, Sa-di, Sa-di-ni và giới của Phật tử tại gia. Đó là kỷ cương của đoàn thể, mà chúng ta phải tôn trọng. Các nước Phật giáo Nam truyền nhờ tôn trọng và giữ kỷ cương này nên tồn tại lâu dài.

Phật giáo Nguyên thủy là gốc, là hạt mầm, nhưng về sau trở thành cây cao bóng cả là có phát triển, không phải muôn đời là hạt mầm.Vì vậy, Đức Phật khẳng định rằng: “Những gì Như Lai đã nói, là Ngài dùng phương tiện để nói”.

Theo Phật giáo Nguyên thủy, những gì Phật nói ví như nắm lá trong tay, những gì Phật chứng đắc, tức trí giác của Phật ví như lá trong rừng. Lá trong rừng là sức sống. Lớp lá này rụng thì có lá mới có thể tốt hơn; đó chính là ý nghĩa của phát triển. Vì vậy, nếu chúng ta không phát triển theo sự phát triển của loài người, Phật giáo sẽ bị lạc hậu và mai một.

Thế nên, con đường tu học là con đường căn bản, duy nhất mà người xuất gia phải đi. Từ những lời sách tấn vô cùng cao quý của các bậc tiền bối, giúp cho chư hành giả trẻ, am hiểu sâu sắc hơn về tầm quan trọng của việc tu học, đối với người xuất gia, không nên để lãng phí thời gian, mà buông lơi, ngược lại luôn tinh tấn, nỗ lực hơn nữa trong việc tu học, để đi cho trọn con đường và tâm nguyện của mình đã phát khởi ban đầu, không phụ công ơn sinh thành của cha mẹ và sự giáo dưỡng của thầy tổ.

Trong Bài sám Quy mạng cũng nói ý này: “Thử thế phúc cơ mạng vị, các nguyện xương long. Lai sinh trí chủng linh miêu, đồng hy tăng tu. Sinh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chính tín xuất gia, đồng chơn nhập đạo…”. Do đó, người học theo Đức Phật, nghiên cứu Phật học và tu hành Phật Pháp, cần phải thấu hiểu điều này.

Chỉ khi hiểu được điều này, người mới bắt đầu học Phật, mới có thể tu hành Phật Pháp một cách sâu sắc. Vì vậy, vào thời kỳ Phật giáo Phát triển, chư vị Tổ sư đã phát triển ra Phật Báo thân. Theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi Phật vào Niết-bàn, phải y cứ giới luật và Tứ niệm xứ, lấy đó làm thầy.

Cho nên, Tăng đoàn có ảnh hưởng rất lớn, để cải thiện việc tu tập của chúng ta. Nhờ có Tăng đoàn mà ngày nay, trong thế giới hiện đại này, chúng ta có những giáo huấn tuyệt vời của Đức Phật, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tăng đoàn truyền cảm hứng cho chúng ta, để mình nhìn những vấn đề trước mắt xa hơn, và thấy rằng có một con đường giúp mình hoàn toàn thoát khổ.

Tăng đoàn không chỉ truyền cảm hứng cho chúng ta, mà còn hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ mình trên mỗi một bước trên đường tu. Đây là lý do mà đôi khi người ta nói rằng nếu không có Tăng đoàn, thì không có đạo Phật.

Nhưng, hiện nay trong đời sống văn minh hiện đại, đạo tràng An cư là môi trường lý tưởng để chư Tăng, Ni tập trung thành một hội chúng hòa hợp, học pháp, hành trì pháp. Các hành giả Tăng, Ni trẻ, có cơ may học pháp từ các bậc trưởng thượng; và các bậc trưởng thượng có thuận duyên, sách tấn giáo huấn đàn hậu học, thăng tiến trưởng thành.

Có như thế, sinh mệnh Tăng già không những trường tồn, mà việc hoằng hóa độ sinh ngày một hưng thịnh, đem lại lợi ích cho quần sinh. Đúng như tinh thần Phật dạy theo kinh Tăng Chi: “Hội chúng nào có các Tỳ kheo sống không biếng nhác, từ bỏ các đọa lạc, đi đầu hạnh viễn ly, sống theo tinh thần tinh tấn, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, hội chúng này sẽ làm lợi ích cho đa số, sẽ làm tăng trưởng an lạc giải thoát”.

