Ấn Độ: Bài toán việc làm đè nặng đất nước 1,4 tỷ dân

Dù tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, song Ấn Độ vẫn không tạo ra đủ việc làm cho dân số trẻ. Và một ngân sách mới, trong đó tăng cường chi trả cho việc đào tạo công nhân lành nghề sẽ là bước đầu tiên của quốc gia 1,4 tỷ dân này nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên.

Thách thức lớn của chính quyền Thủ tướng Modi

Bài toán tạo việc làm đã trở thành một thử thách lớn đối với nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khi lực lượng lao động trẻ của Ấn Độ đang phải vật lộn để tìm việc làm.

Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với hơn 40% trong tổng số 1,4 tỷ dân ước tính dưới 25 tuổi.

 Những nữ thanh niên Ấn Độ đang đi xin việc. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ là 9,2% vào tháng 6. Ảnh: Reuters

Những nữ thanh niên Ấn Độ đang đi xin việc. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ là 9,2% vào tháng 6. Ảnh: Reuters

Thất nghiệp là một yếu tố quan trọng khiến Thủ tướng Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông không đạt được kỳ vọng và không giành được đa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ hồi tháng 6 vừa qua.

Khi Chính phủ Ấn Độ công bố ngân sách năm 2024 vào thứ Ba (23/7) vừa qua, họ đã dành 24 tỷ USD trong 5 năm tới để thúc đẩy tạo việc làm. "Trong ngân sách này, chúng tôi đặc biệt tập trung vào việc làm, đào tạo kỹ năng, doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp trung lưu", Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cho biết vào thứ Ba.

Trong ngân sách, bà Nirmala Sitharaman tuyên bố rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ khởi động một chương trình cung cấp cơ hội thực tập cho 10 triệu thanh niên tại 500 công ty hàng đầu trong vòng 5 năm.

Shrijay Sheth, người sáng lập công ty tư vấn LegalWiz, nói với DW rằng ông mong đợi "các công ty sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn khi chọn Ấn Độ vì lợi ích rõ ràng về chi phí và tiếp cận được lực lượng lao động trẻ đông đảo, cùng với quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Ấn Độ".

"Điều này rất quan trọng. Hyundai đang để mắt tới đợt IPO tại Ấn Độ hoặc đàm phán với Tesla để thành lập cơ sở sản xuất tại Ấn Độ là những ví dụ mang tính biểu tượng", Sheth nói thêm.

Cạnh tranh tìm kiếm việc làm ngày càng khốc liệt

Tuần trước tại Mumbai, một sự kiện tuyển dụng tại Air India Airport Services đã bị hủy bỏ sau khi có tới 25.000 người tìm việc đến nộp đơn xin 2.220 việc làm bảo trì.

Vào tháng 2, gần 4,7 triệu ứng viên đã tham gia kỳ thi tuyển chọn khoảng 60.000 cảnh sát ở tiểu bang Uttar Pradesh phía bắc. Đây không phải là những sự việc riêng lẻ khi Ấn Độ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thất nghiệp ngày càng gia tăng.

 Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman cho biết nước này sẽ dành dành 24 tỷ USD trong 5 năm tới để thúc đẩy tạo việc làm. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, bà Nirmala Sitharaman cho biết nước này sẽ dành dành 24 tỷ USD trong 5 năm tới để thúc đẩy tạo việc làm. Ảnh: Reuters

Arun Kumar, một nhà kinh tế, nói với DW: "Tất cả các báo cáo và dữ liệu thực tế đều cho thấy rằng tình trạng thất nghiệp là một vấn đề lớn mà thanh niên đang phải vật lộn để có được việc làm".

Chính phủ Ấn Độ dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP trong khoảng từ 6,5% đến 7% cho năm tài chính 2024, sau khi chứng kiến mức tăng trưởng 8,2% trong năm tài chính trước đó kết thúc vào tháng 3.

Bất chấp những con số ấn tượng này, Ấn Độ vẫn đang phải vật lộn để tạo đủ việc làm cho hàng triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động mỗi năm.

Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), một nhóm nghiên cứu độc lập, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ là 9,2% vào tháng 6, tăng mạnh so với mức 7% vào tháng 5 năm nay.

