Bão táp thuế quan đe dọa 'nhấn chìm' nỗ lực phục hồi của kinh tế Trung Quốc

Những đợt áp thuế mới từ Mỹ có thể sẽ tạo ra 'cơn gió ngược', cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đối mặt với nhiều biến động.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Kinh tế Trung Quốc đang hé mở những tín hiệu tích cực vào cuối năm 2024, nhưng những đợt áp thuế mới từ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tạo ra "cơn gió ngược", cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đối mặt với nhiều biến động. Điều này làm dấy lên lo ngại về một làn sóng trả đũa và những tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

*Bức tranh thương mại lạc quan

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong tháng 12/2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước đó, vượt qua dự báo 7,3% của các chuyên gia kinh tế. Nhập khẩu cũng gây bất ngờ khi tăng 1%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2024, giúp thặng dư thương mại đạt 104,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2024 đạt mức kỷ lục 3.600 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2023, đánh dấu năm thứ 8 tăng trưởng liên tiếp. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thị trường bất động sản suy yếu và niềm tin tiêu dùng còn mong manh.

Tính chung cả năm 2024, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại kỷ lục 992 tỷ USD, trong đó hơn 1/3 là thặng dư với Mỹ, tương đương khoảng 361,03 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm thiết bị điện tử, máy móc, xe điện và quặng kim loại. Trong tháng 1/2025, nhập khẩu container hàng hóa của Mỹ đạt mức cao kỷ lục, với việc các cảng biển xử lý 2,49 triệu đơn vị tương đương 20 feet (TEU) hàng hóa, tăng đáng kể so với kỷ lục trước đó vào tháng 1/2022. Đáng chú ý, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 997.909 TEU. Sự gia tăng này một phần do các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy nhanh việc nhập hàng, bao gồm đồ chơi nhựa và phụ tùng máy móc, để phòng ngừa các mức thuế mới và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

*“Cơn gió ngược” từ Mỹ

Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump, người nổi tiếng với chính sách "Nước Mỹ trên hết", làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thực tế, ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Trump đã nhanh chóng áp thuế bổ sung mới lên hàng hóa Trung Quốc.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời thu hồi quy tắc "de minimis" - miễn thuế đối với các lô hàng nhập có có giá trị dưới 800 USD - đã tác động mạnh đến ngành thương mại điện tử xuyên biên giới. Các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Shein, Temu đối diện với nguy cơ tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh.

Các doanh nghiệp bán lẻ Trung Quốc báo cáo mức thuế mới làm tăng chi phí xuất khẩu khoảng 30%, trong khi các hãng logistics cũng điều chỉnh chiến lược vận chuyển để thích ứng với quy định mới. Việc áp thuế cũng có thể buộc các doanh nghiệp phải thay đổi chuỗi cung ứng, tìm kiếm các nguồn cung ứng thay thế hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác để tránh thuế. Quá trình này có thể tốn kém và gây gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Theo ước tính của Nomura Holdings Inc., trong năm 2024, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 46 tỷ USD hàng hóa dưới dạng các bưu kiện nhỏ sang Mỹ. Việc áp thuế mới có thể làm giảm đáng kể con số này, đồng thời kéo giảm GDP Trung Quốc khoảng 0,2 điểm phần trăm trong năm 2025. Trong khi đó, Bloomberg Economics dự đoán, đợt áp thuế mới có thể ảnh hưởng đến 40% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, khiến GDP Trung Quốc sụt giảm 0,9 điểm phần trăm. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính mức thuế bổ sung 10% có thể kéo giảm tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.

Các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các nhà máy sản xuất hàng giá rẻ, của Trung Quốc có thể phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa do lợi nhuận vốn đã rất thấp.

Ngành xuất khẩu ô tô Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2025, với mức tăng chỉ 5,8% so với 19,3% của năm 2024. Một trong những nguyên nhân là do EU đã áp thuế bổ sung lên xe điện Trung Quốc, khiến các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang xuất khẩu xe hybrid (xe lai chạy bằng cả xăng và điện) để né tránh hàng rào thuế quan. Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu và siết chặt chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc.

Đáng chú ý, vào sáng 11/2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3/2025 và sẽ không có ngoại lệ. Ông Trump cam kết nỗ lực này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và mang nhiều việc làm về Mỹ, đồng thời cảnh báo mức thuế có thể được nâng lên cao hơn. Tuy nhiên, động thái này dường như chỉ tác động hạn chế tới hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, bởi mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới nhưng sản lượng nhôm thép của Trung Quốc bán sang Mỹ rất ít.

*Phản ứng của Trung Quốc

Trước tình hình hiện tại, Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng và cân nhắc các biện pháp đối phó. Bộ Thương mại Trung Quốc đã cam kết thực hiện "các biện pháp đáp trả tương ứng", nhưng chưa nêu chi tiết. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và kêu gọi Mỹ giải quyết bất đồng trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng nhiều công cụ khác ngoài thuế quan để đáp trả Mỹ. Chẳng hạn, nước này có thể áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng hoặc hạn chế quyền tiếp cận thị trường đối với một số công ty Mỹ.

Một yếu tố quan trọng khác là chiến lược giảm giá đồng nhân dân tệ để duy trì lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này có thể tạo áp lực lên hệ thống tài chính nội địa và làm tăng nguy cơ dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm 2025 và đã cam kết thực hiện chính sách tài khóa chủ động, nới lỏng tiền tệ nhằm duy trì đà tăng trưởng.

Theo dự báo của Fitch Ratings, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 4,3% trong năm 2025, thấp hơn so với mục tiêu của nước này. Xuất khẩu vẫn là động lực quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng sẽ chịu áp lực lớn từ các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" và ASEAN, nơi kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đã tăng lần lượt 9,6% và 13,4%.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bao-tap-thue-quan-de-doa-nhan-chim-no-luc-phuc-hoi-cua-kinh-te-trung-quoc/362837.html