Ấn Độ mua S-400 của Nga, Mỹ 'đau đầu' vì lựa chọn trừng phạt hay không
Theo các nhà quan sát, Mỹ sẽ phải 'đau đầu' cân nhắc có trừng phạt Ấn Độ vì mua tổ hợp S-400 của Nga hay không, bởi việc gây thất vọng cho một đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không đáng làm để rủi ro, nhất là sau thỏa thuận AUKUS cũng như việc rút quân khỏi Afghanistan.
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng và tuyên bố về mối quan hệ song phương “ngày càng mạnh mẽ hơn, gần gũi hơn và chặt chẽ hơn”, đây có thể là những dấu hiệu đầu tiên về mối quan hệ mới giữa 2 nước.
Trong những tín hiệu đầu tiên gửi tới New Delhi, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 7/10 bày tỏ Mỹ có thể xem xét lại việc áp trừng phạt Ấn Độ khi New Delhi nhận 5 tổ hợp phòng không S-400 Triumf do Nga sản xuất vào cuối năm nay.
Phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ, bà Sherman nói rằng, dù việc các nước sử dụng hệ thống phòng không của Nga là điều nguy hiểm, nhưng Mỹ có thể sẽ không hành động mạnh tay với New Delhi.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về các phương án cũng như các cuộc thảo luận giữa 2 nước để giải quyết vấn đề. Tôi hy vọng chúng ta có thể làm được điều đó trong trường hợp này”, bà Sherman nói.
Tuyên bố của bà Sherman trái ngược với lập trường cứng rắn của Mỹ từ trước tới nay.
Kể từ năm 2016, Mỹ tỏ ra không hài lòng khi Ấn Độ công bố thỏa thuận với Nga. Cho tới nay, Nga vẫn là đối tác quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ. Giai đoạn 2010-2020, 62% các thiết bị quân sự mà Ấn Độ nhập khẩu là từ Nga, trong khi New Delhi chỉ mua khoảng 12% vũ khí từ Mỹ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stocklholm.
Cùng mua S-400 của Nga, nhưng “số phận” Ấn Độ sẽ khác Thổ Nhĩ Kỳ?
Tháng 8/2017, Mỹ thông qua đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), một động thái được cho là chủ yếu nhằm vào Moscow sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Ngoài việc áp trừng phạt đối với Nga, Iran và Triều Tiên, đạo luật còn cho phép áp trừng phạt nhằm vào những nước có “giao dịch đáng kể” đối với 1 trong 3 nước nêu trên.
Kể từ năm 2018, Nga và Ấn Độ đã hoàn tất các thỏa thuận quốc phòng trị giá 15 tỷ USD, từ máy bay chiến đấu, súng trường cho tới khinh hạm tàng hình.
Năm 2021, Mỹ đã viện dẫn đạo luật CAATSA để áp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này mua S-400 của Nga. Mỹ cũng gạt Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình xuyên quốc gia về phát triển máy bay chiến đấu F-35.
Trong khi đó, hồi tháng 1/2021, giới chức Mỹ được cho là đã thông báo với chính quyền Modi rằng, Washington có thể dành cho New Delhi một quy chế đặc biệt trong vấn đề này.
Tháng trước, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đưa ra lập trường tương tự.
“Chúng ta có các luật riêng, chúng ta sẽ áp dụng luật của mình, nhưng Mỹ cũng chia sẻ quan ngại với Ấn Độ về vấn đề này”, ông Blinken nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố, các lệnh trừng phạt sẽ chỉ được áp dụng sau khi hệ thống S-400 được bàn giao cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, Ấn Độ vẫn kiên quyết về việc mua các tổ hợp phòng không của Nga. Ấn Độ coi đây là điều quan trọng trong bối cảnh nước này đang vướng vào những cuộc đụng độ với Trung Quốc ở một số điểm dọc biên giới giữa 2 bên trên dãy Himalaya, còn gọi là Đường Kiểm soát thực tế (LAC).
Một báo cáo của Tổ chức nghiên cứu Người quan sát (ORF) có trụ trở ở New Delhi, nói rằng S-400 là hệ thống vũ khí hiệu quả nhất trong số các hệ thống tương tự và đáp ứng được các nhu cầu của Ấn Độ.
