Ấn Độ giúp kinh tế thế giới 'thoát hiểm' nhờ mua dầu giá rẻ của Nga

Từ vị trí thứ 10, Nga đã vươn lên thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Ấn Độ. Theo hãng tin PTI của Ấn Độ, nước này không có dấu hiệu sẽ dừng mua dầu của Nga khi mỗi ngày nhập gần hai triệu thùng. Nhiều nhà phân tích đã chỉ trích thái độ 'ham của rẻ' của Ấn Độ. Tuy nhiên, các phân tích mới đây lại cho rằng Ấn Độ đã giúp thị trường dầu ổn định, kinh tế thế giới thoát suy sụp trong thời gian qua.

Nikkei Asia bình luận rằng Ấn Độ đã nâng vị thế trên trường quốc tế không chỉ bằng chính sách ngoại giao đa phương mà còn bằng chính sách “Ấn Độ trên hết”.

Tàu dầu thả neo ở cảng Nakhodka ở miền Viễn Đông của Nga vào tháng 12-2022. Ảnh: Reuters

Tàu dầu thả neo ở cảng Nakhodka ở miền Viễn Đông của Nga vào tháng 12-2022. Ảnh: Reuters

Hưởng lợi lớn từ dầu thô Nga

Tháng 12 năm ngoái, G7 và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm vận đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển. Tháng 2-2023, EU tăng mức độ trừng phạt bằng lệnh cấm nhập các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Nga, bao gồm cả dầu diesel và nhiên liệu máy bay. Các bước này nhằm hạn chế nguồn ngoại tệ của Moscow từ xuất khẩu năng lượng.

Ấn Độ bắt đầu nhập khẩu dầu nhiều hơn từ tháng 4-2022 (chưa đầy hai tháng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine). Tính đến tháng 3 năm nay, Ấn Độ đã nhập khẩu trung bình hàng ngày 1,02 triệu thùng dầu thô của Nga. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, con số này tăng gấp 11 lần so với năm trước và chiếm 20% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này. Theo đó, Nga trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho quốc gia này, tiếp theo là Iraq với lượng cung cấp trung bình 1,01 triệu thùng và Saudi Arabia bán 790.000 thùng.

Ấn Độ phụ thuộc đến 80% vào nguồn dầu thô nhập khẩu. Việc nhập khẩu dầu từ Nga mang lại cho Ấn Độ ba lợi ích gồm kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thương mại và đa dạng hóa nguồn cung.

Về lạm phát, lợi ích của các biện pháp trừng phạt của phương Tây là rất rõ ràng khi Ấn Độ đã mua dầu của Nga với giá trung bình là 83 đô la một thùng trong năm 2022, thấp hơn so với 90 đô la đối với dầu của Iraq và 100 đô la đối với hàng hóa của Arab Saudi.

Cán cân thương mại của Ấn Độ đã được hỗ trợ bởi sự gia tăng doanh số bán các sản phẩm dầu mỏ của nước này ở nước ngoài. Trong khi giá dầu tăng trên toàn thế giới, việc nhập khẩu dầu tương đối rẻ của Nga đã giúp Ấn Độ thu được lợi ích từ việc mở rộng biên độ giữa nhập khẩu dầu thô và xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ.

Ấn Độ đã đa dạng hóa các nhà cung cấp dầu khi sự phụ thuộc vào ba nhà sản xuất lớn ở Trung Đông – Iraq, Arab Saudi và UAE (các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) đã giảm từ 53% xuống 47%.

Thủ tướng Narendra Modi đã gạt bỏ mọi chỉ trích của phương Tây để gia tăng nhập dầu thô từ Nga. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vừa đưa ra lập luận rằng chính sách “Ấn Độ trên hết” của ông Modi đã giúp ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Narendra Modi đã gạt bỏ mọi chỉ trích của phương Tây để gia tăng nhập dầu thô từ Nga. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vừa đưa ra lập luận rằng chính sách “Ấn Độ trên hết” của ông Modi đã giúp ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters

“Kẻ ích kỷ” điều phối thị trường toàn cầu

Thoạt nhìn, chính sách “Ấn Độ là trên hết” của ông Modi dường như đã giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng nếu nghiên cứu cẩn thận các số liệu thì chính sách nhập dầu từ Nga của Ấn Độ giống như “một hành động ích kỷ” nhưng dường như mang lại lợi ích cho nhiều nước khác.

Trong khi Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu từ Nga, lượng dầu Ấn Độ mua từ các nhà cung cấp khác đã giảm và “sản lượng dư dôi” này sẽ được bán sang châu Âu và các nơi khác. Trên thực tế, lượng dầu nhập từ sáu trên 10 nhà cung cấp hàng đầu của Ấn Độ đã giảm trong năm tài chính 2022 như Nigeria giảm 49%, Mỹ 24%, Kuwait 18% và Iraq 10%.

Ấn Độ cũng đã tinh chế một phần lớn dầu nhập khẩu của Nga thành các sản phẩm để bán cho các quốc gia tham gia lệnh trừng phạt. Đây là quá trình mà một số chuyên gia nửa đùa nửa thật gọi là “rửa dầu”. Các lô xăng dầu của Ấn Độ đến Hà Lan đã tăng 70% trong năm tài khóa 2022, khiến Ấn Độ trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho trung tâm thương mại dầu mỏ của châu Âu. Các sản phẩm dầu mỏ của Ấn Độ dường như đã bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung của Nga cho EU.

