Ấn Độ lên kế hoạch hỗ trợ 2 tỷ USD cho ngành công nghiệp hydro xanh
Ấn Độ đang lên kế hoạch gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ USD cho ngành công nghiệp hydro xanh trong nỗ lực cắt giảm khí thải và trở thành nhà xuất khẩu lớn trong lĩnh vực này. Một quan chức chính phủ cấp cao cho biết gói hỗ trợ trị giá 180 tỷ rúp (2,2 tỷ USD) nhằm giảm 1/5 chi phí sản xuất hydro xanh trong vòng 5 năm tới. Chi phí sản xuất hiện tại ở Ấn Độ là 300 - 400 rúp/kg.
Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD cho các dự án hydro xanh.
Hydro có thể được sử dụng để làm nhiên liệu. Hydro được tạo ra bằng cách tách nước thông qua một quy trình điện phân. Nếu máy điện phân chạy bằng năng lượng tái tạo thì sản phẩm tạo ra được gọi là hydro xanh, loại nhiên liệu không phát thải khí nhà kính.
Quan chức chính phủ cho biết gói hỗ trợ của Ấn Độ có thể được công bố trong ngân sách ngày 1/2 cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/4.
Các công ty Ấn Độ như Reliance Industries (RELI.NS), Indian Oil (IOC.NS), NTPC (NTPC.NS), Adani Enterprises (ADEL.NS), JSW Energy (JSWE.NS) và Acme Solar (ACMO.NS) đều có kế hoạch lớn về hydro xanh. Công ty Adani, đứng đầu là người giàu thứ ba thế giới, ông Gautam Adani, cho biết công ty này và TotalEnergies của Pháp (TTEF.PA) sẽ cùng nhau tạo ra "hệ sinh thái hydro xanh lớn nhất thế giới".
Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng ngành công nghiệp này sẽ đầu tư 8 nghìn tỷ rúp vào hydro xanh và dẫn xuất amoniac xanh vào năm 2030. Amoniac xanh được tạo ra bằng cách kết hợp nitơ với hydro sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, có thể được sử dụng trong ngành công nghiệp phân bón hoặc làm nhiên liệu, phương tiện vận chuyển hydro.
Kế hoạch này có thể được gọi là "can thiệp chiến lược để chuyển đổi hydro xanh (SIGHT)" và tỷ lệ phân chia sẽ là 45 tỷ rúp để sản xuất máy điện phân trong 5 năm và 135 tỷ rúp để sản xuất hydro xanh và amoniac xanh trong 3 năm. Chi phí ưu đãi để sản xuất hydro xanh có thể là 50 rúp/kg trong 3 năm.
Ấn Độ đặt mục tiêu bán 70% sản lượng cho các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, các sản phẩm phái sinh khác bao gồm cả amoniac xanh, cũng có nhu cầu mạnh không kém. Chính phủ ước tính nhu cầu toàn cầu về hydro xanh sẽ vượt con số 100 triệu tấn vào năm 2030, từ mức dưới 75 triệu tấn hiện nay.
Vào tháng 2, chính phủ đã công bố kế hoạch để Ấn Độ sản xuất 5 triệu tấn hydro xanh/năm vào năm 2030, và có thể tăng gấp đôi tùy thuộc vào nhu cầu quốc tế. Chính phủ cũng lên kế hoạch công suất sản xuất máy điện phân là 15 gigawatt theo từng giai đoạn vào năm 2030, gấp gần 10 lần công suất toàn cầu hiện tại.
Công ty Ohmium International có trụ sở tại Mỹ đã vận hành nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên của Ấn Độ tại Bengaluru. Reliance Industries (RELI.NS), Larsen & Toubro (LART.NS), Greenko và H2e Power năm ngoái đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy có quy mô gigawatt.
Các nhà máy lọc dầu, phân bón và thép của Ấn Độ hàng năm sử dụng 5 triệu tấn hydro làm từ khí tự nhiên, được gọi là hydro xám, quá trình này sẽ tạo ra CO2. Giá khí đốt cao hơn đã đẩy giá hydro xám của Ấn Độ lên khoảng 200 rúp/kg từ mức 130 rúp/kg của một năm trước.