Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung và những ẩn số dài hạn
Một lần nữa, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bắt tay trong thỏa thuận thương mại mới, nhằm giảm căng thẳng và mở ra cánh cửa hợp tác mới. Dù vậy, nhiều vấn đề cốt lõi vẫn còn bỏ ngỏ, khiến thị trường và giới phân tích cân nhắc kỹ lưỡng về ý nghĩa thực sự của thỏa thuận này.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn còn những ẩn số. Ảnh: TL
Mỹ - Trung Quốc ký kết thỏa thuận đình chiến thương mại
Ngày 26-6-2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã ký kết thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc, song không công bố chi tiết cụ thể. Chỉ một ngày sau đó, phía Trung Quốc, thông qua Bộ Thương mại, cũng xác nhận thỏa thuận đã được hoàn tất nhưng chỉ nêu khái quát rằng sẽ xem xét và phê duyệt các đơn xin xuất khẩu các mặt hàng nằm trong danh mục kiểm soát theo quy định của pháp luật, đồng thời Mỹ sẽ dỡ bỏ một loạt biện pháp hạn chế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Nội dung cốt lõi của thỏa thuận xoay quanh việc Trung Quốc cam kết tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận nguồn cung nam châm và khoáng chất đất hiếm - những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành sản xuất và công nghệ vi xử lý. Đây là vấn đề được quan tâm đặc biệt sau khi Trung Quốc từng siết chặt xuất khẩu các mặt hàng này để gây sức ép với Mỹ trong bối cảnh tranh chấp thương mại leo thang.
Về phía Mỹ, các biện pháp trả đũa như kiểm soát xuất khẩu phần mềm thiết kế chip, máy bay và một số sản phẩm công nghệ cao khác cũng sẽ được nới lỏng hoặc dỡ bỏ tùy thuộc vào việc Trung Quốc thực thi cam kết. Một điểm đáng chú ý khác là thỏa thuận cũng bao gồm cam kết của Mỹ về việc không tiếp tục đòi hỏi thu hồi thị thực của sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ.
Thỏa thuận này được xem là bước tiến quan trọng, tiếp nối từ các cuộc đàm phán cấp cao tại Geneva và London trong tháng 5 và tháng 6, khi hai bên đã giảm mạnh các mức thuế quan áp đặt lên hàng hóa của nhau, qua đó giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên thương mại song phương và thị trường tài chính toàn cầu.
Cái bắt tay giảm áp lực cho chuỗi cung ứng và thị trường tài chính
Các chuyên gia kỳ vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc lần này không chỉ nhằm giảm căng thẳng trước mắt giữa hai nền kinh tế mà còn hướng tới tái ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ thuộc vào quốc gia cung khoáng sản đất hiếm như ô tô, hàng không, điện tử, quốc phòng.
Đối với Mỹ, việc tiếp cận một cách ổn định nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc là yếu tố sống còn, bởi Trung Quốc hiện kiểm soát tới 70% sản lượng khai thác và 90% khâu chế biến đất hiếm toàn cầu. Sự gián đoạn nguồn cung tài nguyên này trong thời gian qua đã khiến các nhà sản xuất ô tô, điện tử, quốc phòng Mỹ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm các nhà máy gần như phải dừng hoạt động.
Về phía Trung Quốc, việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao và tạo điều kiện cho sinh viên Trung Quốc tiếp tục học tập tại Mỹ cũng là những nhượng bộ quan trọng, giúp duy trì sự ổn định trong quan hệ song phương và thúc đẩy hợp tác lâu dài.
Đáng chú ý, các cuộc đàm phán tại Geneva và London có ý nghĩa rất quan trọng, được tiến hành theo cách tiếp cận riêng biệt và phá vỡ các mô hình truyền thống. Lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc thiết lập một cơ chế tham vấn thường xuyên tại một quốc gia thứ ba, sử dụng chiến lược “Phân cấp vấn đề và Tiến triển từng bước” để giảm cường độ xung đột. Điều này có thể là hình mẫu để các nền kinh tế xử lý những bất đồng thương mại gay gắt trong thời gian tới.
Ý nghĩa chiến lược của thỏa thuận còn nằm ở việc hai bên cùng hướng tới giảm thiểu rủi ro cho thị trường tài chính toàn cầu, vốn đã chao đảo mạnh mỗi khi căng thẳng thương mại leo thang. Việc giảm thuế quan và nới lỏng các biện pháp hạn chế đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới vào cuối tuần qua, phản ánh sự lạc quan của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế.
