Ấn Độ gấp rút tham gia dự án tiêm kích thế hệ 6 GCAP khi liên tiếp thất bại trước Pakistan?
Lời đề nghị từ Nhật Bản về việc tham gia dự án tiêm kích thế hệ 6 GCAP được nhận xét rất đúng lúc với Không quân Ấn Độ trong tình cảnh hiện nay.

Nhật Bản đã chính thức mời Ấn Độ tham gia dự án chung với Anh và Italia để phát triển tiêm kích thế hệ 6 GCAP - Chương trình Hàng không Chiến đấu Toàn cầu.

Bước đi trên được là thích là do Tokyo không chỉ muốn giảm gánh nặng chi phí phát triển khổng lồ bằng cách để một quốc gia khác tham gia, mà còn muốn tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng với Ấn Độ.

Tháng 2/2025, các quan chức Tokyo đã đến New Delhi và nói với Ấn Độ về kế hoạch phát triển GCAP do Nhật Bản, Anh, Italia tiến hành và mời tham gia vào dự án này. Thủ tướng Narendra Modi đã bày tỏ sự quan tâm đến lời đề nghị từ đối tác Nhật Bản.

Diễn biến trên không gây ngạc nhiên, bởi từ lâu Nhật Bản vẫn thể hiện thái độ rất coi trọng hợp tác an ninh - quốc phòng với Ấn Độ để tăng cường sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đáng kể nhất là Tokyo thường tiến hành các cuộc tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với Quân đội Ấn Độ, cũng như tiến hành tham vấn ở cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng.

Đối với dự án GCAP, đây là chương trình chung của Anh, Italia và Nhật Bản, với mục tiêu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2035.

Mặc dù máy bay chiến đấu GCAP sẽ là sản phẩm phát triển chung của 3 nước, nhưng mỗi quốc gia sẽ tự trang bị cho tiêm kích của mình bị radar, hệ thống điện tử hàng không, tên lửa và bom khác nhau.

GCAP kết hợp các chương trình cấp quốc gia của 3 nước bao gồm Tempest của Anh, phương án của Italia dựa trên Leonardo và chương trình FX của Nhật Bản, chiến đấu cơ đầy triển vọng này sẽ thay thế cho Eurofighter Typhoon và Mitsubishi F-2.

Các bên tham gia chính vào dự án gồm có tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE Systems của Anh, Leonardo của Italia và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản. Rolls-Royce, IHI Corporation và các nhà sản xuất hàng đầu khác góp mặt trong quá trình phát triển động cơ.

Những quốc gia trên đều muốn không chỉ chế tạo máy bay tiên tiến về mặt công nghệ mà còn duy trì quyền tự chủ chiến lược bằng cách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ hoặc các nhà cung cấp vũ khí bên ngoài khác.

Vào tháng 7/2024, giới truyền thông biết về việc BAE Systems đã bắt đầu lắp ráp nguyên mẫu đầu tiên của máy bay chiến đấu thế hệ mới Tempest. Theo kế hoạch, quá trình này dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2026.

Thiết kế máy bay hiện đã được các chuyên gia của công ty và Không lực Hoàng gia chấp thuận. Dự kiến chiếc tiêm kích sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2027 và thành tựu có thể ứng dụng nhiều cho dự án GCAP.

Đối với Ấn Độ, lời đề nghị từ phía Nhật Bản được xem như "phao cứu sinh" cho lực lượng không quân nước này, khi New Delhi liên tiếp thất bại trước Pakistan trong những trận không chiến hồi năm 2019 và mới đây.

Khoảng cách giữa đôi bên dự kiến còn bị nới rộng trong tương lai khi Không quân Pakistan đưa tiêm kích thế hệ 5 J-35E của Trung Quốc vào thành phần tác chiến, trong khi Ấn Độ còn đang loay hoay với chiếc AMCA nội địa.

Với thực tế trên, việc bỏ vốn cùng các đối tác phát triển tiêm kích thế hệ 6 GCAP sẽ giúp Ấn Độ có một phương tiện chiến đấu đủ sức chiếm ưu thế trước Pakistan trong tương lai, rõ ràng đây là cơ hội lớn mà New Delhi cần phải nhanh chóng nắm bắt.