Ấn Độ thử nghiệm thành công vũ khí laser diệt drone, tên lửa
Hệ thống vũ khí năng lượng định hướng bằng laser DEW MkII(A) có khả năng vô hiệu hóa tên lửa, máy bay không người lái và các đầu đạn cỡ nhỏ.
Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) vừa thông báo thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí năng lượng định hướng bằng laser DEW MkII(A), theo The Hindu.
“Hệ thống DEW Mk-II(A) do Ấn Độ tự thiết kế và phát triển đã được trình diễn toàn bộ khả năng, từ việc tiêu diệt máy bay không người lái cánh cố định ở tầm xa, đánh chặn nhiều máy bay không người lái cùng lúc đến phá hủy các cảm biến và ăng-ten trinh sát của đối phương. Tốc độ tấn công chớp nhoáng, độ chính xác cao và sức công phá mạnh vào mục tiêu chỉ trong vài giây, trở thành vũ khí chống máy bay không người lái hiệu quả nhất hiện nay,” DRDO cho biết trong một tuyên bố.
Theo thông tin từ DRDO, cơ chế hoạt động của DEW Mk-II(A) là khi phát hiện mục tiêu bằng radar hoặc hệ thống quang điện tích hợp (EO), vũ khí Laser-DEW có thể tấn công mục tiêu với tốc độ ánh sáng và sử dụng tia laser cường độ cao để cắt xuyên qua mục tiêu, gây hư hỏng cấu trúc hoặc gây hiệu ứng mạnh hơn nếu đánh trúng đầu đạn.
Chi phí cho một lần bắn tia laser chỉ tương đương vài lít xăng. Do đó, hệ thống này có tiềm năng trở thành giải pháp thay thế các loại vũ khí động học và hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống nhờ vào chi phí thấp và tính dễ vận hành.

Ấn Độ thử nghiệm thành công vũ khí laser có thể vô hiệu hóa drone, tên lửa. Ảnh: DRDO.
Cuộc thử nghiệm được thực hiện tại thao trường không gian mở quốc gia ở Kurnool, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ ngày 13/4 (giờ địa phương). Hệ thống được phát triển bởi Trung tâm hệ thống và khoa học năng lượng cao (CHESS) của DRDO tại Hyderabad, phối hợp với các phòng thí nghiệm khác, trường đại học và doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ Ấn Độ hiện đặt ưu tiên chiến lược vào việc phát triển các dòng vũ khí tối tân như vũ khí laser và vũ khí siêu thanh, nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.
Trước đó, vào tháng 2/2025, Chính phủ Ấn Độ công bố khoản ngân sách kỷ lục trị giá 78,7 tỷ USD cho quốc phòng trong ngân sách liên bang tài khóa 2025-2026, tăng 9,5% so với tài khóa trước.
Ngân sách gồm khoản chi hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đầu tư vào mua sắm vũ khí, máy bay và tàu chiến mới trị giá khoảng 21,7 tỷ USD; khoảng 13,5 tỷ USD sẽ được dành cho các sáng kiến sản xuất quốc phòng trong nước, theo đuổi mục tiêu tự lực trong ngành công nghiệp quốc phòng thông qua chiến lược Atmanirbhar Bharat (Ấn Độ tự cường).
Khoản ngân sách này chiếm khoảng 1,91% GDP dự kiến của Ấn Độ và khoảng 13,45% tổng ngân sách liên bang, khẳng định quốc phòng là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Ấn Độ.