Ấn Độ: Tham vọng phát triển năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành điện lực của Ấn Độ giai đoạn 2022-2023, nhưng những thách thức kinh tế và thị trường đang cản trở việc phát huy hết tiềm năng của nó.

Ấn Độ, năng lượng mặt trời, phong điện và các dạng năng lượng tái tạo (RE) khác không bao gồm thủy điện và năng lượng hạt nhân chiếm 30% tổng công suất phát điện và khoảng 14% tổng điện năng được tạo ra trong giai đoạn 2022-2023. Năng lượng tái tạo chỉ đứng sau nhiệt điện về công suất phát điện và sản lượng điện. Trong những thập kỷ tới, tỷ trọng công suất RE và sản lượng điện dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân.

RE giúp tái cơ cấu ngành điện lực Ấn Độ

Sự chuyển đổi từ than đá sang RE để sản xuất điện được giới truyền thông và giới học thuật tuyên truyền như một sự chuyển đổi sang một hệ thống ít tốn kém hơn, sẽ làm giảm và cuối cùng là loại bỏ lượng khí carbon và các chất gây ô nhiễm khác thải ra môi trường, đồng thời cũng sẽ giúp giảm giá điện và tái cơ cấu các công ty điện lực của Ấn Độ - các công ty phân phối điện do nhà nước điều hành, còn gọi là discom.

Ấn Độ đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo lên 170 GW vào năm 2025.

Ấn Độ đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng tái tạo lên 170 GW vào năm 2025.

Lập luận cơ bản là một khi discom thay thế các hợp đồng mua bán điện (PPA) truyền thống đắt đỏ bằng các PPA ngắn hạn, linh hoạt và chi phí thấp để cung cấp điện sản xuất từ RE, điều này không chỉ giúp giảm giá điện, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn giải quyết thách thức về tài chính của các discom. Tuy nhiên, những nỗ lực tái cơ cấu khu vực discom theo định hướng thị trường có thể làm suy yếu những kỳ vọng này.

Ở Ấn Độ, điện được sản xuất vào giờ cao điểm 6 giờ sáng hoặc 6 giờ chiều sẽ có chi phí cao hơn so với điện được sản xuất vào lúc nửa đêm hoặc giữa trưa khi nhu cầu thấp. Điện được tạo ra từ các tấm pin mặt trời ở Delhi, trung tâm phụ tải lớn và tập trung, có giá trị khác với điện được tạo ra bởi các tấm pin mặt trời tương tự ở vùng sa mạc của bang Rajasthan. Trong cả hai trường hợp, chi phí biên ngắn hạn của điện được tạo ra gần bằng 0 nhưng giá trị biên của điện ở Delhi cao hơn nhiều.

Nếu các nhà phát triển RE chỉ dựa vào thị trường để thu hồi mọi chi phí thì rất có thể họ sẽ thua lỗ. Trường hợp các dự án sản xuất điện mặt trời không nối lưới ở các vùng nông thôn Ấn Độ đã khẳng định điều này. Ngay cả trong trường hợp dự án nhận được vốn tài trợ, giá điện năng lượng mặt trời độc lập có bộ lưu trữ vẫn tương đương hoặc cao hơn giá điện năng lượng mặt trời sử dụng nhiên liệu diesel.

Hầu hết các hộ nghèo ở nông thôn giờ đây đã chuyển sang sử dụng điện lưới thuận tiện và đáng tin cậy. Hiệu quả kinh tế thấp của các dự án năng lượng mặt trời độc lập không có điện lưới dự phòng hoặc nguồn hỗ trợ tài chính và tình hình kinh tế của người nghèo giải thích tại sao có ít hơn 3% các dự án năng lượng mặt trời đang hoạt động ở Ấn Độ là các dự án không nối lưới.

Số phận của các dự án RE không nối lưới cho thấy việc chuyển đổi sang điện phát thải carbon thấp không phải là một bước hướng tới một hệ thống có chi phí thấp hơn. Nó cũng cho thấy khó có thể thu hồi các chi phí bổ sung liên quan hệ thống RE từ người nộp thuế hoặc người tiêu dùng điện ở Ấn Độ.