Chính sự thành tựu của việc tu tập này, sẽ góp phần đem lại các chân giá trị hạnh phúc, một cách thiết thực cho tự thân mỗi hành giả tu tập giải thoát, kết nối sự hòa hợp thanh tịnh của cả một đoàn thể Tăng già, quyết định cho sự truyền đăng tục diệm, hưng thịnh đạo pháp.

Trong thiên niên kỷ mới này, người xuất gia có một cơ hội rất lớn, để phát triển và được cải tiến, liên tục phát triển, học hỏi và khám phá lại những phương pháp thực tập khác nhau, những phương pháp, có thể được truyền đạt hiệu quả, và được con người trong kỷ nguyên mới này dễ dàng chấp nhận, và phát triển mô thức “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời”.

Trên tinh thần đó, cộng đồng xuất gia sẽ mang nhiều trách nhiệm hơn trong xã hội tân tiến. Nhu cầu đổi mới qua sự thực tập ngay trong đời sống hiện đại thật cấp bách, luôn thực tập hạnh lắng nghe và dùng ái ngữ để truyền thông.

Đối trước những bức bách của thời đại, đạo Phật ngày nay, đã tiếp nối được những con đường khai thông của các bậc tiền bối, và trao cho đời những phương cách ứng xử phù hợp, lợi ích. Chúng ta đã biết: Đức Phật đã phát hiện và tuyên bố rằng: mọi người đều có khả năng giác ngộ “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”.

Dù trong hoàn cảnh nào, dù ở đâu hay trong thời đại nào, nếu khả năng ấy được đánh thức, thì mọi cá thể sinh động, trong dòng chảy tương tục, đều có thể đồng hành, trên lộ trình tiến đến giác ngộ giải thoát, con đường đi ra khỏi mọi trói buộc, mọi ách nô lệ, gồm cả sự nô lệ cho dục vọng của chính mình. Đó là con đường: “Bát chính” đi ra khỏi Tham, Sân, Si, từng bước tự chủ. Với sự thật vi diệu thứ tư là, sự thật của con đường đưa đến khổ diệt.

Con đường được biết là con đường “Trung đạo” vì tránh hai cực đoan. Một là cực đoan tìm cầu hạnh phúc qua khoái lạc của giác quan, hai là tìm hạnh phúc qua sự khổ hạnh ép xác dưới nhiều hình thức. Trung đạo này được đề cập đến đó là con đường Thánh tám ngành, vì vậy người xuất gia cần học hỏi tu tập. Trong kho tàng giáo lý của Đạo Phật, có rất nhiều giáo lý đáp ứng được nhu cầu tu tập, áp dụng trong đời sống hàng ngày của người xuất gia.

Vì vậy, ngày nay người tu tập, cần có những tri thức chân chính, chính cái tri thức chân chính này, để làm nền tảng cho việc phát triển trí tuệ. Hơn nữa, là tăng Ni trẻ, chính là những người thầy trong tương lai, người thầy dẫn dắt quần chúng, trong bối cảnh tri thức và khoa học phát triển.

Tinh hoa Phật giáo được thẩm thấu vào hồn đất nước, sức sống của dân tộc, và mỗi trái tim nhân ái sẽ thấm đẩm tình pháp lữ, những nền tảng giới luật của Phật giáo, mà đức Phật đã chế ra, nó vẫn còn vững như thạch trụ, trong suốt mấy nghìn năm qua. Hãy “ôn cố” những gì người xưa đã truyền trao lại, sẽ “tri tân” những điều vượt qua tri thức thường tình.

Khi tăng, ni trẻ, biết trân quí đời sống phạm hạnh, là đã gieo vào mảnh đất tâm, những hạt giống thoát ly sinh tử, những ai biết “nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức” là đã trải lòng với nhân sinh trong vạn nẻo luân hồi.

Phật giáo đang trên đường phát triển, hòa theo cuộc sống toàn cầu hóa, thì vai trò của tăng, ni trẻ, là lực lượng giúp Đạo pháp phát triển. để góp phần làm cho vườn hoa Phật giáo sum suê lan tỏa. Cho nên, tăng, ni trẻ phải định hướng tương lai cho chính mình, góp phần phụng sự đạo pháp, làm lợi ích cho tha nhân và chính mình.

