Phiên tòa lịch sử hé lộ Facebook, Instagram đang mất chất 'xã hội' và ý tưởng khó tin của Mark Zuckerberg
Sự suy giảm nội dung tập trung vào bạn bè đang đóng vai trò trung tâm trong phiên tòa chống độc quyền mang tính bước ngoặt giữa Meta Platforms và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), diễn ra tại Washington D.C (thủ đô Mỹ).
FTC cáo buộc Meta Platforms đã độc quyền thị trường mạng xã hội cá nhân bằng cách thâu tóm Instagram và WhatsApp để loại bỏ các mối đe dọa trong tương lai. Kết quả phiên tòa có thể dẫn đến việc chia tách Meta Platforms hoặc đánh dấu một thất bại lớn cho cách tiếp cận quyết liệt của FTC với các hãng công nghệ lớn.
Về phía mình, Meta Platforms lập luận rằng các nền tảng của họ đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ TikTok, YouTube, X, và rằng hành vi của người dùng chứ không phải các hành động phản cạnh tranh mới là nguyên nhân khiến cách người dùng Facebook, Instagram thay đổi như hiện nay.
Một phần lời khai của Meta Platforms hôm 14.4 xoay quanh việc người dùng Facebook và Instagram là không còn chia sẻ nội dung công khai đến bạn bè của họ trên Facebook và Instagram nhiều như trước nữa. Trước đó, FTC lập luận rằng Meta Platforms đang độc quyền các ứng dụng chia sẻ nội dung với bạn bè và gia đình.
“Phần bạn bè đã giảm đi khá nhiều”, Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) nói trong phiên tòa hôm 14.4. Ông cho biết Facebook nói riêng đã “trở thành một không gian khám phá và giải trí rộng hơn”.
Trong một slide bài thuyết trình mở đầu của mình, Meta Platforms cho biết thời gian người dùng dành để xem nội dung từ bạn bè đã giảm. Năm 2023, thời gian này là 22% trên Facebook và 11% trên Instagram. Đến năm 2025, con số này giảm còn 17% trên Facebook và 7% trên Instagram.
Nguyên nhân một phần là do Meta Platforms ưu tiên định dạng video ngắn và thay đổi cách gợi ý nội dung đến người dùng.
Những tháng gần đây, Meta Platforms đã công khai nỗ lực đảo ngược xu hướng người dùng thấy ít bài viết từ bạn bè hơn. Vào tháng 3, công ty đã ra mắt thẻ friends (bạn bè) mới trên Facebook, chỉ hiển thị bài đăng, story và reel từ những ai mà người dùng thực sự quen biết, không có nội dung gợi ý hay thuật toán chen ngang.
Mark Zuckerberg nói rằng đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đưa "Facebook nguyên bản" trở lại - một phiên bản thân mật hơn, tập trung vào các kết nối cá nhân như thuở ban đầu.
“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ xây dựng được những thứ tuyệt vời định hình tương lai của sự kết nối con người”, ông nói trong buổi họp công bố kết quả tài chính gần nhất của Meta Platforms vào tháng 1, sau đó mô tả điều này trên podcast là “giai đoạn một trong việc đưa Facebook nguyên bản trở lại”.
Trong khi đó, Instagram có lượng sử dụng Instagram tăng đột biến và tiếp tục mở rộng các tính năng tập trung vào bạn bè như bạn thân. Adam Mosseri, Giám đốc điều hành Instagram, thông báo Instagram sẽ đẩy mạnh tính năng nhắn tin trực tiếp vào năm 2025.
Trong một slide khác của bài thuyết trình, Meta Platforms cho biết người dùng đang chuyển sang nhắn tin trực tiếp để chia sẻ với bạn bè. Một trích dẫn từ Adam Mosseri được hiển thị: “Tôi nghĩ Instagram hiện tại là một ứng dụng nhắn tin hơn là ứng dụng chia sẻ công khai”.
“Phần lớn việc chia sẻ cá nhân sẽ diễn ra qua tin nhắn. Có số lượng tin nhắn được gửi đi mỗi ngày gấp 63 lần số bài đăng trên Facebook và gấp 10 lần số bình luận”, trích nội dung slide.
“Đơn kiện của FTC chống lại Meta Platforms đi ngược lại thực tế. Bằng chứng tại phiên tòa sẽ cho thấy điều mà mọi thanh thiếu niên 17 tuổi trên thế giới đều biết: Instagram, Facebook và WhatsApp đang cạnh tranh với TikTok, YouTube, X, iMessage và nhiều ứng dụng khác”, người phát ngôn của Meta Platforms nói với trang Insider.

Mark Zuckerberg tiết lộ người dùng Facebook và Instagram hiện không còn chia sẻ nội dung công khai đến bạn bè nhiều như trước nữa - Ảnh: Internet
"Ý tưởng điên rồ" của Mark Zuckerberg
Mark Zuckerberg từng có một “ý tưởng điên rồ” vào năm 2022 dành cho Facebook: Xóa sạch toàn bộ danh sách bạn bè của người dùng.
