Ấn Độ: Nâng cao kỹ năng 'xanh' của lao động nữ

Tại Ấn Độ, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang sử dụng khoảng 1,02 triệu lao động. Tuy nhiên, tình trạng thiếu kỹ năng của người lao động hiện nay có thể cản trở khả năng đáp ứng các cam kết về khí hậu và năng lượng sạch của nước này. Chính phủ Ấn Độ đang tập trung triển khai các chiến lược cho bình đẳng giới nhằm tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

 Các kỹ sư thực tập tại trang trại điện mặt trời của ReNew ở Mahbubnagar, Ấn Độ

Các kỹ sư thực tập tại trang trại điện mặt trời của ReNew ở Mahbubnagar, Ấn Độ

Khoảng trống kỹ năng "xanh"

Trong vài năm gần đây, Ấn Độ đã vươn lên trở thành một "siêu cường năng lượng tái tạo" ở khu vực Nam bán cầu, với lượng đấu thầu đạt gần 70 gigawatt (GW) trong năm tài chính vừa qua. Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục, với việc bổ sung công suất mới ước tính tăng gấp đôi vào năm 2026, vượt qua tốc độ của nhiều nền kinh tế lớn.

Ngân sách mới được công bố gần đây của Chính phủ Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước, với sự hỗ trợ mạnh mẽ cho sản xuất công nghệ sạch. Kế hoạch ngân sách của nước này đặt mục tiêu cấp 10.000 suất học bổng, trong đó có nhiều vị trí nghiên cứu, nhằm đưa Ấn Độ trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng bền vững.

Bên cạnh đó, việc chú trọng trao quyền cho phụ nữ - thông qua mở rộng chương trình tín dụng cho nữ doanh nhân, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế - thể hiện cam kết của Ấn Độ về tăng trưởng bao trùm.

Để đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo đòi hỏi cần có một lực lượng lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, hiện nước này chỉ có khoảng 10% thanh niên được đào tạo để phục vụ các công việc "xanh" mới nổi, dẫn đến một "khoảng trống kỹ năng xanh".

Nếu không được giải quyết thì khoảng trống này có thể cản trở tiến bộ hướng tới các mục tiêu khí hậu. Bằng cách cải thiện tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động "xanh", có thể thu hẹp khoảng trống này, đồng thời đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra công bằng và toàn diện.

Tại Ấn Độ, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang sử dụng 1,02 triệu lao động, với tiềm năng tăng thêm 3,4 triệu việc làm mới vào năm 2030. Tuy nhiên, tình trạng thiếu kỹ năng hiện nay có thể cản trở khả năng đáp ứng các cam kết về khí hậu và năng lượng sạch của Ấn Độ.

Dù là một thách thức, bối cảnh này cũng mở ra cơ hội lớn để khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động tại Ấn Độ. Xét riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo, phụ nữ chiếm khoảng 32% lực lượng lao động toàn cầu. Con số này ở Ấn Độ chỉ khoảng 11%.

Khoảng cách càng rõ rệt hơn trong các vị trí như vận hành và lắp đặt: Phụ nữ chỉ chiếm khoảng 1% lực lượng vận hành - bảo trì và chưa đến 3% lực lượng xây dựng - lắp đặt.

Khoảng cách giới đang tồn tại phản ánh những bất bình đẳng có tính hệ thống đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong ngành năng lượng và công nghệ. Nếu tình trạng này tiếp diễn, quá trình chuyển đổi năng lượng của Ấn Độ có nguy cơ loại trừ một bộ phận lớn dân số khỏi lĩnh vực "xanh" đang phát triển.

Đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng

Việc đưa phụ nữ vào nền kinh tế "xanh" là điều cần thiết để tạo ra một quá trình chuyển đổi công bằng và bền vững. Việc đảm bảo tính đa dạng trong lực lượng lao động đã được chứng minh là thúc đẩy đổi mới và mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn. Sự tham gia của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi năng lượng có thể mang đến những góc nhìn và giải pháp mới cho các thách thức của biến đổi khí hậu.