Nhà kinh tế Santosh Mehrotra nói với DW rằng Ấn Độ cần phát triển chiến lược sản xuất thâm dụng lao động tương tự như Trung Quốc.

"Ở Ấn Độ, nhu cầu việc làm chỉ có thể được đáp ứng nếu nhiều yếu tố khác nhau kết hợp lại với nhau. Hoạt động xây dựng cần phải tiếp tục với tốc độ nhanh như hiện tại. Nhưng trong một hoặc hai năm tới, nó phải được dẫn dắt bởi đầu tư của khu vực công, vì đầu tư tư nhân vẫn còn chậm chạp", Mehrotra, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, Đại học Bath, Anh, cho biết.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, ngành sản xuất của Ấn Độ chiếm 13% GDP. Để tiện so sánh, tại Trung Quốc, ngành sản xuất chiếm hơn một phần tư GDP.

Giáo sư Mehrotra cho biết thêm rằng hoạt động sản xuất thâm dụng lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) cần được hỗ trợ liên tục thông qua các chương trình phát triển thúc đẩy sản xuất MSME, cùng với các chương trình đào tạo cho thanh niên. "Quyền được học nghề là điều cần thiết", giáo sư Mehrotra nhấn mạnh.

Lekha Chakraborty, giáo sư tại Viện Chính sách và Tài chính Công Quốc gia Ấn Độ cho biết các chương trình đào tạo đóng vai trò thiết yếu để giải quyết tình trạng thất nghiệp.

"Thị trường lao động rất năng động và nếu chúng ta không chuẩn bị cho thanh niên những kỹ năng cần thiết thì vấn đề thất nghiệp sẽ không thể giải quyết được", bà nói và nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục chính quy và phát triển kỹ năng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Giải pháp nào cho bài toán khó?

Theo báo cáo của công ty xếp hạng tín dụng thị trường Ấn Độ, khu vực phi chính thức của Ấn Độ, nơi tạo ra phần lớn việc làm, đã mất 16 triệu việc làm, với 6,3 triệu doanh nghiệp khu vực phi chính thức đóng cửa trong các năm tài chính 2016 và 2023.

Nền kinh tế phi chính thức bao gồm các doanh nghiệp không hợp nhất do hộ gia đình sở hữu hoặc các công việc không được đánh thuế hoặc giám sát chính thức, bao gồm người giúp việc, người bán hàng rong và người lao động theo ngày.

 Tham vọng vươn lên thành siêu cường kinh tế của Ấn Độ gắn liền với khả năng tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động trẻ và rất đông đảo ở quốc gia này. Ảnh: Reuters

Tham vọng vươn lên thành siêu cường kinh tế của Ấn Độ gắn liền với khả năng tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động trẻ và rất đông đảo ở quốc gia này. Ảnh: Reuters

"Giai đoạn này cũng trùng với sự gia tăng của quá trình chính thức hóa nền kinh tế, dẫn đến việc thu thuế mạnh mẽ. Trong khi chính thức hóa nền kinh tế là con đường phía trước, thì việc giảm dấu chân của khu vực phi chính thức có tác động đến việc tạo ra việc làm", Sunil Kumar Sinha, nhà kinh tế chính của India Ratings cho biết.

Tin mừng là các nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nhận ra điều này. Bộ trưởng tài chính Nirmala Sitharaman hôm thứ Ba cho biết ngân sách của chính phủ sẽ thực hiện các chương trình khuyến khích việc làm, bao gồm cung cấp một tháng lương cho những người mới tham gia lực lượng lao động trong tất cả các khu vực chính thức.

Chương trình này nhằm mục đích tạo ra việc làm trong lĩnh vực sản xuất bằng cách khuyến khích tuyển dụng nhân viên lần đầu. Ngoài ra, trong số các biện pháp nhằm thúc đẩy việc làm, ngân sách Ấn Độ cũng sẽ ưu đãi cho các công ty đào tạo nhân viên, cũng như các khoản vay rẻ hơn cho giáo dục đại học.

Những bước đi cần thiết này được kỳ vọng sẽ sớm giúp Ấn Độ cải thiện được vấn đề việc làm, qua đó dần hiện thực hóa tham vọng vươn lên trở thành một siêu cường mới về kinh tế.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/an-do-bai-toan-viec-lam-de-nang-dat-nuoc-14-ty-dan-post304741.html