Ấn Độ được dự đoán sẽ sản xuất từ 40–45% iPhone của Apple trong năm 2027
Ấn Độ và Việt Nam gần đây trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng và sản xuất của Apple, đặc biệt khi nhà sản xuất iPhone bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Một sự thay thế trực tiếp đối với Trung Quốc vẫn chưa thể được thực hiện, nhưng các đối tác cung ứng của Apple như Foxconn và nhà lắp ráp đồng nghiệp Đài Loan Pegatron Corp., đã và đang đặt nền móng để phát triển thêm năng lực sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử bên ngoài Trung Quốc.
Đề cập đến năng lực sản xuất và lắp ráp của Ấn Độ, Luke Lin, nhà nghiên cứu và phân tích của Digitimes cho biết, kể từ năm 2022, quốc gia này chiếm 10-15% tổng năng lực sản xuất iPhone. Sản lượng thực tế sản xuất tại Ấn Độ cho đến nay chưa đạt đến 5% do quá trình sản xuất thử nghiệm tại Pegatron chỉ bắt đầu sau tháng 9/2022 và những dây chuyền sản xuất của Wistron cho Apple chưa đạt công suất tối đa.
Ông Lin ước tính rằng, trong vòng 5 năm tới, Ấn Độ sẽ sản xuất 45-50% số iPhone của Apple, ngang bằng với Trung Quốc, đã sản xuất 80-85% số lượng iPhone vào năm 2022. “Tốc độ di chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ sẽ tăng tốc trong những năm tới do nhu cầu đa dạng hóa rủi ro trước những bất ổn trong chính sách kiểm soát đại dịch của Trung Quốc ,” ông nói.
Trong nửa đầu năm 2022, Quanta, chiếm 60-65% sản lượng lắp ráp MacBook đã bị hạn chế đáng kể do chiến dịch phong tỏa đại dịch ở miền Đông Trung Quốc. Nửa cuối năm 2022, cũng do các biện pháp kiểm soát đại dịch ở Trịnh Châu, gây ra bạo loạn tại một nhà máy của Foxconn vào tháng 11/2022, làm chậm tiến độ sản xuất các lô hàng iPhone dành cho mùa nghỉ lễ.
Các doanh nghiệp đối tác Apple đã phải tăng tiền lương nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động, chi phí sản xuất ở Trung Quốc cũng tăng lên. Đây cũng là nguyên nhân khiến Apple mở rộng năng lực sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam, tìm cách quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng trong bối cảnh bất ổn về đại dịch ở Trung Quốc và rủi ro địa chính trị.
Thực tế, 2 năm trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Apple đề nghị Wistron thành lập nhà máy tại Ấn Độ. Ông Lin nói: “Vào thời điểm đó, trọng tâm chính là thị trường lớn của Ấn Độ,” đồng thời cho biết, vì chính sách của quốc gia này khuyến khích sản xuất trong nước nên Apple muốn tăng dần hoạt động sản xuất tại Ấn Độ. “Apple tin rằng, việc triển khai sản xuất tại Ấn Độ sẽ giúp người tiêu dùng địa phương xác định thương hiệu doanh nghiệp, mở rộng thị phần Apple ở đất nước này.”
iPhone ở Ấn Độ, iPad và MacBook ở Việt Nam.
Cho đến nay, Apple đang đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất iPhone sang Ấn Độ và iPad, MacBook sang Việt Nam. Goertek đã lắp ráp AirPods cho Apple tại Việt Nam từ năm 2020. “Một số đồng hồ khác của Apple có thể cũng sẽ được lắp ráp bên ngoài Trung Quốc,” Lin nói. Nhưng như nhà phân tích cấp cao Ivan Lam của Counterpoint lưu ý, một thách thức lớn đối với tiến trình chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc là phần lớn các linh kiện iPhone vẫn được sản xuất quốc gia này và phải được vận chuyển đến các quốc gia, thiết lập dây chuyền lắp ráp thiết bị.
Hiện nay, điều mà Ấn Độ thiếu là cơ sở hạ tầng tốt, cùng với khó khăn là hầu hết các nhà cung cấp vẫn ở Trung Quốc, do đó các bộ phận và linh kiện phải được nhập khẩu từ Trung Quốc khiến việc sản xuất điện thoại thông minh ở Ấn Độ rất tốn kém. Mặc dù có những ưu đãi sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, nhưng chính sự gián đoạn do đại dịch đối với chuỗi cung ứng hậu cần quốc tế và sản xuất trong nước làm chậm tiến độ sản xuất iPhone ở Ấn Độ trong giai đoạn 2020-2021.
Đại dịch và những bất ổn địa chính trị khiến Apple phải xem xét lại rủi ro bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ do những biện pháp kiểm soát đại dịch ngặt nghèo ở Trung Quốc đã khiến mọi hoạt động sản xuất đình trệ và gây bất ổn. Tập đoàn công nghệ khổng lồ thúc đẩy nhanh tiến trình di chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ, ông Lin nhấn mạnh. Apple đang trong giai đoạn thúc đẩy Ấn Độ mạnh mẽ nhất khi CEO Tim Cook tuyên bố, quốc gia Nam Á này sẽ là thị trường trọng điểm cho sự phát triển của công ty.