Ấn Độ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong chuỗi cung ứng
Tại cuộc họp báo diễn ra mới đây tại Hà Nội, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Pranay Verma cho biết, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng Ấn Độ và Việt Nam là hai nước có thể bổ trợ cho nhau.
Theo Đại sứ Pranay Verma, dịch Covid- 19 mang lại cả thách thức và cơ hội với Ấn Độ. Do tác động của dịch bệnh, một số doanh nghiệp (DN) Ấn Độ tham gia sản xuất toàn cầu đã bị ảnh hưởng do sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên cũng có nhiều mặt hàng mà Ấn Độ có thể thay thế và muốn bổ sung vào chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế có sự bổ trợ cho nhau rất lớn, ví dụ trong lĩnh vực dệt may, da giày.
"Chúng tôi có thể cung cấp cho DN Việt Nam nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng muốn làm việc với DN Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm mà Ấn còn thiếu hụt" - Đại sứ Pranay Verma cho hay.
Chính phủ hai nước đã đặt ra mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, hai bên nhìn nhận mục tiêu này không chỉ ở khía cạnh thương mại mà bao gồm cả đầu tư của Ấn Độ sang Việt Nam và ngược lại.
Theo Đại sứ Pranay Verma, Ấn Độ đang có mục tiêu trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD. Trong quá trình phát triển đó chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác cho cả hai bên được mở ra và Ấn Độ mong muốn Việt Nam đồng hành cùng Ấn Độ trong chặng đường này. Đại sứ bày tỏ hy vọng các DN Việt Nam sẽ quan tâm đến nhiều cơ hội đầu tư trong những lĩnh vực ưu tiên của Ấn Độ, trong đó có lĩnh vực hạ tầng. Thời gian tới, Ấn Độ cũng quan tâm đến việc mở rộng thị trường, tăng cường hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược phẩm. Đây là những lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhiều DN lớn của Việt Nam nhận thấy Ấn Độ là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Hiện, Ấn Độ đang có khoản tín dụng 1 tỷ USD dành cho kết nối, cụ thể là kết nối hạ tầng và kết nối số và các DN Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này để tận dụng nguồn tín dụng trên.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng các định mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cho phép lên tới 100% vốn FDI trong thương mại điện tử, sản xuất thực phẩm... Tất nhiên, còn một lưu ý quan trọng khác, đó là bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, DN Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về những tập tục, phong tục, luật pháp tại Ấn Độ để hạn chế rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa.
Khẳng định hợp tác kinh tế là một phần quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ, Đại sứ Pranay Verma cho biết, Chính phủ hai nước sẽ hỗ trợ tối đa cho các DN tìm kiếm cơ hội đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên quan tâm.