Nhà báo Phong Chương - Báo Nhân Dân: Trường Sa, mối ân tình còn mãi!

Trong cuộc đời làm nghề của một nhà báo thì hành trình tìm đến những địa danh mới, những con người mới, những câu chuyện mới để giải cơn khát thông tin cho độc giả là mục đích tối quan trọng. Nhưng đến với huyện đảo Trường Sa – trên một hải trình đặc biệt – vẫn thật sự là một trải nghiệm để đời, khó quên trong sự nghiệp làm báo của cá nhân tôi, một phóng viên báo Đảng.

Phải mất gần 13 năm trong nghề, tôi mới có cơ hội tham gia đoàn công tác số 5 thăm 6 đảo và 1 nhà giàn trong hành trình gần 1.400 hải lý trên tàu kiểm ngư hiện đại KN390 của lực lượng kiểm ngư Việt Nam vào tháng 4/2024. Việc đầu tiên làm khi biết lịch sẽ công tác tới Trường Sa là tôi tìm hết những người đàn anh, đàn chị đồng nghiệp, những chuyên gia từng đặt chân đến Trường Sa để hỏi kiến thức, kinh nghiệm...; đọc rất nhiều bài báo, video, chương trình truyền hình... liên quan để xem những gì còn mới, có thể khai thác.

Thực tế không hề dễ dàng vì nhà báo nào đã đi, đến và viết về Trường Sa đều lăn xả, tìm kiếm, bào mòn lý trí và kỹ năng, cho ra đời hàng trăm, hàng nghìn bài viết, phóng sự, ký sự đa dạng đề tài, phản ánh chân thực hành trình đổi mới suốt hàng chục năm qua của quần đảo thân yêu này.

 Thành viên Đoàn công tác số 5 (năm 2024) tự hào chụp ảnh kỷ niệm cùng chiến sĩ canh gác cột mốc đảo Sinh Tồn.

Thành viên Đoàn công tác số 5 (năm 2024) tự hào chụp ảnh kỷ niệm cùng chiến sĩ canh gác cột mốc đảo Sinh Tồn.

Thế cho nên, hành trang duy nhất giúp tôi đủ tự tin bắt đầu 6 ngày trên biển, thăm đảo là tận dụng tối đa cảm xúc trong lần đầu đến với Trường Sa, nghe và hỏi thật nhiều để tìm đề tài phù hợp cho các bài viết. Ấn tượng đầu tiên trong hải trình là sự thân thiện và chăm sóc tận tình của các kiểm ngư viên trên tàu KN390.

Trong số họ, có những người mới bắt đầu những chuyến đi, có người thì chỉ còn vài chuyến nữa là nghỉ hưu, nhưng trong họ vẫn luôn chung tình với biển quê hương. Nghe từng câu chuyện của các kiểm ngư viên đều thấm đẫm mùi biển, ký ức về từng hòn đảo chìm, đảo nổi đã đi qua hiện lên đầy chân thực. Dù trên boong tàu lắc lư, dù giữa bếp ăn nghi ngút khói nóng nực, hay tận phòng máy ầm ĩ tiếng động cơ khổng lồ, các kiểm ngư viên vẫn luôn sảng khoái, tươi tắn và đầy hứng khởi sau mỗi hồi còi tàu báo hiệu rời cảng, hướng đích đến Trường Sa.

Trên các đảo, tôi được gặp từ sĩ quan đến những người lính hải quân, người lính biên phòng, sĩ quan quân y, hậu cần... Nhiều người còn rất trẻ, không ít trong số họ còn chưa có tình yêu đầu, thế nhưng trước nhiệm vụ, trước trách nhiệm của người lính, một sĩ quan nói với tôi rằng: Mỗi ngày, bảo vệ cờ Tổ quốc tung bay trên đảo chìm, đảo nổi là nhiệm vụ không bao giờ được lơ là, là nhiệm vụ sống còn. Đó cũng chính là bảo vệ gia đình, bảo vệ quê hương, bảo vệ tương lai...