Chính vì thế, mà trên phương diện tri thức của tăng, ni trẻ, có quyền vươn cao và bay xa, nhưng không nên tách rời đại chúng để sống một mình. Bởi vì, đại chúng là chiếc thuyền lớn, vững vàng giúp cho tăng ni trẻ, vượt qua những phong ba, là hàng rào thép kiên cố, ngăn chặn bọn giặc ngoại xâm, là con đường mòn, có hai hàng cội tùng rắn chắc, đưa hành giả đến ngôi nhà của bản tâm.

Vì mạng mạch của Phật pháp, vì long tượng của Pháp môn, vì ước mơ của thế hệ trẻ, mà mang hoài bão ươm mầm cho tương lai, mong mỏi làm rường cột kiên cố, để chống đỡ ngôi nhà định tuệ. Vì vậy người xuất gia trẻ, trong thời đại này, phải trang bị cho mình đức hạnh trang nghiêm.

“Hương các loài hoa thơm,

Không bay ngược chiều gió.

Hương người đức hạnh đó,

Ngược gió khắp muôn phương.”

Đúng vậy, đức hạnh là một tính cách cao đẹp, không hề bị chi phối biến hoại, dù thời gian vô cùng, không gian vô tận, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Muốn có đức hạnh thì giới hạnh phải trang nghiêm, giới hạnh nghiêm túc thì đức hạnh sáng ngời.

“Thân trang nghiêm giữ tròn giới hạnh,

Khẩu trang nghiêm lời nói sạch trong.

Ý trang nghiêm cõi lòng thanh tịnh,

Đó mới là chân thật xuất gia.”

Chỉ có giới luật mới tạo nên đức hạnh của người tu, mới xây dựng được một “Thiên nhân chi đạo sư.” Thế nên, Tăng Ni trẻ chúng ta, phải có nền tảng giới luật vững chắc, còn phải mẫu mực về đạo đức, trình độ Phật pháp vững vàng. Song song bên cạnh đó cũng cần trau dồi kiến thức thế học, dù không phải cứu cánh, nhưng là phương tiện cần thiết để phục vụ cho con đường hoằng dương chính pháp, và để ứng xử thỏa đáng với mọi căn cơ trình độ chúng sinh, nhất là trong giai đoạn ngày nay.

Vì vậy, thời gian an cư, có thể nói là thời gian quan trọng nhất trong năm của bất cứ hành giả nào hướng tâm giải thoát. Nó không chỉ có giá trị quyết định vấn đề thăng chứng tâm linh, phẩm hạnh trí tuệ của từng cá nhân đoàn thể Tăng già, mà còn có tác động khai mở tâm thức, thiết lập và phát triển đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của giới Phật tử tại gia thuần tịnh. Thông qua sự thanh tịnh hòa hợp, Tăng đoàn mới xứng đáng là một trong ba ngôi Tam bảo, làm chỗ nương tựa, y cứ cho hàng Phật tử tại gia.

Thế mới biết, an cư là thời gian quý báu, để người tu hành có điều kiện nhìn lại chính mình, soi thấu bệnh tật phiền não hoặc mới huân tập, hoặc lâu đời mà đoạn trừ, trị liệu. Như Đức Phật được ví như một Bác sĩ và Pháp là y dược, thì Tăng đoàn giống như những y sĩ khuyến khích và hướng dẫn mình trên đường tu, khi chúng ta nỗ lực hướng về tự do, để thoát khỏi tất cả các vấn đề của mình mãi mãi.

Vì vậy, Tăng đoàn còn có vai trò gìn giữ chính pháp, và phổ biến chính pháp rộng rải khắp nhân gian, giúp mọi người thông hiểu Phật pháp và sống đúng chính pháp, vì chỉ có chính pháp mới có đầy đủ năng lực cảm hóa và cải thiện con người trở về chân thiện mỹ.

