Ấn Độ khoe tên lửa đánh chặn mới mạnh như THAAD của Mỹ và S-400 của Nga

Để đối phó với các mối đe dọa tên lửa từ các đối thủ trong khu vực, Ấn Độ đang nỗ lực phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa bằng công nghệ trong nước.

Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết, tên lửa đánh chặn AD-1 sắp hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, tên lửa này sẽ giúp hệ thống Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và Hệ thống phòng không tích hợp (IADS) của Ấn Độ mạnh hơn.

Tên lửa AD-1 là một phần trong kế hoạch BMD Giai đoạn 2 của DRDO. Trước đó, DRDO đã hoàn thành thành công BMD Giai đoạn 1, hệ thống này có khả năng đánh chặn các loại tên lửa có tầm bắn dưới 2.000 km, như Ghauri, Shaheen của Pakistan và Dongfeng-21 của Trung Quốc.

Giai đoạn 2 của chương trình nhằm nâng phạm vi phòng thủ chống lại tên lửa có tầm bắn lên tới 5.000 km. Giai đoạn này đòi hỏi radar có tầm xa hơn với phạm vi phát hiện lên tới 1.500 km, so với 600 km trong Giai đoạn 1. Giai đoạn này cũng đòi hỏi bổ sung những loại tên lửa đánh chặn siêu thanh mới có tốc độ Mach 6-7, thay vì Mach 4-5.

Tên lửa AD-1 trong một cuộc thử nghiệm.

Tên lửa AD-1 trong một cuộc thử nghiệm.

Các cuộc thử nghiệm

Trong cuộc thử nghiệm bay thứ hai của tên lửa đánh chặn Phase-2 AD-1 vào ngày 24/7 vừa qua, các chuyên gia Ấn Độ đã kiểm tra các chức năng quan trọng của tên lửa như khả năng theo dõi radar, thiết bị dẫn đường và hệ thống liên lạc.

Thông cáo báo chí về các cuộc thử nghiệm nêu rõ rằng“tên lửa đã đạt được tất cả các mục tiêu, các cảm biến tầm xa, hệ thống liên lạc, trung tâm điều khiển tên lửa (MCC) đều hoạt động như kỳ vọng”.

BMD Giai đoạn 2 sử dụng radar theo dõi tầm xa Swordfish (LRTR) do chính Ấn Độ sản xuất. Radar băng tần L này là phiên bản nâng cấp của radar EL/M-2080 Green Pine của Israel, được sử dụng trong quá trình phát triển BMD Giai đoạn I. Các báo cáo cho biết Swordfish có thể phát hiện mục tiêu cách xa tới 1.500 km.

Bản thông cáo báo chí cũng nêu bật tầm quan trọng của việc thử nghiệm hệ thống liên lạc có độ trễ thấp. BMD sẽ sử dụng vệ tinh Quỹ đạo Trái đất Thấp (LEO), giúp dẫn đường chính xác hơn với khả năng kiểm soát quỹ đạo tốt hơn. Ngược lại, vệ tinh Quỹ đạo Trái đất Địa tĩnh (GEO) ở độ cao 35.786 km thường có độ trễ cao hơn.

Tên lửa đánh chặn

AD-1 là tên lửa đánh chặn tầm xa được thiết kế để hoạt động trong cả điều kiện ngoài khí quyển. Tên lửa này có độ cao hoạt động lên tới khoảng 100 km, giúp nó có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay tầm xa.

AD-1 sử dụng động cơ rắn hai tầng và được trang bị hệ thống điều khiển tiên tiến cùng với thuật toán dẫn đường hiện đại. Công nghệ này đảm bảo khả năng nhắm mục tiêu và đánh chặn chính xác.

Chi tiết về tên lửa đánh chặn AD-1 vẫn còn khá ít. Tuy nhiên, một tên lửa đánh chặn tầm xa phải có khả năng tăng tốc nhanh và đạt tốc độ rất cao. Nó cần một động cơ tên lửa mạnh mẽ để vượt qua lực cản của khí quyển.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Điểm tương đồng với THAAD

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, AD-1 rất giống với tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) của Mỹ. THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa ở độ cao lớn. Nó có thể đánh chặn mục tiêu cách xa hơn 200 km và theo dõi trong phạm vi lên tới 1.000 km.

AD-1 cũng sử dụng đầu đạn bắn trúng đích và đầu dò hồng ngoại (IR) như THAAD. Đầu dò IR giúp tên lửa phân biệt giữa mục tiêu chính và mồi nhử nhờ khả năng theo dõi độ phân giải cao, cho phép nhắm mục tiêu chính xác hơn. Để đánh chặn thành công tên lửa đối phương đòi hỏi phải có sự dẫn đường và kiểm soát rất chính xác.

Nhưng không giống như AD-1, THAAD là tên lửa một tầng. Loại tên lửa đánh chặn hai tầng như AD-1 sẽ có một số lợi thế như tầm bắn xa hơn, tốc độ cao hơn, khả năng cơ động tốt hơn và khả năng đạt độ cao lớn hơn. Tên lửa đánh chặn này cũng có một đầu dò radar chủ động, không giống như đầu dò hồng ngoại, đầu dò này không bị ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc các thiết bị gây nhiễu.

Dự án Kusha

Các chuyên gia Ấn Độ hi vọng rằng một phiên bản của tên lửa đánh chặn AD-1 có thể được sử dụng trên tổ hợp phòng không S-400, góp phần tăng cường khả năng phòng thủ cho Ấn Độ.

S-400 sử dụng tên lửa đánh chặn 40N6 hai tầng, có tầm bắn 400 km và có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao lên tới 185 km. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang nghiên cứu và phát triển một hệ thống phòng không giống S-400, có tên gọi là "Dự án Kusha". Cụ thể là vào ngày 3/10/2023, trong một cuộc họp báo, Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ, Thống chế Không quân VR Chaudhari, đã chia sẻ kế hoạch phát triển một hệ thống phòng không tầm xa với tên gọi Dự án Kusha.

Cuộc thử nghiệm vào ngày 24/7 đã cho thấy hiệu quả của radar tầm xa Swordfish, khả năng liên lạc có độ trễ thấp và khả năng dẫn đường. Tuy nhiên, thông cáo báo chí không xác nhận kết quả tên lửa có đánh chặn thành công mục tiêu hay không. Rõ ràng, BMD Giai đoạn 2 vẫn đang được phát triển và có khả năng sẽ mất một thập kỷ nữa để có thể được đưa vào hoạt động.

Lê Hưng (Nguồn: Bulgarian Military)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/an-do-khoe-ten-lua-danh-chan-moi-manh-nhu-thaad-cua-my-va-s-400-cua-nga-ar890299.html