Thông tin này được tiết lộ hôm 14.4 khi Mark Zuckerberg ra làm nhân chứng trong một phiên tòa chống độc quyền mang tính bước ngoặt, có thể dẫn đến việc chia tách đế chế mạng xã hội này.
Trong một email nội bộ gửi lãnh đạo cấp cao Facebook vào năm 2022, Mark Zuckerberg lo ngại rằng mạng xã hội này đang mất dần vị thế văn hóa và đã đề xuất ý tưởng táo bạo của mình.
“Phương án 1. Tăng gấp đôi việc kết bạn. Một ý tưởng có thể điên rồ là hãy cân nhắc xóa sạch biểu đồ mọi người và để họ bắt đầu lại”, Mark Zuckerberg viết trong tin nhắn được chính phủ Mỹ công bố trong phần lời khai của ông.
Ở đây, “biểu đồ” mà Mark Zuckerberg nhắc đến là các kết nối bạn bè của người dùng Facebook.
Tom Alison, người đứng đầu Facebook, đã phản hồi với chút dè dặt: “Tôi không chắc phương án số 1 trong đề xuất của ông (tăng gấp đôi việc kết bạn) có khả thi hay không, dựa trên hiểu biết từ tôi về tầm quan trọng của chức năng kết bạn với Instagram”.
Mark Zuckerberg trả lời rằng ông không đồng tình với mối quan ngại của Tom Alison và còn nêu thêm một ý khác.
“Anh có hình dung được sẽ mất bao nhiêu công sức để chuyển các hồ sơ người dùng sang mô hình theo dõi không?”, Mark Zuckerberg hỏi lại trong phản hồi của mình. Ý của tỷ phú này là chuyển cách thức hoạt động của tài khoản người dùng từ mô hình kết bạn sang mô hình theo dõi (follow), tương tự cách hoạt động của Instagram, X hoặc TikTok, nơi người dùng theo dõi ai đó thay vì cả hai bên phải đồng ý kết bạn.
Khi được nhắc lại ý tưởng này trong phần thẩm vấn của luật sư FTC vào ngày đầu tiên của phiên tòa, Mark Zuckerberg cho biết Facebook chưa bao giờ thực hiện kế hoạch cực đoan đó.
“Theo như tôi biết thì chúng tôi chưa từng làm điều đó”, Giám đốc điều hành Meta Platforms nói.
Trong nhiều giờ đưa ra lời khai tại tòa án liên bang hôm 14.4, Mark Zuckerberg cho biết Facebook đã thay đổi rất nhiều kể từ khi ông ra mắt nền tảng này hơn 20 năm trước và hiện nay mục tiêu chính không còn là kết nối bạn bè nữa.
Mark Zuckerberg là nhân chứng đầu tiên được gọi sau khi phiên tòa mở cửa hôm 14.4.
FTC lập luận rằng Meta Platforms (trước đây gọi là Facebook) đã vi phạm luật cạnh tranh của Mỹ khi mua lại Instagram vào năm 2012 và WhatsApp năm 2014.
Theo FTC, thương vụ mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD và WhatsApp giá 19 tỉ USD là nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh và thống trị lĩnh vực mạng xã hội. Chính phủ Mỹ cho rằng đây là một phần trong chiến lược "mua lại hoặc chôn vùi" của Meta Platforms để duy trì vị thế thống trị thị trường.
FTC cho biết trong hồ sơ tòa án rằng Meta Platforms duy trì vị thế độc quyền của mình “một phần đáng kể” nhờ theo đuổi chiến lược mà Mark Zuckerberg đã nêu trong một email nội bộ từ năm 2008, trong đó ông viết: “Mua lại tốt hơn là cạnh tranh”.
“Trong nhiều năm, Meta đã thu lợi nhuận kinh tế khổng lồ vượt xa những gì bạn có thể mong đợi trong một môi trường cạnh tranh”, luật sư Daniel Matheson của FTC phát biểu trong phần mở đầu phiên tòa hôm 14.4.
Trong phần trình bày mở đầu của mình, Mark Hansen (luật sư đại diện cho Meta Platforms) nói rằng vụ kiện của chính phủ chỉ là “một mớ lý thuyết hỗn độn của FTC, trái ngược với thực tế và luật pháp”.
Mark Hansen chỉ trích vụ kiện của FTC nhắm vào Meta Platforms là “sai lầm” và cho rằng việc mua lại Instagram, WhatsApp không hề vi phạm pháp luật. Ông lập luận rằng Meta Platforms không hề độc quyền vì vẫn đang phải cạnh tranh gay gắt với TikTok và YouTube.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 8 tuần. Thẩm phán James Boasberg sẽ là người duy nhất đưa ra phán quyết liệu Meta Platforms có vi phạm luật cạnh tranh hay không, vì không có bồi thẩm đoàn trong vụ này.
Đây có thể là một trong những vụ xét xử chống độc quyền có ảnh hưởng lớn nhất nhiều năm gần đây. Nếu FTC giành chiến thắng, Meta Platforms có thể bị buộc phải bán WhatsApp và Instagram.