Ấn Độ lo ngành dược bị đe dọa sau bê bối hàng loạt trẻ chết vì si rô
Ấn Độ đang khẩn trương điều tra 4 loại si rô ho cảm do một hãng trong nước sản xuất, sau khi gần 70 trẻ em thiệt mạng ở Gambia. Đang có mối lo ngại Ấn Độ có thể mất biệt danh 'nhà thuốc của thế giới' vì bê bối này.
Cái chết của hàng loạt trẻ em trở thành tiêu điểm trên báo chí toàn cầu sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuần trước đưa ra cảnh báo về các sản phẩm “nhiễm bẩn” của công ty Maiden Pharmaceuticals ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ. Tuần này, giới chức Ấn Độ dừng hoạt động của nhà máy.
Tổ chức Kiểm soát chất lượng dược phẩm trung ương (CDSCO) Ấn Độ và cơ quan quản lý dược của Haryana cho biết công ty này “sản xuất và thử nghiệm thuốc mà không tuân thủ nhiều yêu cầu”, vì thế phải dừng sản xuất.
Chính phủ Ấn Độ thành lập một ủy ban để tiếp tục điều tra. Trong khi cuộc điều tra đang diễn ra, các chuyên gia cho rằng quy mô sự cố chết người này có thể dẫn đến việc phải thay đổi ngành dược phẩm Ấn Độ - hiện xếp thứ ba thế giới về sản lượng và thứ 14 về giá trị.
“Chắc chắn điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Ấn Độ, vì thông tin các loại si rô đó được sản xuất ở đây đã lan truyền khắp nơi”, Bác sĩ nhi khoa Arun Grupta, Chủ tịch Hiệp hội y tế Delhi, nói với Nikkei Asia.
“Cuộc điều tra sẽ xác định sai chỗ nào, ai phải chịu trách nhiệm, nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc phải siết chặt kiểm soát chất lượng ở Ấn Độ”, Bác sĩ Grupta nói.
Ngày 5/10, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với báo chí rằng 4 loại siro của Maiden “có thể có liên quan đến bệnh tổn thương thận cấp và khiến 66 trẻ thiệt mạng” ở Gambia.
Bộ trưởng Y tế Gambia Ahmadou Lamin Samateh cho biết số trẻ thiệt mạng trong 3 tháng qua vì 4 loại si rô này là 69, trong đó có cả cháu trai của ông.
Maiden nói rằng họ thấy “sốc trước những thông tin báo chí nêu về các trường hợp tử vong và rất buồn vì sự cố”.
Trong tuyên bố được hãng tin ANI của Ấn Độ đăng tải, ông Vivek Goyal, giám đốc Maiden, nói rằng hãng này “có giấy phép hợp lệ để xuất khẩu các sản phẩm đang bị nghi ngờ” và đã sử dụng nguyên liệu “từ các nguồn được chứng nhận”.
Bê bối không chỉ liên quan đến hãng này, mà còn có thể đe dọa cả ngành dược Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ luôn khẳng định các hãng dược của nước này “có ưu thế về giá cả và chất lượng tốt”, đã tạo được dấu ấn toàn cầu, chiếm đến 60% lượng vắc xin cung cấp cho thế giới và 20% thuốc generic (tương đương biệt dược gốc). Ngành công nghiệp dược Ấn Độ được định giá khoảng 50 tỷ USD.
Châu Phi là một thị trường quan trọng. Ấn Độ cung cấp một nửa nhu cầu mua thuốc generic của các nước châu Phi. Khoảng 70% vắc xin của WHO cũng xuất phát từ Ấn Độ.