Ấn Độ đang theo sát Trung Quốc về thị trường mới nổi lớn nhất trong chỉ số MSCI

Ấn Độ đang bắt kịp vị trí của Trung Quốc với tư cách là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.

Giá cổ phiếu tăng vọt trên thị trường chứng khoán Ấn Độ đã đưa tỷ trọng nước này chiếm gần 20% chỉ số thị trường mới nổi của MSCI, trong khi Trung Quốc giảm xuống còn 25%, từ mức hơn 40% vào năm 2020.

Các nhà phân tích cho biết, cuộc đánh giá chỉ số MSCI dự kiến diễn ra vào tháng tới có thể nâng tỷ trọng của Ấn Độ lên trên 20%, vượt qua thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) và chỉ đứng ngay sau Trung Quốc.

Khoảng cách thu hẹp đã trở thành vấn đề lớn nhất đối với các nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi trong năm nay, khi họ tranh luận về việc nên đầu tư vào thị trường Ấn Độ vốn đã nóng đỏ hay vào chứng khoán Trung Quốc tương đối rẻ nhưng đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Varun Laijawalla, nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi tại nhà quản lý tài sản NinetyOne cho biết: “Hai giao dịch đồng thuận ở các thị trường mới nổi hiện nay là ‘long Ấn Độ, short China’… Sự chênh lệch định giá giữa hai thị trường này vẫn rộng chưa từng có”.

Chỉ số P/E dự phóng theo lợi nhuận dự kiến trong năm tới của chứng khoán Ấn Độ đang giao dịch ở mức 24 lần trong khi Trung Quốc chỉ ở mức 10 lần.

Sự thay đổi này cũng nhấn mạnh sức mạnh của các chỉ số tại các thị trường mới nổi, cho dù bằng cách hướng hàng tỷ đô la vào dòng vốn thụ động theo dõi chỉ số hay dẫn dắt các nhà quản lý quỹ điều chỉnh mức độ rủi ro so với các tiêu chuẩn đã được thiết lập.

“Vào 10 hoặc 11 năm trước, Ấn Độ chỉ chiếm 6 - 7% chỉ số. Bây giờ nó là gần 20%”, Kunjal Gala, người đứng đầu các thị trường mới nổi toàn cầu tại Federated Hermes cho biết.

“Bởi vì cổ phiếu của Ấn Độ đã ở mức giá tương đối cao nên sự thay đổi chỉ số đặt ra một vấn đề nan giải thú vị đối với các nhà đầu tư dài hạn như chúng tôi hoặc những nhà đầu tư tập trung hơn vào việc định giá biên an toàn… Hiện tại, chúng tôi hơi đánh giá thấp Ấn Độ, không phải vì chúng tôi không thích Ấn Độ dưới một quốc gia nhìn từ góc độ vĩ mô theo mô hình top-down, mà vì điều đó tập trung vào biên độ an toàn hoặc cố gắng mua cổ phiếu ở mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị nội tại của chúng”, ông cho biết thêm.

Tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc và Ấn Độ trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI

Tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc và Ấn Độ trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI

Dòng vốn trong nước đổ vào các quỹ cổ phiếu là một yếu tố quan trọng. Ông Varun Laijawalla cho biết, dòng vốn ròng trung bình hàng năm vào cổ phiếu Ấn Độ là 12 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020. Từ năm 2021-2023, dòng vốn hàng năm này đã tăng lên 29 tỷ USD.

Ấn Độ là một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất trên thế giới tính theo đồng nội tệ và theo kịp thị trường Mỹ tính bằng đồng đô la trong những thập kỷ gần đây.

Theo Vikas Pershad, nhà quản lý danh mục đầu tư tại M&G Investments, đây cũng là thị trường tốt nhất thế giới với những cổ phiếu đã tăng ít nhất 10 lần.

“Một trong những chỉ số tài chính ít liên quan nhất ở bất kỳ đâu, đặc biệt là ở Ấn Độ là hệ số P/E… Đây là lý do tại sao trong 20 năm qua, các nhà đầu tư đã bỏ lỡ cơ hội kiếm được lợi nhuận ở Ấn Độ”, ông cho biết.

Theo dữ liệu của Bloomberg, ước tính đồng thuận về thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đối với các cổ phiếu của Ấn Độ trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI là ở mức trung bình trong năm nay và năm tới, tương tự như các thị trường mới nổi khác.

Mặc dù EPS của các công ty Ấn Độ đang tăng lên nhưng tốc độ không nhanh hơn các thị trường mới nổi khác. Sunil Tirumalai, chiến lược gia thị trường mới nổi toàn cầu tại UBS cho biết: “Tăng trưởng lợi nhuận ở Ấn Độ thực sự là bình thường”.

Tuy nhiên, trong khi định giá các công ty Trung Quốc giảm sút trong vài năm qua thì Ấn Độ lại làm điều ngược lại, một phần là do sự bùng nổ đầu tư cá nhân.

Nhiều hộ gia đình Ấn Độ đang đổ tiền vào chứng khoán trong nước để bù đắp những gì được xem là lãi suất thấp, điều mà trong trường hợp tốt nhất chỉ ngang bằng với lạm phát chính thức.

Vivian Lin Thurston, nhà quản lý danh mục đầu tư tại William Blair Investment Management cho biết: “Nhìn chung, các nhà đầu tư toàn cầu vẫn đánh giá thấp Ấn Độ, một phần là do định giá. Khi tỷ trọng của Ấn Độ ngày càng tăng, họ sẽ khó tìm được cổ phiếu có giá trị hấp dẫn ở Ấn Độ hơn, hoặc họ sẽ cần phải suy nghĩ lại về các thước đo định giá của mình”.

Sau sự mở rộng của các công ty niêm yết ở Trung Quốc vào năm 2019, tỷ trọng của Trung Quốc trong chỉ số của MSCI đã tăng vọt vào năm sau.

Jitania Kandhari, Giám đốc điều hành nhóm cổ phiếu các thị trường mới nổi tại Morgan Stanley Investment Management cho biết: “Trong lịch sử, bất cứ khi nào các quốc gia đạt tỷ trọng 25% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI, họ đều có xu hướng sụt giảm từ mức cao”.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/an-do-dang-theo-sat-trung-quoc-ve-thi-truong-moi-noi-lon-nhat-trong-chi-so-msci-post350037.html