Ấn Độ loại bỏ tờ 2.000 Rupee nhằm kích thích tăng trưởng tiêu dùng
Ấn Độ đang rút tiền giấy có giá trị cao nhất khỏi lưu thông, cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời hạn 4 tháng để trao đổi hoặc gửi tiền vào ngân hàng trước khi cấm hoàn tiền đồng tiền mệnh giá 2.000 rupee.
Trong thông báo về việc rút đồng 2.000 rupee, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) - Ngân hàng trung ương cho biết, có bằng chứng cho thấy mệnh giá này không được sử dụng phổ biến cho các giao dịch.
Các tờ tiền vẫn có giá trị hợp pháp nhưng mọi người sẽ được yêu cầu gửi và đổi tờ 2.000 rupee lấy các đồng tiền mệnh giá nhỏ hơn trước ngày 30/9.
Các nhà phân tích tin rằng, lần thay đổi này sẽ gây ít tác động tiêu cực hơn, không giống như sự hỗn loạn của năm 2016.
Ấn Độ rút tiền giấy mệnh giá 2.000 rupee ra khỏi lưu thông
Yuvika Singhal, nhà kinh tế tại QuantEco Research, cho biết: “Chúng tôi không thấy sự hoảng loạn trong dân chúng nhưng sự ổn định này được duy trì thế nào phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị của các ngân hàng để ứng phó với đám đông”.
Mặt khác, có ý kiến cho rằng quyết định rút tiền mệnh giá 2.000 rupee lần này sẽ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tờ 2.000 rupee của họ để mua sắm, chi tiêu nhiều hơn, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế đặc biệt là kim loại quý, hỗ trợ kích thích tiêu dùng cho nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Bởi ngay từ khi PBI thông báo về chính sách mới này, một bộ phận người dân Ấn Độ đã đổ xô đi mua vàng để phòng trường hợp rủi ro.
Theo các nhà kinh tế, người dân sẽ nỗ lực trong việc chi tiêu tờ 2.000 rupee (tương đương 24 USD) một cách nhanh chóng vì đồng tiền mệnh giá này sẽ được rút ra khỏi lưu thông trong vòng 4 tháng tới, người dân Ấn Độ có thể mua vàng, bất động sản và đồ gia dụng như máy điều hòa không khí, tủ lạnh. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự hoảng loạn diễn ra vào năm 2016.
Ankita Pathak, một nhà kinh tế tại DSP Investment Managers, cho biết: “Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng tiêu dùng dự kiến sẽ tăng lên nhưng nhìn chung vẫn cần được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản”.
Samiran Chakraborty, một nhà kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho biết việc mọi người miễn cưỡng phải đem ra số tiền mặt mệnh giá 2.000 rupee có khả năng chưa được kiểm kê của họ có thể mang lại sự gia tăng trong nhu cầu chi tiêu.
Tác động đến các ngân hàng
Chính sách mới này cũng được cho là sẽ giúp các ngân hàng nước này tăng thanh khoản, giảm bớt một số áp lực đối với các ngân hàng Ấn Độ trong việc phải tăng lãi suất tiền gửi để đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày càng tăng tại nước này.
Các ngân hàng đã báo cáo tăng trưởng tín dụng ở mức hai con số trong những tháng gần đây khi các công ty tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng mặc dù RBI đã tăng lãi suất chuẩn thêm 250 điểm cơ bản kể từ tháng 5 năm ngoái.
Các nhà kinh tế từ QuantEco Research và Kotak Mahindra Bank Ltd ước tính có thể có tới 1 nghìn tỷ rupee (12,1 tỷ USD) được bổ sung vào hệ thống tài chính của Ấn Độ, thúc đẩy sự phục hồi của đồng rupee và thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Lượng dự trữ ngoại hối của Ấn Độ cũng đã tăng gần 11 tỷ USD trong hai tuần đầu tiên của tháng 5, được thúc đẩy bởi sự tăng lên của dòng vốn nước ngoài. Sự suy yếu của đồng rupee bất chấp dòng vốn chảy vào mạnh mẽ này được coi là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương nước này muốn hạn chế sự tăng giá mạnh của đồng tiền bởi nó có thể gây tổn hại cho hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ không được khả quan.