Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể đẩy giá gạo toàn cầu tăng cao

Bắt đầu từ cuối ngày 20/7, chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti loại gạo chiếm 25% tỷ trọng xuất khẩu gạo của quốc gia này – với hiệu lực ngay lập tức nhằm kiểm soát giá lương thực nội địa tăng cao.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti từ chiều 20/7. Ảnh: Reuters

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti từ chiều 20/7. Ảnh: Reuters

Theo tuyên bố từ Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng Ấn Độ, lệnh cấm này là nhằm đảm bảo thị trường trong nước “có đủ gạo” cũng như phần nào “làm dịu đà tăng giá” của các sản phẩm gạo trắng không phải gạo bamasti.

Trong những tuần gần đây, mưa lớn ở phía bắc Ấn Độ đã làm hư hại cây trồng ở các bang bao gồm Punjab và Haryana. Các cánh đồng lúa ở các bang phía bắc đã bị nhấn chìm trong hơn một tuần, phá hủy những cây mạ mới trồng và buộc nông dân phải đợi nước rút để họ có thể tiến hành cấy lại. Ngược lại, ở các bang trồng lúa chủ yếu khác, nông dân đã chuẩn bị vườn ươm lúa nhưng không thể cấy mạ do không đủ mưa.

Tuy lệnh cấm này nhằm đảm bảo an ninh lương thực của Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh diện tích trồng lúa của nước này suy giảm 6% so với năm 2022, nó lại có khả năng khiến giá gạo toàn cầu vốn đang cao còn tăng cao hơn nữa. Ấn Độ vốn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu và chiếm hơn 40% thương mại gạo trên thế giới nên bất kỳ sự sụt giảm nào trong số lượng gạo xuất khẩu sẽ ảnh hưởng lên giá lương thực toàn cầu. Ngoài ra, nguyên nhân còn một phần tới từ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm được chính phủ nước này ban hành hồi tháng 9 trước đó.

Nhận định về tình hình, CNBC trích dẫn ông Eve Barre, nhà kinh tế ASEAN tại công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface, cho biết: “Nguồn cung gạo toàn cầu sẽ thắt chặt đáng kể do Ấn Độ là nhà sản xuất lương thực thứ hai thế giới”. Công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho biết lệnh cấm có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào gạo.

Cụ thể, báo cáo của Go Intelligence cho biết: “Các điểm đến hàng đầu của gạo Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Benin và Nepal. Các nước châu Phi khác cũng nhập khẩu một lượng lớn gạo Ấn Độ”.

Để ứng phó với tình trạng này, nhà kinh tế cấp cao Radhika Rao của Ngân hàng DBS cho biết các nhà nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ có thể chuyển sang tìm kiếm các nguồn cung thay thế trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Việt Nam.

Ngoài việc gây tác động tới nguồn cung, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti của Ấn Độ còn có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới giá gạo. Ông Barre nhận định: “Ngoài việc giảm nguồn cung gạo toàn cầu, phản ứng hoảng loạn và đầu cơ trên thị trường gạo toàn cầu sẽ làm trầm trọng thêm việc tăng giá”.

Trên thực tế, giá gạo thô kỳ hạn đã tăng cao hơn 1% lên mức 15,8 USD/tạ ngay sau thông báo của Ấn Độ ngày 20/7. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam - nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan - hiện tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ do lo ngại nguồn cung. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam được bán ở mức 515- 525 USD/tấn trong tuần này - mức cao nhất kể từ năm 2011. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ dao động gần mức cao nhất trong 5 năm ở mức 421- 428 USD/tấn.

Một phần nguyên nhân dẫn tới giá gạo tăng mạnh tới từ việc lương thực này trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, giá của các loại ngũ cốc chính khác như lúa mỳ tăng mạnh. Trong tuần này, giá lúa mỳ tiếp tục tăng vọt sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen nhằm tạo một hành lang an toàn cho Ukraine xuất khẩu lương thực.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/an-do-cam-xuat-khau-gao-co-the-day-gia-gao-toan-cau-tang-cao-post24501.html