An cư trên quê mới

Trưởng thôn Yên Khánh, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) Nguyễn Thiện Quyền vẫn nhớ như in cái ngày 3 hộ, rồi sau đó 76 hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Na Hang cùng nhau về miền quê mới. Đó là những ngày đầu loay hoay kiếm tìm phương thức sản xuất, tập thích ứng với môi trường sống khác cùng nỗi nhớ quê hương cũ luôn thường trực. Sau 20 năm tái định cư, từ một miền quê nghèo, Yên Khánh giờ đây đã khoác lên mình tấm áo mới khang trang.

Từ "thôn Hồ 1" đến "Yên Khánh"

Những ngày đầu, thôn tái định cư có tên là thôn Hồ 1. Gia đình bà Bùi Thị Nguyệt là 1 trong 3 hộ đầu tiên chuyển về nơi ở mới. Bà nhớ lại, ngày 4-11-2003, gia đình bà cùng hộ gia đình ông Lưu Thế Cường, gia đình bà Vũ Thị Nguyệt mang theo đồ đạc rời xa quê cũ. Khi ấy điều kiện cơ sở vật chất chưa được như bây giờ, khó khăn chồng chất khó khăn. Vất vả nhất là tư liệu sản xuất hạn hẹp, trong khi bà con miền núi đang quen với cuộc sống tự sản tự tiêu, gắn bó với núi rừng. Cả thôn khi ấy chỉ có một vài nhà có xe gắn máy, một vài thiết bị nghe nhìn. Dù được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, vận động thế nhưng nhiều bà con vẫn có tư tưởng quay về quê cũ. Trong ánh đèn hắt hiu, nỗi nhớ quê cứ thường trực ùa về. Chẳng ai nỡ rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình…

Trưởng thôn Yên Khánh cùng bà con nông dân tham quan cánh đồng gieo trồng vụ 3.

Trưởng thôn Yên Khánh cùng bà con nông dân tham quan cánh đồng gieo trồng vụ 3.

Đến đầu năm 2004, cuộc sống của trên 100 hộ dân đồng bào tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Na Hang dần đi vào ổn định. Thôn quy tụ 6 đồng bào dân tộc anh em cùng nhau chung sống đó là Mông, Tày, Dao, Cao Lan, Xê đăng, Kinh. Rót một chén nước chè, Trưởng thôn Nguyễn Thiện Quyền khi ấy đang là Đội trưởng đội sản xuất kể lại… Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân sở tại, nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng đã được mở ra. Bà con được động viên sản xuất, khí thế lao động, phát triển kinh tế ngày càng lan rộng.

Yên tâm xây dựng đời sống trên quê hương mới, bà con trong thôn lúc bấy giờ có nguyện vọng đổi tên thôn để tưởng nhớ nơi đã sinh ra, lớn lên với biết bao kỷ niệm gắn bó. Khi đó, thôn Yên Khánh ra đời dưới sự nhất trí của lãnh đạo UBND xã Hoàng Khai. Cái tên "Yên Khánh" được ghép từ xã Trùng Khánh và xã Vĩnh Yên, là hai xã bà con trong thôn sinh sống trước khi chuyển về xây dựng đời sống trên quê hương mới.

An cư, lạc nghiệp

Trong giọng kể đầy tự hào, Trưởng thôn Nguyễn Thiện Quyền khẳng định, chính nhờ tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau cùng ý chí vươn lên mà cuộc sống của bà con Nhân dân thôn Yên Khánh đã thay đổi từng ngày. Ghé thăm làng quê Yên Khánh những ngày này, dễ dàng thấy được những cánh đồng rau màu xanh mướt trù phú, những ngôi nhà cao tầng san sát nhau như phố thị, nhiều cửa hàng dịch vụ ra đời… Tinh thần "không cho đất nghỉ”, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập đã giúp đời sống kinh tế của bà con dần đi vào ổn định.

Nhiều cửa hàng tạp hóa quy mô ra đời phục vụ đời sống của bà con Nhân dân thôn Yên Khánh.

Nhiều cửa hàng tạp hóa quy mô ra đời phục vụ đời sống của bà con Nhân dân thôn Yên Khánh.

Đến nay, sản lượng sản xuất lương thực toàn thôn đạt 508 tấn/năm, tổng đàn gia súc trên 450 con, gia cầm gần 3.400 con, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp, phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp. Lực lượng lao động trẻ tích cực làm việc tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động theo hợp đồng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều hộ phát triển kinh tế tốt có thu nhập khá như hộ gia đình ông Trần Văn Phú, Phạm Văn Sơn, Phạm Văn Hùng…

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai Triệu Hồng Kiên cho biết, trong suốt những năm qua, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương luôn cố gắng tạo điều kiện để bà con khu tái định cư vươn lên. Từ các nguồn vốn vay, cây, con giống được hỗ trợ, bà con Nhân dân nỗ lực tăng gia sản xuất, tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, nhiều hộ gia đình ở Yên Khánh có thu nhập khá, xây dựng nhà cửa khang trang, một số hộ mua được phương tiện hiện đại phục vụ đời sống.

Không chỉ phát triển về kinh tế, đời sống tinh thần của bà con Nhân dân cũng được cải thiện. Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang với đầy đủ hệ thống loa, đài, camera an ninh được lắp đặt. Đường điện chiếu sáng, tuyến đường hoa kiểu mẫu được xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. 100% hộ dân tái định cư được sử dụng điện lưới quốc gia, toàn thôn có 90% nhà xây kiên cố, tỷ lệ trẻ được đến trường đạt 100%. Bà con Nhân dân trong thôn tích cực tham gia các phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, toàn thôn Yên Khánh chỉ còn 5 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm.

Phụ nữ thôn Yên Khánh phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.

Phụ nữ thôn Yên Khánh phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.

20 năm cùng nhau gắn bó, xây dựng quê hương mới, bà con Nhân dân thôn Yên Khánh đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng để phát triển. Từ một thôn tái định cư ban đầu vô cùng khó khăn, Yên Khánh vươn lên thay da đổi thịt, trở thành một miền quê đáng sống, là một quê hương thứ hai để lớp trẻ đi xa lại mong ngóng được trở về. Hành trình "nhường đất" cho dự án lớn của tỉnh của bà con vùng lòng hồ thủy điện năm xưa giờ đã đơm hoa, kết trái…

Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/an-cu-tren-que-moi-184344.html