Xét về mặt tinh thần, an cư không nhất định chỉ dành riêng cho giới xuất gia. Nếu đạo tràng, tất cả cư sĩ tại gia tập chung tu hành, thì cũng có thể xem là an cư. Như vậy, dù An cư thời Đức Phật hay trong thời hiện đại, ý nghĩa cốt lõi vẫn không đổi. Đó là bảo hộ Tăng đoàn, khỏi sự cơ hiềm của quần chúng và nuôi dưỡng lòng từ bi của người xuất gia.

Nhưng ý nghĩa sâu xa hơn, đức Phật thấy được, trong một năm, các Tỳ kheo cần phải có khoảng thời gian quay trở lại tu tập, lấy lại nội lực cho chính bản thân mình, đây là khoảng thời gian các Tỳ kheo, phải tạm dừng các hoạt động Phật sự bên ngoài, quy tụ Tăng chúng về một nơi già lam thanh tịnh, để cùng nhau tu tập, thúc liễm thân tâm, trau dồi kinh-luật-luận, phát triển thiền định, mục đích là để khơi mở trí tuệ.

Bởi vì chín tháng trong năm, các Tỳ kheo đã du hành khắp nơi, để chăm lo về mặt tinh thần cho quần chúng, nên có phần hao tổn về mặt sức khỏe và năng lượng tâm linh.

Tóm lại, Mùa an cư, chính là lúc tái tạo lại nguồn sinh lực của Tăng đoàn. Đức Phật vô cùng chú trọng đến vấn đề bảo hộ sinh mạng của muôn loài, cũng như vấn đề bảo vệ môi trường người xuất gia một cách tốt nhất, cho nên, Ngài chế định an cư kiết hạ cho chư Tăng ni vào mùa mưa. Đây chính là một minh chứng rất rõ cho tư tưởng bảo vệ môi trường, và bảo hộ sinh mạng của muôn loài.

Cho nên, tất cả đệ tử Phật đều phải tuân thủ quy chế này một cách nghiêm túc, tấn tu Tam Vô Lậu Học, gạn lọc thân tâm, “Hoằng truyền chính pháp, lợi lạc quần sinh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.

Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội

***

Sách và Tài Liệu tham khảo:

1. Đức Phật và Phật pháp, Việt dịch, Phạm kim Khánh;

2. Con đường Thành Phật, Đại Sư Ấn Thuận- Việt dịch, Thích Bổn Huân;

3. Những lời Phật dạy, Bình Anson dịch;

4. Tăng Sự Bách Giảng- Quản Lý Tổ chức; Quy chế Tùng Lâm; Giới pháp xuất gia, Đại Sư Tinh Vân- Việt dịch, Mạnh Linh.

5. Nhân gian và thực tiễn, Đại Sư Tinh Vân- Việt dịch, Đỗ Khương- Mạnh Linh.

Chú thích:

[1] Nếp sống lục hòa cộng trụ của Tăng đoàn (thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân.)

[2] Thích Trí Tịnh (dịch) (2013), Kinh Phạm Võng Bồ tát giới, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.9.

[3] Thích Đổng Minh, Tứ Phần Luật, Ch.3 An cư, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam; http://www.thuvienhoasen.org/tuphanluat-tangsu-03.htm

[4] Theo ngài Huyền Trang là nhằm 16 tháng 5 của Trung Quốc, sau vì muốn lấy ngày rằm tháng bảy Vu Lan, làm ngày Tự tứ nên chọn ngày An cư là 16 tháng 4.

[5] Bố Tát là ngày định kỳ thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành, nhằm nuôi lớn các thiện pháp, khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh, hầu duy trì và phát triển sinh mệnh của Tăng đoàn trong tinh thần hòa hợp.

[6] Theo Tứ Phần Luật, nếu có duyên sự cần thiết phải rời khỏi trú xứ quá bảy ngày phải xin phép Tăng đoàn, thực hiện pháp bạch nhị yết-ma.

[7] Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 1, Nxb Tổng hợp TP. HCM, tr.102.

[8] Đại tạng kinh Việt Nam (1991),Trường A-hàm, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, TP. HCM, tr.251.

[9] Đại tạng kinh Việt Nam (1991),Trường A-hàm, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, TP. HCM, tr.225.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/an-cu-la-suc-manh-cua-tang-doan.html