Ấn Độ cảnh báo về 'tiêu chuẩn kép' của NATO
Ấn Độ đã cảnh báo về bất kỳ 'tiêu chuẩn kép' nào liên quan đến việc mua dầu và khí đốt từ Nga để đáp lại lời đe dọa của Tổng thư ký NATO Mark Rutte về các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia giao dịch với Moscow.

Ấn Độ đã cảnh báo về bất kỳ "tiêu chuẩn kép" nào liên quan đến việc mua dầu và khí đốt từ Nga để đáp lại lời đe dọa của Tổng thư ký NATO Mark Rutte về các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia giao dịch với Moscow. Ảnh: Youtube
“Chúng tôi đã xem các báo cáo về vấn đề này và đang theo dõi sát sao diễn biến… Việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho người dân rõ ràng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Trong nỗ lực này, chúng tôi được dẫn dắt bởi những gì thị trường cung cấp, cũng như bởi tình hình toàn cầu hiện tại. Chúng tôi đặc biệt cảnh báo về bất kỳ tiêu chuẩn kép nào trong vấn đề này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA), Randhir Jaiswal, trả lời câu hỏi về bình luận của Tổng thư ký NATO Mark Rutte.
Ông Mark Rutte, hôm thứ Tư đưa ra cảnh báo cứng rắn rằng tổ chức này sẽ áp dụng “trừng phạt thứ cấp 100%” đối với các nước vẫn tiếp tục giao dịch dầu khí với Nga - bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil. Ông Rutte khẳng định, với sự ủng hộ từ lập trường mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về xung đột Nga - Ukraine, NATO sẽ không khoan nhượng.
Ông kêu gọi các quốc gia này gây sức ép buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin nghiêm túc tham gia đàm phán hòa bình với Ukraine. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với hậu quả kinh tế nặng nề.
Lời đe dọa này là một thách thức lớn về ngoại giao và kinh tế, đặc biệt đối với Ấn Độ - quốc gia đã tăng mạnh việc nhập dầu giá rẻ từ Nga kể từ khi chiến sự nổ ra.
“Hãy suy nghĩ kỹ - nếu bạn đang sống ở Bắc Kinh, Delhi, hay Brazil, bạn nên cân nhắc lại, bởi điều này có thể khiến các bạn chịu thiệt hại nặng”, hãng Reuters dẫn lời ông Rutte.
“Vậy nên, hãy gọi cho ông Putin và nói với ông ấy rằng đã đến lúc phải nghiêm túc ngồi vào bàn đàm phán. Nếu không, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phải gánh hậu quả”, ông nói thêm.
Phát biểu này được ông Rutte đưa ra trong cuộc gặp với các thượng nghị sĩ Mỹ, chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ viện trợ thêm cho Ukraine và cảnh báo sẽ áp thuế trừng phạt 100% đối với bất kỳ nước nào còn mua hàng hóa của Nga, trừ khi có một thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày.
Bình luận của ông Trump
Hôm thứ Ba, Tổng thống Donald Trump cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không nên tấn công Moscow. Ông cũng kêu gọi Tổng thống Putin chấp nhận một lệnh ngừng bắn trong vòng 50 ngày, nếu không các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng.
Bình luận này được đưa ra sau khi tờ Financial Times, dẫn nguồn tin thân cận, cho biết ông Trump từng khuyến khích Ukraine mở rộng các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Mỹ siết lập trường với Nga, ra tối hậu thư 50 ngày
Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Nga, vì cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài 3 năm. Ông cam kết sẽ cung cấp thêm tên lửa và vũ khí cho Kiev, đồng thời đưa ra tối hậu thư: Moscow có 50 ngày để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Thông báo này khiến các quan chức châu Âu phải khẩn trương xúc tiến kế hoạch viện trợ, nhằm đảm bảo Ukraine sớm nhận được vũ khí cần thiết. Đến thứ Ba, ông Trump thông tin thêm với báo chí rằng một số hệ thống tên lửa Patriot đã bắt đầu được chuyển cho Ukraine. “Chúng đang được gửi từ Đức”, ông nói.
Lập trường của Ấn Độ
Trước tình hình chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, Ấn Độ giữ lập trường thận trọng, cố gắng cân bằng giữa mối quan hệ lâu đời với Nga và áp lực ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Narendra Modi đã bày tỏ sự tiếc thương trước các tổn thất về dân thường ở Ukraine, và gọi cuộc xung đột này là “một bước lùi trong thời đại hòa bình”. Tuy nhiên, Ấn Độ không trực tiếp chỉ trích Nga, mà thay vào đó kêu gọi đối thoại và hòa bình.
Cách tiếp cận này phản ánh mối quan hệ quốc phòng sâu sắc giữa Ấn Độ và Nga, cũng như lợi ích kinh tế thực tế - đặc biệt là việc nhập khẩu lượng lớn dầu thô giá rẻ từ Nga.
Ngoài ra, Ấn Độ nhiều lần bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án Nga và không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhằm bảo vệ quyền tự chủ chiến lược và củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.