Ấn Độ 'đặt cược' vào thiết bị y tế Trung Quốc
Một quan chức giấu tên của chính phủ Ấn Độ hôm 31-3 cho biết quốc gia này sẽ mua máy thở và khẩu trang y tế từ Trung Quốc để đối phó với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19.
Tính đến ngày 31-3, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 1.251 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 32 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế cảnh báo virus có thể bùng phát mạnh mẽ tại quốc gia 1,3 tỉ dân này, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ quá tải.
Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã thông báo rằng họ đang nỗ lực "thu gom" thiết bị y tế, bao gồm khẩu trang và quần áo bảo hộ, từ các công ty nội địa cũng như từ các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc để giải quyết tình trạng thiếu thốn. Theo Reuters, Ấn Độ cần ít nhất 38 triệu khẩu trang và 6,2 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân để đối phó với sự lây lan của virus.
"Chắc chắn chúng tôi sẽ mua từ Trung Quốc… bởi việc mở rộng quy mô sản xuất trong nước đòi hỏi thời gian" - quan chức giấu tên nêu trên khẳng định.
Thông tin trên được tiết lộ không lâu sau khi một số quốc gia châu Âu bày tỏ sự hoài nghi đối với chất lượng sản phẩm Trung Quốc. Trong khi Hà Lan thu hồi hàng ngàn khẩu trang nhập từ Trung Quốc vì các vấn đề liên quan đến chất lượng, Tây Ban Nha than phiền về độ chính xác của bộ xét nghiệm Covid-19 nhập từ quốc gia này.
Trong một tuyên bố hôm 30-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận một số quốc gia đã nghi ngờ chất lượng sản phẩm của họ, đồng thời nói rằng có thể đã xảy ra một số vấn đề trong khâu sản xuất.
"Nếu có vấn đề xảy ra trong quá trình này, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố.
Cùng ngày, Công ty Ford Motor (Mỹ) cho biết sẽ sản xuất 50.000 máy thở trong 100 ngày tiếp theo tại một nhà máy ở bang Michigan, với sự hợp tác của đơn vị y tế General Electric (GE). Sau quãng thời gian này, họ sẽ sản xuất 30.000 máy thở/tháng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ hy vọng về việc chế tạo thành công vắc-xin trong 12-18 tháng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Michael Kinch của Trường ĐH Washington-St. Louis (Mỹ) khẳng định chúng ta "phải thật tỉnh táo" và quá trình phát triển vắc-xin chống HIV chính là lời gợi nhắc cho những ai kỳ vọng quá cao. "Sau hơn 30 năm và 30 triệu người chết, thế giới vẫn chưa có vắc-xin chống HIV" - ông Kinch nói.
Theo Bloomberg, phần lớn vắc-xin phải trải qua quá trình thử nghiệm kéo dài nhiều năm trước khi được tung ra thị trường, vì thế 12-18 tháng là quãng thời gian quá ngắn.