An cư song hành lạc nghiệp
Những căn nhà mới trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ khó bền vững nếu người dân không có sinh kế. Một số nơi đã gấp rút triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ sinh kế cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển kinh tế bền vững.
Tính đến giữa tháng 5/2025, tỉnh Cà Mau (trước sáp nhập) có gần 7 ngàn hộ hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ nhà ở và sinh kế thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia, cùng nhiều nguồn lực xã hội khác. Tuy vậy, vẫn còn gần 6 ngàn hộ dân cần tiếp tục hỗ trợ sinh kế để vươn lên, ổn định cuộc sống lâu dài. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh bắt đầu bước vào giai đoạn thực hiện Đề án hỗ trợ sinh kế phục vụ mục tiêu xóa nghèo triệt để sau khi hợp nhất với tỉnh Bạc Liêu.
Từ “mái ấm” đến “cần câu cơm”
Tại xã Tân Thuận mới, Đề án hỗ trợ sinh kế cho các hộ dân được thực hiện với sự chung tay của các cấp. Từ đó, xã đạt được những kết quả khả quan.
Điển hình như hộ chị Trương Thúy Hằng, ấp Tân Phước, xã Tân Đức (nay là xã Tân Thuận mới), được cấp nhà mới từ tháng 5/2025, trị giá 150 triệu đồng. Vì nằm trong hộ cận nghèo, nghề nghiệp bấp bênh, chồng chị Hằng bệnh tim bẩm sinh nên xã nhận thấy nếu chỉ cho nhà mà không tạo việc làm ổn định sẽ khiến đời sống của gia đình chị mãi bấp bênh. Do đó, Chi hội Phụ nữ ấp Tân Phước hỗ trợ vay 50 triệu đồng làm vốn, gia đình chị bắt đầu ổn định hơn. Chị Hằng mở cửa hàng thực phẩm nhỏ tại nhà, còn chồng chị đi bỏ mối thịt heo. Mỗi tháng thu nhập khoảng 7 triệu đồng, đủ trang trải chi tiêu, chữa bệnh và nuôi con ăn học.

Gia đình chị Trương Thúy Hằng từng phải ở tạm bợ trong căn nhà lá cũ này, cuộc sống bấp bênh...

...nhưng nay không chỉ được hỗ trợ căn nhà mới, chị Hằng còn được hỗ trợ sinh kế để buôn bán nhỏ, có thu nhập cải thiện cuộc sống.
“Cả gia đình trăn trở nhiều, phải làm sao có tiền sinh sống, không uổng công Nhà nước đã cho nhà mới. May mắn được địa phương hỗ trợ ngày công, con giống, rồi vay vốn làm ăn… nên cuộc sống ổn định hơn nhiều”, chị Hằng xúc động chia sẻ.
Cũng ở ấp Tân Phước, một trường hợp khác được hỗ trợ vốn và việc làm, thuộc đề án hỗ trợ sinh kế là anh Trương Chí Hùm. Nhà anh Hùm có đến 7 nhân khẩu và là hộ cận nghèo. Anh lao động theo thời vụ tại địa phương. Gia đình anh Hùm được hỗ trợ nhà vào tháng 1/2025, trị giá 120 triệu đồng nhưng vẫn canh cánh nỗi lo kinh tế. Nhờ được xã hỗ trợ, anh Hùm vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), được hướng dẫn tự tạo sinh kế mà anh tìm ra hướng đi tươi sáng hơn.

Anh Trương Chí Hùm rất quý chiếc xe máy mua từ nguồn vốn hỗ trợ, hiện là phương tiện kiếm sống chính.
Anh Hùm cho biết: “Tôi vay vốn mua sò giống về nuôi, tạo thu nhập để trang trải cuộc sống, thoát cảnh cận nghèo. Hiện tại, tôi còn chạy grab nên kinh tế ổn định hơn trước nhiều”.
Đề án sinh kế định hướng rõ, cách làm linh hoạt
Với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, đề án hỗ trợ sinh kế của tỉnh chia thành nhiều nhóm cần hỗ trợ khác nhau theo nhu cầu thực tế của người dân, như: giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật (mô hình sản xuất); đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công cụ, phương tiện sản xuất; đất sản xuất; vốn sản xuất, kinh doanh... Mỗi địa phương tùy trường hợp, tình hình cụ thể... có thể điều chỉnh cách làm hợp lý.
Ông Võ Minh Hảo, Trưởng ấp Tân Phước, cho biết: “Ngoài xóa nhà tạm, nhà dột nát, địa phương còn có nhiều nguồn vốn khác hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo. Chẳng hạn như Hội Liên hiệp Phụ nữ có nguồn vốn tín chấp, nguồn vốn nội lực từ chi, tổ hội... giúp chị em buôn bán có thu nhập, thoát nghèo bền vững. Chúng tôi cũng hỗ trợ kết nối các hộ nghèo, cận nghèo trao đổi với NHCSXH để hỗ trợ một phần vốn và hướng dẫn thêm nghề buôn bán, để đảm bảo cuộc sống của người dân và thoát nghèo bền vững trong những năm tới”.
Đề án hỗ trợ sinh kế cho các hộ dân sẽ được hoàn thiện sau khi hoàn thành hợp nhất tỉnh Cà Mau nhằm cập nhật thêm nhu cầu của người dân, để triển khai trên diện rộng, mở ra cánh cửa mới cho nhóm đối tượng yếu thế.
“Đề án hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025-2027 là động thái vào cuộc quyết liệt của tỉnh Cà Mau trong công tác giảm nghèo bền vững, giúp dân an cư, lạc nghiệp, từng bước làm giàu chính đáng, bền vững. Mỗi địa phương cần quản lý chặt chẽ, cập nhật thường xuyên danh sách hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng yếu thế có nguy cơ tái nghèo thông qua hệ thống số hóa, có sự giám sát từ nhiều cấp mới có thể hỗ trợ một cách sát sao và kịp thời nhất cho người dân”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/an-cu-song-hanh-lac-nghiep-a40059.html