Ấn Độ đổ thêm quân tới biên giới Trung Quốc
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind hôm 29-1 xác nhận nước ông đã triển khai thêm binh sĩ dọc biên giới với Trung Quốc.
Đài Sputnik dẫn lời ông Kovind cho biết Ấn Độ đã tăng cường lực lượng quân sự dọc theo biên giới dãy Himalaya đang tranh chấp với Trung Quốc. Ông Kovind nhấn mạnh quân số bên phía Ấn Độ sẽ không giảm đi nếu không Trung Quốc không đồng ý thực hiện một thỏa thuận chung cụ thể.
"Chính phủ của tôi luôn cảnh giác và cam kết bảo vệ lợi ích của đất nước. Các lực lượng bổ sung đã được triển khai tại Đường kiểm soát thực tế (LAC) để bảo vệ chủ quyền của Ấn Độ" - ông Kovind phát biểu trước các thành viên quốc hội.
Đề cập tới cuộc đối đầu với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở thung lũng Galwan hồi tháng 6 năm ngoái, ông Kovind nói rằng 20 binh sĩ Ấn Độ đã hy sinh cao cả và không tiếc mạng sống của họ để bảo vệ đất nước.
Cũng theo ông Kovind, cách đây vài ngày, New Delhi đã đặt hàng 83 chiến đấu cơ nội địa Tejas trị giá khoảng 7 tỉ USD.
Quân đội Ấn Độ triển khai máy bay trực thăng tấn công nội địa, chiến đấu cơ Rafale (Pháp), xe tăng và các thiết bị quân sự khác trong khu vực Ladakh đang tranh chấp với Trung Quốc. Hai bên cáo buộc nhau vi phạm hiệp định biên giới. Tuy nhiên, một số cuộc họp cấp chỉ huy quân sự được tổ chức đã giúp làm giảm căng thẳng.
“Các bên nhất trí rằng vòng đàm phán này diễn ra tích cực, mang tính xây dựng và thiết thực, góp phần tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Các bên đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút quân sớm ở biên giới hai nước ” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 25-1 sau vòng đàm phán thứ 9 với Trung Quốc cho hay.
Hôm 28-1, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar nhận định mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ở ngã ba đường.
Ông S. Jaishankar nêu ra 8 điều kiện để giải quyết mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh, đồng thời lưu ý phải tuân thủ các thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc. Ông S. Jaishankar cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt và tôn trọng LAC, cam kết hướng tới một thế giới đa cực, tôn trọng lợi ích, mối quan tâm và ưu tiên của nhau.