Ấn Độ làm tốt vai trò điều hòa dòng chảy dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ trên toàn cầu, bởi họ là nước nhập dầu thô lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ lớn thứ tư thế giới.

Xăng, naphtha, dầu khí và dầu nặng đều được làm từ dầu thô ở các giai đoạn tinh chế khác nhau. Nhiều nước sản xuất dầu chỉ đơn giản là xuất khẩu bất kỳ sản phẩm dư thừa nào. Dù không có trữ lượng dầu mỏ lớn của riêng mình nhưng Ấn Độ vẫn phát triển thành công một ngành công nghiệp dầu mỏ đồ sộ bằng chiến lược xuất khẩu riêng. Năm tài chính vừa qua, dầu thô là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ, trong khi các sản phẩm dầu mỏ chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất.

Đóng thế “vai ác” cho phương Tây

Nhà máy dầu ở Mumbai của tập đoàn dầu khí quốc doanh Bharat Petroleum. Ảnh: Reuters

Nhà máy dầu ở Mumbai của tập đoàn dầu khí quốc doanh Bharat Petroleum. Ảnh: Reuters

Các hãng dầu mỏ phương Tây thâm nhập thị trường Ấn Độ sau Thế chiến 2. Tuy nhiên, Ấn Độ đã tịch thu nhà xưởng của phương Tây trong thập niên 1970 và chia thành ba công ty nhà nước – Indian Oil, Bharat Petroleum và Hindustan Petroleum.

Sau khi Ấn Độ bắt đầu tự do hóa nền kinh tế vào năm 1991, hai tập đoàn Ấn Độ là Reliance Industries và Essar Oil đã tham gia ngành lọc dầu. Reliance hiện vận hành nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới với công suất hàng ngày là 1,24 triệu thùng ở bang Gujarat phía tây. Essar Oil đã được bán cho công ty dầu mỏ lớn của Nga là Rosneft vào năm 2017 và đổi tên thành Nayara Energy. Hiện Reliance và Nayara chiếm một phần ba công suất lọc dầu hàng ngày của Ấn Độ với khoảng 5 triệu thùng, lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Chính phủ thường tìm cách kiểm soát giá nhiên liệu bán buôn như một cách để giảm lạm phát hoặc thu hút phiếu trong các kỳ bầu cử. Hai hãng tư nhân này đã dần chuyển trọng tâm sang thị trường nước ngoài, mở đường giúp Ấn Độ trở thành nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm xăng dầu.

Việc quốc gia dầu mỏ chủ chốt này từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến Mỹ và châu Âu khó chịu. Nếu phân tích nhanh sự khác biệt giữa các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Iran và Nga thì sẽ làm rõ điều đó.

Năm 2018, Mỹ áp đặt lệnh cấm các nước nhập khẩu dầu từ Iran vì nghi ngờ Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Sau đó, lệnh cấm được mở rộng. Ban đầu được miễn trừ, nhưng sau đó một nhóm gồm tám nước, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc phải tuân thủ. Lệnh này còn hiệu lực đến thời điểm hiện tại. Ngược lại, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga chỉ đặt ra mức trần giá 60 đô la/thùng, nhưng lại không áp dụng cho các hãng nhập khẩu của Ấn Độ.

Sự khác biệt bắt nguồn từ lượng dầu xuất khẩu của hai nước. Trước lệnh cấm, Iran đã vận chuyển khoảng 3,5 triệu thùng mỗi ngày và sản lượng này có thể bù đắp bằng cách tăng sản lượng của các nước sản xuất hàng đầu như Arab Saudi và UAE. Riêng Nga xuất khẩu đến 8 triệu thùng mỗi ngày. Nếu nguồn cung này đột ngột biến mất, thị trường có thể bị tổn hại nghiêm trọng, kinh tế thế giới bị tác động mạnh.

Do đó, G7 và EU đã đẩy cho Ấn Độ “đóng vai kẻ xấu” là mua dầu của Nga để ngăn chặn cuộc khủng hoảng toàn diện toàn cầu. Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, một số chuyên gia đã cảnh báo rằng giá dầu có thể lên tới 200 đô la một thùng trong bối cảnh do lệnh trừng phạt gây ra. Kết quả là sau khi đạt đỉnh chỉ trên 120 đô la, giá đã giảm còn khoảng 70 đô la.

Mika Takehara, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phân tích tại Tổ chức An ninh năng lượng và kim loại Nhật Bản cho biết: “Khoảng một năm qua thế giới đã trải nghiệm lý thuyết rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể đối phó với bất ổn địa chính trị nghiêm trọng hay không thông qua cơ chế điều chỉnh năng động của thị trường. Cơ chế này sẽ không hoạt động nếu không có Ấn Độ”.

Cả G7 và EU đều không thể công khai thừa nhận “công lao” của Ấn Độ trong việc ổn định giá cả. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/an-do-giup-kinh-te-the-gioi-thoat-hiem-nho-mua-dau-gia-re-cua-nga/