Ấn Độ mua tàu đã qua sử dụng để tăng năng lực vận tải hàng hải
Ngày 19/9, các quan chức cấp cao ngành hàng hải Ấn Độ cho biết, nước này sẽ mua thêm các tàu đã qua sử dụng để tăng cường năng lực vận tải đường biển trước những khó khăn trong ngành vận tải hàng hải thời gian qua.
Quyết định mua lại các tàu hàng đã qua sử dụng là kết quả sau các cuộc thảo luận với các bộ Tài chính, Hàng hải, Đường sắt và Hàng không Ấn Độ nhằm cắt giảm chi phí vận tải và tăng cường xuất khẩu hàng hóa.
Các cuộc thảo luận trên được tổ chức trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ giảm liên tiếp trong hai tháng qua, với mức giảm lên đến 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu giảm mạnh là do chi phí vận chuyển tăng vọt, kết hợp với tình hình suy thoái ở các nền kinh tế Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
"Chi phí vận chuyển hàng hóa của các nhà xuất khẩu Ấn Độ sang châu Âu và Mỹ đã tăng gấp đôi trong năm qua, do gián đoạn ở Biển Đỏ", Tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) cho hay và nêu rõ giá cước 1 container 40 feet năm 2024 ở khoảng 4.775 USD, cao hơn nhiều giá cước năm 2019 chỉ là 1.420 USD.
Tổ chức này báo cáo thêm, không chỉ áp lực chi phí vận tải tăng vọt, Ấn Độ còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng các thùng container do có thông tin về việc Trung Quốc đang chiếm lượng lớn công suất container để xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ và EU trước đợt tăng thuế sắp tới, trong khi Ấn Độ vốn phụ thuộc vào các hãng vận tải biển nước ngoài.
Trao đổi với hãng tin Reuters, các quan chức hàng hải cho biết thêm, kế hoạch bổ sung thêm các tàu hàng được kỳ vọng giúp giảm thời gian xuất khẩu và nâng cao năng lực vận tải container thêm khoảng 10-12%.
Đặc biệt, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết ông dự đoán chi phí vận tải đối với hàng xuất khẩu của Ấn Độ sẽ giảm 1/3 trong thời gian tới.
Trước đó ông Goyal cho rằng các cuộc tấn công liên tiếp vào tuyến vận chuyển qua Biển Đỏ kể từ cuối năm 2023 đã làm gia tăng thời gian vận chuyển khi các tàu chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, làm tăng chi phí thuê mướn tàu cũng như tăng thời gian tàu hàng bị chậm trễ tại các cảng biển.