Ấn Độ: Nhà giáo nghỉ hưu hết lòng vì trẻ em nghèo
Dù đã nghỉ hưu sau 40 năm đứng trên bục giảng nhưng nhà giáo Sabiha Hashmi ở Ấn Độ vẫn hết lòng với giáo dục.
Bà mở lớp dạy học, dạy nghề miễn phí và hỗ trợ cuộc sống cho các bé gái kém may mắn ở một ngôi làng nghèo.
Ý tưởng từ những chuyến đi
Hiểu đầy đủ câu nói của Benjamin Franklin, một trong những thành viên lập quốc Mỹ, “Đầu tư vào kiến thức mang lại lợi ích tốt nhất”, có lẽ không ai hơn bà Sabiha Hashmi ở bang Karnataka (Ấn Độ). Sau hơn bốn thập niên công tác trong ngành Giáo dục, Sabiha nói rằng bà chưa hề muốn chia tay với công việc giảng dạy.
Người phụ nữ 72 tuổi này bắt đầu dạy và bảo trợ việc học cho các bé gái ở làng Jyothipalaya, quận Ramanagara, bang Karnataka vào năm 2011. Từ việc cung cấp sách và đào tạo kỹ năng cho học sinh, đến trang trải học phí và dạy các môn cơ bản như Tiếng Anh, bà đang tiến xa hơn trong việc giúp các bé gái có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Bà Sabiha có bằng Tiến sĩ, từng công tác ở Viện Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật và Bảo tồn quốc gia ở Delhi. Ngoài ra, bà còn giảng dạy các bộ môn nghệ thuật, bao gồm Ký họa, Hội họa, Lịch sử mỹ thuật tại Trường Modern ở Delhi và Trường Heritage ở thành phố Gurugram, bang Haryana.
“Tôi thường xuyên đi đường bộ vào các vùng thuộc phía Bắc dãy Himalaya để tìm tài liệu cho các nghiên cứu của mình. Ở những nơi này, tôi chứng kiến nhiều bé gái muốn học lên nhưng phải bỏ dở giữa chừng.
Tại các ngôi làng hẻo lánh, hầu hết đàn ông khỏe mạnh đều rời nhà, đến các khu vực thành thị tìm việc làm kiếm sống, để lại phụ nữ và trẻ em gái với những công việc nặng nhọc ở các trang trại. Kết quả là họ bị thua thiệt mọi thứ, nhất là về giáo dục.
Thực trạng này cũng liên quan đến việc kết hôn sớm trong cộng đồng. Khi tôi chuyển đến Karnataka vào năm 2010 để ở cùng các con, tôi cũng thấy vấn đề tương tự. Bây giờ với thời gian và nguồn lực sẵn có, tôi nghĩ đã đến lúc tạo ra sự khác biệt”, bà nói với The Better India.
Dạy chữ, dạy nghề
Đầu tiên, bà Sabiha xây một căn nhà nhỏ trong ngôi làng cạnh trang trại của mình và bắt đầu dạy học miễn phí cho các bé gái. Khi nhận ra các em cũng cần tiền để học lên cao hơn, bà quay trở lại công việc giảng dạy để kiếm thêm thu nhập nhằm giúp đỡ chúng. Bà nhận dạy tại Trung tâm học tập Poorna và Trường Pramiti một thời gian, dành dụm đủ tiền để hỗ trợ 8 bé gái dưới sự chăm sóc của mình.
Trong năm đầu tiên của dự án, Sabiha kêu gọi sự đóng góp từ bạn bè và gia đình. Sau đó, bà nhận ra, cần phải có một giải pháp lâu dài để tạo sự bền vững cho các sáng kiến của mình, chứ không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mãi.
Phát huy chuyên môn nghệ thuật của mình, bà hướng dẫn các bé gái và mẹ của chúng làm các sản phẩm như giá sách, hộp đựng bút chì, hộp điều khiển từ xa, hộp đựng đồ trang sức từ đồ phế thải như vải và giấy. Số tiền thu được từ việc bán các mặt hàng thủ công này, bà dùng để lo việc học cho các cô gái.
“Chúng tôi bán các sản phẩm thủ công vào cuối khóa đào tạo. Một trong những khách hàng của chúng tôi là Trường Công lập Delhi (DPS). Họ chọn mua sản phẩm này để làm quà tặng cho khách và giảng viên đến thăm trường. Ngoài ra, Trường Poorna (nơi tôi dạy thêm) cũng giúp tổ chức các cuộc triển lãm để chúng tôi giới thiệu và bán các sản phẩm”, bà Sabiha nói.
Dần dần, bà nhân rộng các sáng kiến của mình, bắt đầu quyên góp sách vở, cặp, bút chì và nhiều thứ khác hỗ trợ các em đang đi học. Nổi bật trong các khoản quyên góp mà bà nhận được là một bộ sưu tập lớn các cuốn sách viễn tưởng và phi hư cấu được viết bằng tiếng Kannada (một trong các ngôn ngữ chính của Ấn Độ, thuộc ngữ hệ Dravida, chủ yếu được sử dụng ở bang Karnataka). Nhờ bà, nhiều em có thể thỏa niềm đam mê đọc truyện và tạo thành thói quen đọc sách thường xuyên.
Nói về hiệu quả của dự án, bà Sabiha tự hào tiết lộ, bốn trong số các học sinh của mình đã học xong lớp 10. Một em gần đây đã hoàn thành chương trình cử nhân giáo dục và một em khác đạt điểm 74/100 trong chương trình cử nhân thương mại năm cuối. “Tôi đã dạy cho các cô gái và bà mẹ trẻ dang dở việc học hoặc chưa bao giờ đi học. Một đặc điểm chung của họ là sự háo hức thu nhận kiến thức và hình thành một bản sắc riêng”, bà nói thêm.
Dự án tương lai
Bà Sabiha đang thực hiện dự án xây dựng thư viện và trung tâm học tập cho trẻ em sống ở Jyothipalaya và các làng lân cận. Tại Trung tâm Học tập Ajji, trẻ em có thể mượn sách, nghiên cứu, học các kỹ năng tính toán cơ bản và nghệ thuật truyền thống. Chúng cũng có thể đến đây và khám phá khía cạnh sáng tạo của mình với sự hỗ trợ của bà Sabiha trong việc viết truyện, vẽ tranh, phác thảo, in lụa, cắt dán, tái chế và hơn thế nữa.
Trung tâm là một cơ sở thân thiện với môi trường với hệ thống năng lượng Mặt trời và cấu trúc thu nước mưa. Bà sử dụng số tiền quyên góp nhận được để xây dựng thư viện nhưng còn cần sự giúp đỡ về nội thất.
“Chúng tôi cần nguồn quỹ để mua khoảng 10 máy tính cho trung tâm, kệ sách, ghế, bàn và nhiều thứ khác. Trung tâm này sẽ tác động tích cực đến trẻ em. Tôi sẽ thuê 3 giáo viên, những người sẽ dạy một nhóm 10 học sinh trong hai đợt”, bà Sabiha nói.