Định giá hoặc đánh thuế carbon cải thiện tính kinh tế của RE, nhưng ở Ấn Độ việc sản xuất RE vẫn do chính sách quyết định. Các nhà phát triển RE nhận được hỗ trợ dưới hình thức cấp vốn, tài trợ, giảm thuế, giá ưu đãi, miễn phí truyền tải, trạng thái “bắt buộc vận hành” và các cơ chế hỗ trợ khác của chính phủ. Mức giá thấp được đưa ra trong các cuộc đấu giá RE của Ấn Độ phản ánh cả chi phí vốn thấp lẫn chi phí biên thấp của sản xuất điện mặt trời. Vì các nhà phát triển RE không phụ thuộc vào thị trường, họ có thể bỏ qua các tín hiệu “thị trường” yếu cho biết hệ thống có công suất không mong muốn, dẫn đến sản lượng RE giảm.

“Cây gậy và củ cà rốt” của chính phủ

Phụ phí thanh toán chậm (LPS) là chính sách mới nhất trong chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của chính phủ Ấn Độ. “Củ cà rốt” xuất hiện vào tài khóa 2021 với gói cứu trợ trị giá 1,35 nghìn tỷ INR cho các hệ thống discom. Tháng 7 cùng năm, chính phủ đưa ra “củ cà rốt” lớn hơn - kế hoạch cải cách hệ thống discom trị giá 3,04 nghìn tỷ INR - nhằm mục đích giảm thiệt hại về kỹ thuật và thương mại (AT&C) - bao gồm hành vi trộm cắp điện, hoạt động thanh toán và thu phí không hiệu quả - xuống còn 12-15% trên toàn Ấn Độ (so với mức hơn 22% trong tài khóa 2021). Hiện tại, giá điện của discom cao hơn giá bán cho người tiêu dùng. Do đó, kế hoạch này cũng nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách này về 0 vào năm 2024-25.

Các biện pháp “cây gậy” cũng đã được thực hiện. Tháng 9/2021, Bộ Điện lực Ấn Độ đã thắt chặt các điều kiện cho vay. Để đủ điều kiện nhận tài trợ, các công ty thua lỗ phải xây dựng kế hoạch hành động để giảm thất thoát trong một khung thời gian cụ thể và nhận được cam kết từ chính quyền bang. Sau đó, đến 10/2021, kế toán và kiểm toán năng lượng bắt buộc đã được áp dụng cho tất cả các hệ thống discom.

Chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của chính phủ đã phát huy hiệu quả. Nhưng các vấn đề của ngành điện lực vẫn chưa kết thúc. Năm 2022, khoản lỗ lũy kế của các công ty điện lực là hơn 5 nghìn tỷ INR và giá trị ròng âm là hơn 553 tỷ INR. Hầu hết các chương trình tái cơ cấu tài chính do chính phủ liên tiếp đưa ra đều tập trung vào việc thúc đẩy các discom nắm bắt thị trường và giảm thiệt hại. Các sáng kiến tái cơ cấu trong thập kỷ qua bắt đầu với chương trình UDHAY năm 2015 hạn chế khả năng tiếp cận của discom trong việc tạm ứng nợ ngắn hạn từ các ngân hàng để tài trợ cho các khoản lỗ phát sinh.

LPS áp dụng đối với các discom chưa thanh toán phí một tháng sau ngày đến hạn thanh toán hoặc 2,5 tháng sau khi xuất trình hóa đơn tiền điện, tùy theo thời điểm nào muộn hơn, hiện phải tuân theo quy định LPS năm 2022. Điều này có nghĩa là ở mức độ cao nhất, các công ty điện lực sẽ ngừng hoàn toàn việc cung cấp điện và giảm dần khả năng tiếp cận truyền tải.

Trần Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/an-do-tham-vong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-i735235/