“Trên phương diện của Lực lượng Không quân Ấn Độ, không hệ thống nào khác có khả năng đáp ứng các đòi hỏi phòng không tầm xa, cả về năng lực cũng như chi phí [như S-400]. Không hệ thống điển hình nào của phương Tây có thể bắt kịp khả năng của S-400 trong việc ngăn chặn các chiến dịch trên không của kẻ thù ngay cả trong không phận của đối phương”, bản báo cáo do Kashish Parpiani, Nivedita Kapoor và Angad Singh thực hiện cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng, tính chắc chắn của hợp đồng có thể đã khiến Mỹ thay đổi lập trường.
“Phản ứng mềm mỏng hơn là dấu hiệu cho thấy Washington thừa nhận rằng, Ấn Độ sẽ không hủy bỏ hợp đồng bất chấp bị gây sức ép”, theo ông Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và chiến lược an ninh tại ORF.
Lý do Mỹ khó trừng phạt Ấn Độ
Các nhà phân tích khác nói rằng sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ có thể liên quan đến tính thời điểm.
“Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trừng phạt một đối tác như Ấn Độ ở thời điểm có nhiều nghi ngờ nổi lên về tín nhiệm của một đối tác tầm cỡ như Mỹ”, ông Sameer Patil, học giả tại Chương trình nghiên cứu an ninh Quốc tế tại tổ chức Gateway House cho biết.
Ông Patil nhấn mạnh, bất đồng giữa Mỹ và Pháp sau khi Tổng thống Biden công bố thỏa thuận an ninh AUKUS với Australia và Anh, cũng như việc rút quân vội vã khỏi Afghanistan bị các đồng minh chỉ trích.
“Mỹ bị mang tiếng là phản bội đối tác và việc trừng phạt Ấn Độ ở thời điểm quan trọng này sẽ chỉ khiến ấn tượng ngày càng xấu thêm”, ông Patil nói.
Theo các chuyên gia, chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho thấy Mỹ không muốn mối quan hệ với Ấn Độ xấu đi.
Bà Sherman cũng nói rằng việc trừng phạt Ấn Độ vì mua các hệ thống phòng không của Nga có thể làm ảnh hưởng tới mối quan hệ gần gũi mà 2 nước đạt được trong thời gian qua.
Ở Ấn Độ, nhiều người vẫn nhớ Mỹ đã trừng phạt New Delhi sau các vụ thử hạt nhân năm 1998.
Giám đốc Cơ quan Quốc phòng và hàng không vũ trụ tại Vikram Mahajan tại Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ-Ấn nói rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể sẽ rất “hạn chế về quy mô”.
“Mỹ phải thừa nhận rằng, các mối quan hệ giữa 2 nước còn quan trọng hơn nhiều”, ông Mahajan nói.
Ông Patil, thuộc Gateway House, nói rằng, nếu Mỹ trừng phạt Ấn Độ, điều này sẽ thúc đẩy những lời kêu gọi chính quyền Modi cân nhắc lại về mối quan hệ với Mỹ.
Theo ông Mahajan, nếu được thông qua, các lệnh trừng phạt cũng sẽ phủ bóng đen lên các cuộc tập trận quân sự chung cũng như các thương vụ mua bán vũ khí với Mỹ. Đây sẽ là tin xấu cho cả 2 nước, và đặc biệt đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm gia tăng hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như kiềm chế Trung Quốc.
Điều đó cũng sẽ phủ bóng đen lên tương lai của Bộ Tứ kim cương (Quad) và sự tham gia của Ấn Độ vào cơ chế này và cuối cùng đẩy New Delhi xích lại gần Moscow hơn.
“Thực tế, sau khi rút quân khỏi Afghanistan, đã có những kỳ vọng rằng Mỹ sẽ dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Rajagopalan nói.
Một số nhà quan sát cho rằng, có những cách tốt hơn để Mỹ giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào các khí tài quân sự Nga.
“Thay vì trừng phạt New Delhi, Mỹ có thể đầu tư vào Ấn Độ để xây dựng hệ sinh thái sản xuất quốc phòng, trong đó các nhà sản xuất Mỹ tới Ấn Độ và xây dựng các hệ thống quân sự phức tạp. Một kế hoạch như vậy vừa có thể giúp Ấn Độ đạt được khả năng tự lực, lại vừa giúp Mỹ đảm bảo Ấn Độ sẽ không xích lại gần Nga”, ông Mahajan nói./.