Kỹ sư tại nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời ở Jaipur, Rajasthan, Ấn Độ

Kỹ sư tại nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời ở Jaipur, Rajasthan, Ấn Độ

ReNew (một đơn vị dẫn đầu ở Ấn Độ trong cung cấp các giải pháp khử carbon) đang tập trung xây dựng một hệ thống năng lượng sạch mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Thông qua công việc, ReNew đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch với giá cả phải chăng ở những khu vực xa xôi, đồng thời giảm phát thải carbon và thúc đẩy trao quyền năng cho phụ nữ.

Dự án Surya của ReNew, được phát triển với sự hợp tác của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức SEWA, đang đào tạo cho 1.000 phụ nữ làm việc ở các vùng đầm lầy sản xuất muối để trở thành kỹ thuật viên bơm điện mặt trời.

Dự án cho thấy tiềm năng giúp phụ nữ thoát khỏi điều kiện làm việc thiếu an toàn và mức lương thấp, hướng tới một lực lượng lao động hiện đại và trải rộng về mặt địa lý. Bằng cách trao quyền cho phụ nữ và cộng đồng nông thôn với các kỹ năng và cơ hội để tham gia nền kinh tế "xanh", Ấn Độ có thể đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các công việc "xanh" cũng giúp giải quyết bất bình đẳng giới ở quy mô rộng hơn tại Ấn Độ. Theo thống kê tính đến năm 2023, có khoảng 33% phụ nữ Ấn Độ tham gia lực lượng lao động.

Bằng cách xây dựng các chương trình hướng đến việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế "xanh", Ấn Độ vừa có thể thu hẹp khoảng cách việc làm theo giới, vừa khai thác tiềm năng kinh tế lên đến 770 tỷ USD trong năm 2025.

Chính sách của Chính phủ nước này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng "xanh". Trong những năm qua, Chính phủ Ấn Độ đã chú trọng nhiều chương trình hướng đến các cơ hội xung quanh quá trình chuyển đổi, ưu tiên việc làm và kỹ năng "xanh", cải thiện điều kiện làm việc và hỗ trợ các cộng đồng chịu tác động.

Thông qua Chương trình Phát triển Kỹ năng Xanh, Chính phủ nước này đã cam kết đào tạo 7 triệu thanh niên trong lĩnh vực môi trường, lâm nghiệp và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung triển khai các chiến lược riêng cho bình đẳng giới nhằm cải thiện sự hiện diện của phụ nữ trong lĩnh vực này thông qua các sáng kiến như Kế hoạch Trao quyền cho Phụ nữ và Chính sách Năng lượng Tái tạo Phân tán.

Các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ở Ấn Độ bằng cách ưu tiên và nâng cao kỹ năng cho phụ nữ. Các biện pháp có thể bao gồm: Cung cấp ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào các chương trình đào tạo kỹ năng "xanh" hoặc được điều chỉnh, trong đó tập trung vào sự hòa nhập giới.

Thông qua giáo dục, đào tạo và các sáng kiến có mục tiêu, Ấn Độ có thể đảm bảo hoàn thành các mục tiêu khí hậu, đồng thời xây dựng một nền kinh tế "xanh" vững mạnh. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này phải mang tính bao trùm, đặc biệt với phụ nữ - nhóm đang ít hiện diện trong lĩnh vực năng lượng.

Nhu cầu việc làm "xanh" đang tăng vọt trên toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hiệu quả năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) dự báo, lĩnh vực năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ cần 38 triệu lao động vào năm 2030, gấp hơn 3 lần so với con số 12 triệu người được tuyển dụng năm 2020.

Nguồn: climatechangenews.com

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/an-do-nang-cao-ky-nang-xanh-cua-lao-dong-nu-20250210162908941.htm