Ấn Độ: Tàu điện 150 năm tuổi trước nguy cơ khai tử
Tại TP Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ, tàu điện (tram) là phương tiện giao thông có lịch sử lâu đời, trở thành biểu tượng của thành phố nhưng nay đang đứng trước nguy cơ bị loại bỏ hoàn toàn.
Lịch sử 150 năm
Đầu tháng 10, sau hơn 150 năm vận hành, chính quyền thành phố Kolkata của Ấn Độ đã công bố kế hoạch loại bỏ hoàn toàn tàu điện (tram), chỉ giữ lại một tuyến nhỏ để bảo tồn. Tuy nhiên, kế hoạch vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đông đảo người dân, các nhà hoạt động vì tàu điện.
Tàu điện vốn là một biểu tượng trong hệ thống giao thông Kolkata, tồn tại hơn 150 năm qua.
Chỉ cách đây hơn 1 năm, tháng 2/2023, Kolkata đã tổ chức sự kiện kỷ niệm 150 năm tàu điện hoạt động. Sự kiện diễn ra với chương trình âm nhạc hoành tráng và hoạt động diễu hành tàu điện cổ bằng gỗ có tuổi đời hơn thế kỷ. Đặc biệt là sự góp mặt của ông Roberto D'Andrea, người điều khiển tàu điện nổi tiếng của Australia. Ông là nhân vật có nhiều đóng góp để gắn kết quan hệ về tàu điện giữa Melbourne và Koltaka.
Với 150 năm hoạt động, tàu điện dần trở thành biểu tượng không thể thiếu của thành phố Koltaka.
Âm thanh "ding ding" báo hiệu chiếc tàu điện đầu tiên trong ngày khởi hành, tiếng xe chạy rầm rập trên đường phố từ bao giờ trở thành tiếng chuông báo thức đối với nhiều người ở thành phố này.
Cảnh tượng tàu điện cũng trở thành "đặc sản" trong tất cả những bộ phim được thực hiện tại bang. Đạo diễn, diễn viên người Ấn Độ Anjan Dutt cho biết: "Tôi từng sử dụng hình ảnh tàu điện, trạm tàu điện trong hai bộ phim. Ở đây, tàu điện đại diện cho chính thành phố, cả những giấc mơ và cuộc sống thường nhật sôi động".
Trên thực tế, trạm tàu điện Belgachia ở Kolkata, nơi từng nhộn nhịp công nhân sửa chữa, bảo trì, thậm chí đóng tàu điện, nay được dùng làm bối cảnh cho rất nhiều bộ phim.
Những chuyến xe qua dòng lịch sử
Melbourne (Australia) và Kolkata (Ấn Độ) hiện là hai địa phương duy nhất có những tuyến tàu điện lâu đời nhất trên thế giới còn hoạt động, trở thành điểm nhấn để kết nối quan hệ giữa hai địa phương. Tàu điện ở Melbourne bắt đầu hoạt động từ năm 1885, còn tàu điện đầu tiên xuất hiện ở Kolkata từ năm 1873.
Năm 1902, Kolkata (lúc đó gọi là Calcutta) đã trở thành thành phố châu Á đầu tiên có tàu điện.
Những tuyến tàu điện đã vượt dòng lịch sử, chứng kiến dấu mốc Ấn Độ giành được độc lập từ Vương quốc Anh. Thời điểm đó, công ty tàu điện Calcutta vẫn được điều hành từ London (Anh) và được niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán London mãi đến năm 1968.
Cùng xuất phát điểm nhưng ngày nay Melbourne đã phát triển tàu điện thành hệ thống tàu điện ứng dụng công nghệ cao và sử dụng năng lượng mặt trời. Còn hệ thống tàu điện của Kolkata lại dần lụi tàn theo thời gian. Từ 52 tuyến ở thời điểm những năm 1970, giảm xuống còn 25 tuyến vào năm 2015 và giờ chỉ còn 3 tuyến.