Giao thương nối lại, nhưng mâu thuẫn vẫn còn âm ỉ
Theo giới chuyên gia, dù hai bên đã đạt được thỏa thuận, nhiều vấn đề cốt lõi trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
“Mỹ và Trung Quốc dường như đang nới lỏng những biện pháp siết chặt kinh tế của nhau thông qua kiểm soát xuất khẩu chip máy tính và đất hiếm”, ông Eswar Prasad, Giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell, cho biết. Theo ông, “đây là một bước tích cực nhưng còn rất xa để báo hiệu triển vọng giảm mạnh thuế quan và các biện pháp thù địch thương mại khác”.
Trên thực tế, những tranh cãi và đàm phán trong vài tháng qua dường như chưa giải quyết được các khiếu nại của Washington về các hành vi thương mại phi thị trường của Bắc Kinh như trợ cấp doanh nghiệp không công bằng, ép buộc chuyển giao công nghệ… Bên cạnh đó là mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc, lên tới 262 tỉ đô la trong năm ngoái.
Thỏa thuận lần này “không bao gồm bất cứ điều gì liên quan đến mối quan tâm của Mỹ về thặng dư thương mại hoặc hành vi phi thị trường của Trung Quốc”, chuyên gia Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. “Nếu hai bên có thể thực hiện các yếu tố của thỏa thuận đình chiến thương mại này, họ mới có thể bắt đầu đàm phán về các vấn đề đã gây ra sự leo thang căng thẳng ban đầu”.
Thỏa thuận cũng không đề cập cụ thể đến việc Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc. Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn duy trì các quy định kiểm soát chặt chẽ đối với xuất khẩu đất hiếm, đặc biệt là đối với các khách hàng quân sự. Một số nguồn tin cho biết Bắc Kinh kiểm tra rất kỹ lưỡng các bên mua để đảm bảo đất hiếm sẽ không bị chuyển hướng sang mục đích quân sự của Washington. Điều này đã làm chậm quá trình cấp phép, và khiến các nhà thầu quốc phòng Mỹ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung đất hiếm.
Theo ông Alfredo Montufar-Helu, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc của Tổ chức nghiên cứu The Conference Board, mặc dù các diễn biến mới là đáng khích lệ, song do cả hai bên đều coi đất hiếm là “con bài mặc cả quan trọng trong các cuộc đàm phán tương lai”, nên việc giao dịch các mặt hàng này sẽ vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, sự thiếu minh bạch về các điều khoản và cam kết cụ thể cũng là điểm yếu của thỏa thuận, khiến giới phân tích hoài nghi về tính khả thi và hiệu quả lâu dài. Ông Jeff Moon, một quan chức thương mại dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và hiện là người điều hành Công ty Tư vấn China Moon Strategies, nhận định việc Tổng thống Donald Trump không công bố chi tiết thỏa thuận sau khi ký kết cho thấy: “Thỏa thuận có kết quả khiêm tốn hơn so với những gì mà ông Trump đề cập đến”.
Triển vọng phía trước vẫn còn để ngỏ
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc được ký kết trong bối cảnh Mỹ đang chạy đua với thời hạn 9-7-2025 để hoàn tất các thỏa thuận với các đối tác thương mại lớn khác, trước khi tái áp dụng các mức thuế “đối ứng” có thể lên tới 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước này. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết thời hạn này có thể được linh hoạt kéo dài tới tận ngày 1-9, tùy thuộc vào tiến độ đàm phán với từng đối tác.
Đối với Trung Quốc, trong thời gian tới, việc thực thi các cam kết về nới lỏng xuất khẩu đất hiếm sẽ được giám sát chặt chẽ, trong khi phía Mỹ cũng sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu trong những lĩnh vực công nghệ cao, tùy thuộc vào tiến độ thực hiện thỏa thuận của Trung Quốc.
Các chuyên gia kỳ vọng giai đoạn tiếp theo sẽ là các cuộc đàm phán sâu hơn về các vấn đề cốt lõi như thâm hụt thương mại, hành vi thương mại phi thị trường, trợ cấp doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ. Hai bên cũng có thể tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên để giảm thiểu rủi ro xung đột và thúc đẩy hợp tác lâu dài.
Nhìn chung, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc lần này là bước tiến quan trọng trong việc giảm căng thẳng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Những yếu tố bất định trong chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump và những khác biệt lớn trong quan điểm giữa hai nền kinh tế, sẽ khiến các bất đồng khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn. Do vậy, sự thành công của thỏa thuận vừa ký kết sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc hai bên thực thi cam kết và tiếp tục đối thoại để giải quyết các vấn đề cốt lõi, nhằm hướng tới một nền tảng hợp tác kinh tế bền vững hơn.
Theo AP, Reuters, Al Jazeera, CNBC, Financial Times, CNN Business, The Guardian
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-va-nhung-an-so-dai-han/