Xúc động hơn nữa là khoảnh khắc ngắm nhìn Nhà giàn DK1/2 trong một sáng biển động mạnh. Lúc này, đại biểu không thể tiếp cận để thăm các anh, quà gửi lên còn phải chờ từng hồi sóng dồn dập, lên xuống mới thành công kéo, cẩu trước nỗ lực của các kiểm ngư viên trên xuồng trung chuyển. “Tháng Tư - bà già đi biển”, ấy vậy mà tàu KN390 hiện đại cũng bị biển cho “đảo qua đảo lại”, khách đường xa không ít người say sóng vẫn bám trụ boong tàu. Vì ở đó, các ca sĩ, văn công nỗ lực dùng tiếng hát, vượt cơn say, gửi qua sóng bộ đàm như một lời chào, một lời cảm ơn chân thành đến các chiến sĩ trên nhà giàn ở xa xa vẫn đang vẫy chào không dứt con tàu từ đất mẹ.

 Cán bộ, chiến sĩ, nghệ sĩ và thành viên Đoàn công tác số 5 (năm 2024) giao lưu văn nghệ cùng chiến sĩ đảo Đá Thị.

Cán bộ, chiến sĩ, nghệ sĩ và thành viên Đoàn công tác số 5 (năm 2024) giao lưu văn nghệ cùng chiến sĩ đảo Đá Thị.

Ở các đảo, người dân là một nét chấm phá khó quên trên hải trình Trường Sa. Họ trò chuyện cởi mở mọi thứ với nhà báo, với các đại biểu của đoàn công tác, mời mọi người những thứ ngon nhất, sẵn sàng tặng những món quà đảo đẹp nhất tự tay làm. Nhưng không ai kể về khó khăn nơi đảo xa. Đối với họ, hạn hán, thiếu nước ngọt, thiếu nhiều thứ... đã quá đỗi quen thuộc. Nắng gió biển Đông chỉ khiến con người nhỏ bé đoàn kết nhau hơn, ý chí kiên cường hơn để sống tốt, sống khỏe. Bởi vậy, nhiều em bé ra đời từ những làng chài giữa biển, hàng bao thế hệ người Việt nối tiếp nhau xây làng, xây cộng đồng giữa đảo xa.

Ngày cuối cùng ở đảo Trường Sa, xã đảo “trái tim” của quần đảo Trường Sa, tôi may mắn được người lính hậu cần Tống Tùng; Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ, Trưởng trạm y tế dẫn đi quanh đảo bằng một “tour” xe đạp “có một không hai”. Tôi được nghe hai anh kể về các đảo, về trải nghiệm khi tham gia sinh sống, làm việc, bảo vệ đảo... Người thì đã nhiều lần xin trở lại Trường Sa làm nhiệm vụ, người thì là bác sĩ nhưng đang viết giáo án dạy tiếng Anh cho bọn trẻ. Trong họ không bao giờ ngơi nghỉ mong muốn cống hiến.

Tôi có hỏi lại cả hai người: “Vì sao các anh lại ra với Trường Sa?”. Nghĩ một lúc, họ trả lời đơn giản: Đầu tiên là nhiệm vụ, nhưng hơn cả là trách nhiệm. Ai cũng có quê hương, nơi chôn rau cắt rốn. Bảo vệ từng tấc đảo, sải biển xa xôi cũng là xây tương lai cho những thế hệ tiếp theo của người Việt trên đất liền, cũng như trên những làng chài lớn - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Câu trả lời đó thật sự in sâu vào ký ức của một nhà báo lần đầu ra Trường Sa gian khó, để rồi khát khao cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho xã hội khi trở về với đất mẹ. Bây giờ thì tôi đã hiểu, vì sao rất nhiều đồng nghiệp đã đến, rồi khát khao quay lại Trường Sa nhiều lần. Bởi trong họ chưa bao giờ thỏa mãn được bản năng nghề nghiệp, đề tài họ muốn viết vẫn còn dang dở: Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa... như một mối ân tình còn mãi giữa đời này qua đời khác của người Việt với người Việt, cần được kể nhiều hơn nữa, dài hơn nữa...

Phong Chương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-phong-chuong--bao-nhan-dan-truong-sa-moi-an-tinh-con-mai-post299607.html