Ấn Độ: Đã đáp trả diện rộng sau khi bị Pakistan nã tên lửa, UAV nhiều bang
Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan ngày qua tiếp tục leo thang khi New Delhi tố Islamabad phóng tên lửa và UAV quy mô lớn vào loạt mục tiêu Ấn Độ.
Ngày 8-5, căng thẳng Ấn Độ-Pakistan tiếp tục leo thang khi New Delhi cáo buộc Islamabad phóng tên lửa và triển khai máy bay không người lái (UAV) tấn công các địa điểm quân sự ở Ấn Độ và vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Diễn biến tại các khu vực bị tấn công
Lực lượng Vũ trang Ấn Độ tuyên bố đã đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn của Pakistan nhằm vào nhiều căn cứ quân sự trên khắp miền Bắc và miền Tây Ấn Độ trong đêm 7-5 và rạng sáng 8-5, theo đài RT.
“Sáng nay, Lực lượng Vũ trang Ấn Độ đã tấn công các hệ thống radar và phòng không tại nhiều địa điểm trên lãnh thổ Pakistan. Phản ứng của Ấn Độ tương xứng cả về lĩnh vực và cường độ. Đã có thông tin đáng tin cậy rằng một hệ thống phòng không tại Lahore đã bị vô hiệu hóa” - Đại tá Sofiya Qureshi, phát ngôn viên Quân đội Ấn Độ, cho biết.

Khói bốc lên sau khi một quả đạn pháo rơi xuống thị trấn Poonch (thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát). Ảnh: AFP
Ấn Độ đã cảnh báo rằng “bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Ấn Độ sẽ nhận phản ứng tương xứng”.
Ngoài ra, theo các quan chức cảnh sát địa phương Ấn Độ, tình trạng mất điện đã diễn ra tại nhiều khu vực ở Punjab, Kashmir và Rajasthan, khiến người dân rơi vào trạng thái lo lắng và bất an, đài CNN đưa tin.
Tại thành phố Jammu, thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, nhiều tiếng nổ lớn được ghi nhận, theo phát ngôn viên Quân đội Ấn Độ. Khu vực này cũng bị mất điện hoàn toàn.
Các nhà báo và cư dân địa phương miêu tả bầu không khí trong thành phố đầy hoảng loạn và căng thẳng rõ rệt.
Tại Pathankot, một thành phố thuộc bang Punjab của Ấn Độ, cảnh sát cũng nhận được báo cáo về các vụ nổ lớn.
Giới chức quốc phòng xác nhận hệ thống phòng không đã được kích hoạt tại cả hai địa điểm để đối phó với tình huống khẩn cấp.
Phía Pakistan đã phủ nhận cáo buộc này, đồng thời lên án Ấn Độ “lan truyền thông tin sai lệch”.
Trong khi đó, Bộ Thông tin Pakistan tuyên bố lực lượng quân đội Islamabad đã tiêu diệt từ 40 đến 50 binh sĩ Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát (LoC) tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Ấn Độ chưa lên tiếng về thông tin trên, nhưng cho biết trong một tuyên bố khác rằng các đòn tấn công của Pakistan trong 2 ngày qua đã khiến 16 người dân Ấn Độ thiệt mạng.
Mỹ ủng hộ điều tra độc lập vụ thảm sát ở Kashmir
Ngày 8-5, phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nói rằng Washington có thể ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về vụ thảm sát du khách tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hồi tháng 4, theo CNN.
“Chúng tôi muốn những kẻ gây ra tội ác phải chịu trách nhiệm và sẵn sàng ủng hộ mọi nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu đó” - bà Bruce nói.
Tuy nhiên, bà Bruce từ chối xác nhận liệu Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio có đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan nhằm giảm căng thẳng hay không, mà chỉ nhấn mạnh rằng Ngoại trưởng Rubio “đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đối thoại và nỗ lực ngoại giao” giữa hai bên.
“Cần có các cuộc đối thoại. Mỹ rõ ràng đang giữ vai trò trung tâm trong việc trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia trong hai ngày qua. Trong mọi tình huống, đặc biệt là những trường hợp nhạy cảm và nguy hiểm như hiện tại, hoặc trong bất kỳ cuộc đàm phán ngoại giao nào giữa các nhà lãnh đạo, chúng tôi sẽ không công khai chi tiết” - bà nói thêm.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Rubio đã có các cuộc điện đàm riêng với Ngoại trưởng Ấn Độ và Thủ tướng Pakistan, kêu gọi giảm căng thẳng giữa hai nước.
Cũng trong ngày 8-5, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tuyên bố rằng xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan “về cơ bản không phải là việc của chúng tôi”, mặc dù ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khuyến khích hai bên giảm leo thang căng thẳng.
“Điều chúng ta có thể làm là cố gắng khuyến khích các bên hạ nhiệt căng thẳng, nhưng chúng ta sẽ không can thiệp vào một cuộc chiến không liên quan đến mình và nằm ngoài khả năng kiểm soát của Mỹ. Mỹ không thể yêu cầu người Ấn Độ hạ vũ khí, cũng không thể yêu cầu người Pakistan ngừng chiến đấu. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao” - đài Fox News dẫn lời ông Vance.
Phó Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xung đột leo thang: “Hy vọng và kỳ vọng của chúng ta là tình hình này sẽ không leo thang thành một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn, hoặc, không may hơn, một cuộc xung đột hạt nhân. Hiện tại, chúng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra”.