Những chiếc tàu điện kêu lạch cạch bao năm không được nâng cấp. Ngay cả những biển hiệu bên trong cũng không thay đổi, còn nguyên biển cảnh báo: "Cẩn thận với kẻ gian móc túi", "Để dừng xe, vui lòng chỉ rung chuông một lần"…
Cuối cùng, chính quyền bang đi đến quyết định loại bỏ hoàn toàn tàu điện, chỉ dành một tuyến nhỏ làm tuyến đường di sản.
Người đứng đầu cơ quan giao thông khu vực Tây Bengal Snehasis Chakraborty chỉ ra lý do địa phương muốn bỏ tàu điện là vì hiện nay dân số và số lượng phương tiện giao thông của Kolkata tăng gấp nhiều lần nhưng đường vẫn chưa được mở rộng.
Diện tích dành cho đường giao thông tiếp tục dao động ở mức khoảng 6%, thấp hơn nhiều so với 18% của Mumbai và 10% của Delhi. Cả hai thành phố đó đều từng có tàu điện. Thậm chí, Mumbai còn có tàu điện 2 tầng nhưng cả hai đều đã loại bỏ.
Vấp phải làn sóng phản đối dữ dội
Tuy nhiên, một nhóm các nhà hoạt động tàu điện kiên trì phản đối kế hoạch này.
Nhà điều hành tàu điện Australia D'Andrea cho biết: "Việc xóa bỏ hoàn toàn hệ thống tàu điện sẽ là bước đi thụt lùi bởi thực tế thế giới đang hướng đến giao thông xanh, giảm khí thải carbon do hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Hơn 400 thành phố đang vận hành hệ thống tàu điện. Nhiều thành phố từng dỡ bỏ đường tàu điện nay xây dựng lại với chi phí rất lớn như Sydney, Helsinki và trên khắp nước Pháp. Hong Kong cũng đang vận hành tàu điện với tần suất cao luồn lách qua con phố nhỏ hẹp".
Hãng tin BBC dẫn lời nhà tư vấn ngành vận tải tại Ấn Độ Suvendu Seth cho rằng: "Xu hướng sử dụng tàu điện đang quay trở lại. Những tuyến đường sắt hạng nhẹ ở nhiều thành phố Mỹ hiện nay cũng chỉ là phiên bản cập nhật của tàu điện. Nhưng thật buồn khi chúng ta đã có hạ tầng tàu điện nhưng lại không nâng cấp mà bỏ bê".
Ông Seth góp ý, thay vì phàn nàn thiếu không gian đường, hãy thực hiện giải pháp biến một số con đường thành tuyến phố chỉ dành cho người đi bộ và tàu điện.
Còn ông Debashis Bhattacharyya, một học giả đã nghỉ hưu và là chủ tịch Hiệp hội Người sử dụng tàu điện Calcutta cũng lên tiếng phản đối và cho rằng: "Chính phủ nên nộp đơn xin công nhận tàu điện là di sản UNESCO và nâng tầm phương tiện này vì loại bỏ hoàn toàn".
Ông Bhattacharyya nghi ngờ lý do chính quyền địa phương quyết loại bỏ tàu điện vì các trạm tàu điện thường tọa lạc trên khu đất có giá trị. Hơn nữa, xe tuk-tuk đang phát triển mạnh, chiếm ưu thế so với tàu điện tạo ra nhiều việc làm và mang về lợi ích chính trị hơn.
Gần đây, nhiều nhà hoạt động đang gắn liền các sự kiện văn hóa với tàu điện mong có thể giữ lại phương tiện này. Kể từ năm 1996, nhà làm phim Mahadeb Shi đã tổ chức lễ hội Tramjatra thường niên, thu hút sinh viên nghệ thuật vẽ tranh tàu, các ban nhạc địa phương biểu diễn trên đường. Mỗi lễ hội Tramjatra có chủ đề riêng, giúp người trẻ hiểu và yêu tàu điện hơn.