Ấn Độ chi 5,5 tỷ USD mua S-400 của Nga, Mỹ khó tung đòn trừng phạt
Thỏa thuận trị giá khoảng 5,5 tỷ USD đã được ký kết năm 2018 để Nga cung cấp cho Ấn Độ 5 hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 mà New Delhi tin rằng rất quan trọng để củng cố khả năng phòng thủ, đang đặt Ấn Độ trước nguy cơ bị trừng phạt theo luật CAATSA.
Ấn Độ liệu có bị Mỹ trừng phạt vì S-400?
Thỏa thuận trên đang thu hút sự chú ý của các chuyên gia quốc tế liên quan đến một luật của Mỹ có tên là Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
CAASTA có mục đích ban đầu là kiềm chế chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo Iran, giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở châu Âu và Âu-Á, cũng như hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. Tháng 1/2021, Mỹ đã áp dụng CAASTA đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara mua các hệ thống S-400 từ Moscow. Nhưng trừng phạt Ấn Độ theo CAATSA dường như là một động thái cực kỳ nghiêm trọng đối với Washington và New Delhi cũng không lo lắng về CAATSA vì họ coi đây là luật của Mỹ chứ không phải của Liên Hợp Quốc.
Tháng 3/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Ấn Độ đã làm dấy lên lo ngại về kế hoạch mua sắm tên lửa phòng không S-400 của New Delhi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh rằng, các đồng minh và đối tác của Mỹ nên tránh xa “bất kỳ hình thức mua sắm nào có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt”. Ông Austin ngay sau đó đã làm rõ rằng vấn đề xử phạt Ấn Độ không được xem xét vì New Dehli chưa được cung cấp hệ thống; các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ được áp dụng khi việc giao hàng diễn ra.
Điều thú vị là Ấn Độ vào thời điểm hiện tại đã mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga nhưng một số câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời. Liệu Mỹ có áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Ấn Độ theo CAATSA? Nếu các biện pháp trừng phạt được áp dụng thì phản ứng của Ấn Độ sẽ như thế nào? Có thể nói, Ấn Độ là một thành lũy vững chắc ngăn chặn Trung Quốc, do đó, việc trừng phạt Ấn Độ sẽ làm Mỹ mất đi một đồng minh chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Ấn Độ và Nga có lịch sử quan hệ quân sự lâu đời từ thời Liên Xô. Hiện tại, trong trang bị quân đội Ấn Độ, gần 86% vũ khí, trang thiết bị có nguồn gốc từ Nga. Mỹ bắt đầu bán vũ khí và thiết bị cho Ấn Độ vào năm 2001 sau khi nới lỏng chính sách với New Delhi. Hệ thống phòng không của Nga được sử dụng rộng rãi trong quân đội Ấn Độ. Việc trừng phạt Ấn Độ sẽ làm giảm sức mạnh quân sự của Ấn Độ đối với Trung Quốc và sẽ đẩy New Delhi về phía Moscow mà Mỹ không bao giờ muốn như vậy.
Mỹ hoàn toàn nhận thức được thực tế rằng các lệnh trừng phạt được áp đặt sẽ khiến Ấn Độ xa lánh, dẫn đến mất thị trường vũ khí đầy tiềm năng của Ấn Độ, gây tổn hại cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ. Thực tế là thay vì trừng phạt và xa lánh Ấn Độ, Mỹ có lẽ sẽ chiếm thị trường vũ khí của Ấn Độ bằng cách cạnh tranh với vũ khí và thiết bị của Nga về tính năng và giá cả.
Nhiều khả năng CAATSA sẽ bỏ qua Ấn Độ, theo “thẩm quyền từ bỏ được sửa đổi” của Đạo luật đối với “một số giao dịch có thể xử lý được” do Tổng thống Mỹ Joe Biden cấp.
“Cơn đau đầu” của chính quyền Tổng thống Biden
Ấn Độ đã vận động hành lang ở Washington để xin CAATSA miễn trừ các hệ thống tên lửa phòng không S-400. Các quan chức ngoại giao và an ninh Ấn Độ trấn an Mỹ rằng cả Ấn Độ và Mỹ đều có quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu và cả hai đều đang gặp phải mối đe dọa từ Trung Quốc và các hệ thống tên lửa phòng không S-400 được cho là nhằm chống lại Trung Quốc.
New Delhi cũng đã đảm bảo việc bảo vệ tài sản của Mỹ và “bí mật về kỹ thuật và hoạt động” của Mỹ. Ấn Độ chủ yếu trấn an Washington rằng nước này sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào thiết bị quốc phòng của Nga trong tương lai gần.
Ấn Độ nhận được sự ủng hộ của ba thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Quốc hội với một bản sửa đổi đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc gia cho Năm tài khóa 2023 nhằm mục đích gây trở ngại cho Mỹ trong việc áp đặt CAATSA đối với Ấn Độ. Đạo luật mới nhất của Mỹ, được gọi là Đạo luật Giảm thiểu các hậu quả không mong muốn đối với các Liên minh và Lãnh đạo (CRUCIAL) năm 2021 khẳng định rằng CAATSA sẽ chỉ làm suy yếu an ninh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ted Cruz, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa lập luận rằng: "Bây giờ chính xác là thời điểm sai lầm để Tổng thống Biden hủy bỏ tất cả những tiến bộ đó (khi hợp tác với Ấn Độ) thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt này".
S-400 rõ ràng mở ra con đường dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao cho chính quyền Biden. Việc áp dụng CAATSA đối với Ấn Độ sẽ làm giảm sự gắn kết chiến lược của Đối thoại An ninh Tứ giác QUAD ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, làm suy yếu quan hệ ngoại giao của Mỹ với Ấn Độ trong mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc. Moscow cũng mong muốn tận dụng các lệnh trừng phạt để giành lại vai trò là đối tác quân sự chính của Ấn Độ. Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt sẽ là một chiến thắng địa chiến lược của Nga, làm tổn hại đến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Bắc Kinh vẫn là đối thủ chung của Mỹ và Ấn Độ, buộc cả Washinhton và New Delhi phải là đồng minh chiến lược trong khu vực. Tuy nhiên, tên lửa phòng không S-400 đã phần nào gây ra rạn nứt trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ. Có thể lập luận rằng, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và việc không cơ cấu Ấn Độ vào AUKUS đã buộc New Delhi ngả về phía Moscow trong nỗ lực gây sức ép với Mỹ.
Trừng phạt Ấn Độ sẽ khiến New Delhi và Moscow xích lại gần nhau hơn, làm suy yếu chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ và uy tín của Bộ tứ. Nhưng việc không áp đặt CAATSA sẽ làm “hoen ố” hình ảnh của Mỹ trên toàn cầu, thể hiện “chính sách kép” hay cách tiếp cận có chọn lọc của họ trong việc trừng phạt các quốc gia./.