Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững

Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, góp phần tạo nên kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Gian trưng bày sản phẩm gạch ốp lát của Secoin.

Gian trưng bày sản phẩm gạch ốp lát của Secoin.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu về các loại VLXD cũng ngày càng tăng cao, đòi hỏi ngành này phải không ngừng cải tiến và phát triển để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường.

Ngành công nghiệp quan trọng

Ngày 9/11, tại khuôn khổ hội thảo "Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bềng vững", TS Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành công nghiệp VLXD đã đạt được những bước tiến đáng kể về năng lực sản xuất trong những năm gần đây, giai đoạn trước năm 2010 nhiều sản phẩm chủ yếu của nước ta như clanhke, gạch ốp lát các loại, sứ vệ sinh, kính xây dựng vẫn phải nhập khẩu để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước.

TS Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) tại buổi hội thảo.

TS Nguyễn Quang Hiệp - Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) tại buổi hội thảo.

Tuy nhiên, đến nay, các DN sản xuất VLXD về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn quốc, nhiều sản phẩm đã tham gia vào thị trường xuất khẩu như clanhke, kính tiết kiệm năng lượng, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, vôi công nghiệp...

"Những thành tựu này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành trên thị trường quốc tế" - TS Nguyễn Quang Hiệp cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Viện VLXD, qua số liệu thống kê về năng lực sản xuất, tiêu thụ ngành VLXD cho thấy, nhiều lĩnh vực của nước ta đã có sự phát triển vượt bậc về sản xuất và tiêu thụ. Năng lực sản xuất một số loại sản phẩm VLXD quan trọng như xi măng, gốm sứ, kính xây dựng tăng từ vài chục lần đến hàng trăm lần sau 40 năm phát triển.

Cùng với đó, giá trị sản xuất VLXD không ngừng tăng, tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp sản xuất VLXD vào GDP ngày càng đáng kể hơn. Đến hết năm 2023 đóng góp của ngành sản xuất VLXD cho GDP Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 6 - 7%.

PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, trong 10 năm vừa qua, tổng năng lực sản xuất các loại VLXD chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn), trong đó sản lượng xi măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới, chất lượng đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) tại buổi hội thảo.

PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) tại buổi hội thảo.

Ngoài ra, trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đứng top đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành VLXD ước đạt khoảng 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11% GDP quốc gia (trong đó, các VLXD không bao gồm thép xây dựng ước đạt 600.000 tỷ đồng, tương đương hơn 24 tỷ USD chiếm gần 6% GDP quốc gia), có đóng góp đáng kể vào nguồn thu Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, đồng thời tham gia đồng xử lý rác thải trong các lò nung sản xuất VLXD, góp phần bảo vệ môi trường.

Khắc phục những khó khăn

Về tình hình tiêu thụ sản phẩm VLXD, thạc sĩ Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp sản xuất VLXD để khai thác hết công suất các dây chuyền là một vấn đề nan giải, đặc biệt là VLXD thân thiện.

Từ năm 2023 đến nay, trước tình hình thế giới có nhiều "rủi ro và bất ổn kéo dài"; thị trường bất động sản trầm lắng; giá nguyên liệu tăng cao; tình hình sản xuất và tiêu thụ VLXD lại đang khó khăn. Nhiều DN đã phải dừng toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất, thua lỗ kéo dài, tình trạng nợ xấu tăng cao. Niềm tin vào kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành đang xuống mức thấp đáng báo động, các DN phải gồng mình để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Cũng theo đó, lãnh đạo Hội VLXD Việt Nam kiến nghị, về tháo gỡ trước mắt cần có chính sách để tiếp tục giảm lãi suất vốn vay. Trong thời gian qua lãi suất vốn vay cũng đã có giảm, nhưng vẫn còn quá cao khiến cho việc giảm chi phí tài chính của DN rất khó khả thi.

Giảm thuế suất, thuế xuất khẩu cho các mặt hàng VLXD về đúng tinh thần quy định trong Luật Thuế, cụ thể là clinke xi măng, đá ốp lát tự nhiên. Hiện nay, các mặt hàng này chịu thuế ở mức cao như xuất khẩu khoáng sản thô.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Có chính sách để tăng giải ngân vốn đầu tư công. Áp dụng tối đa phương pháp thi công cầu cạn bê tông cốt thép thay cho phương pháp đắp nền để làm đường cao tốc cùng với chính sách quản lý chặt chẽ nhưng phải có sự hỗ trợ để bất động sản phát triển.

Về lâu dài, theo thạc sĩ Lê Văn Tới, Nhà nước cần duy trì và tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN trong việc chuyển giao công nghệ mới, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại cũng như cải tiến công nghệ.

Duy trì và thúc đẩy việc thực hiện chính sách tăng cường sản xuất và ứng dụng VLXD thân thiện, đặc biệt là việc sử dụng; có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng rác thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế sản xuất VLXD.

"Bộ Xây dựng nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cơ chế ưu tiên sử dụng cát nhân tạo trong công trình xây dựng; đồng thời có quy hoạch vùng khoáng sản để làm cát nhân tạo" - thạc sĩ Lê Văn Tới kiến nghị.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-nganh-vat-lieu-xay-dung-viet-nam-hien-dai-va-ben-vung.html