Ấn Độ và thành tựu không gian lịch sử
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tối 23/8, tàu đổ bộ Ấn Độ đã hạ cánh thành công xuống vị trí bề mặt gần cực Nam của Mặt Trăng - nơi vẫn là khu vực chưa được khám phá và được dự đoán sẽ cung cấp thêm nhiều hiểu biết về bầu khí quyển của Mặt Trăng và mở đường cho các chương trình thám hiểm không gian trong tương lai.
Thành công này đã giúp Ấn Độ củng cố sức mạnh ngày càng tăng trong lĩnh vực không gian và công nghệ. Sau nỗ lực thất bại gần 4 năm trước, giờ đây Ấn Độ đã đi vào lịch sử khi trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống bề mặt Mặt Trăng cùng với Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.
Phát biểu sau sự kiện lịch sử trên, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) S. Somanath nhấn mạnh: “Chandrayaan-3 là thành quả công tác của hàng nghìn nhà khoa học, kỹ sư, nhân viên của chúng tôi thuộc các ngành công nghiệp cũng như các nhóm hỗ trợ trên khắp ISRO và những nơi khác, các tổ chức khác”.
Theo ông, "đây là công việc của một thế hệ lãnh đạo ISRO và các nhà khoa học ISRO, là hành trình từ khi bắt đầu với Chandrayaan-1 và tiếp tục với Chandrayaan-2. Tất cả các đội đã góp phần xây dựng Chandrayaan-1 và Chandrayaan-2 đều được ghi nhớ và cảm ơn khi chúng ta chào mừng thành công của Chandrayaan-3".
Phát biểu từ Nam Phi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng thành công này không chỉ của riêng Ấn Độ. Đây là năm thế giới chứng kiến Ấn Độ giữ chức Chủ tịch G20, với cách tiếp cận một Trái Đất, một Gia đình, một Tương lai đang tạo được tiếng vang trên toàn cầu. Sứ mệnh Mặt Trăng của Ấn Độ cũng dựa trên cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.
Vì vậy, thành công này thuộc về toàn thể nhân loại và sẽ hỗ trợ các sứ mệnh lên Mặt Trăng của các quốc gia khác trong tương lai. Ông Modi tin tưởng rằng tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia ở Nam Bán cầu, đều có khả năng đạt được những thành tích như vậy. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều có thể khao khát lên Mặt Trăng và hơn thế nữa”.
Phát biểu họp báo, Giám đốc Hiệp hội Vũ trụ Ấn Độ, AK Bhatt, nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh ISRO đã hạ cánh thành công Chandrayaan-3, điều này cho thấy tinh thần khám phá không gian mạnh mẽ và năng lực của Ấn Độ trong lĩnh vực không gian. Theo ông AK Bhatt, một bước tiến quan trọng trong việc thăm dò và thương mại hóa không gian sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân và các công ty khởi nghiệp công nghệ vũ trụ đang phát triển tham gia vào các sứ mệnh trong tương lai, theo đó đưa Ấn Độ trở thành quốc gia dẫn đầu trong nền kinh tế vũ trụ toàn cầu.
Trong vài năm qua, Ấn Độ đã không ngừng thúc đẩy nỗ lực thám hiểm không gian. Với sự trợ giúp của hơn một trăm công ty khởi nghiệp về công nghệ vũ trụ, quốc gia Nam Á này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các giải pháp như phương tiện phóng, vệ tinh và hình ảnh Trái Đất siêu phổ. New Delhi gần đây đã đưa ra chính sách không gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các bên tư nhân và các cơ quan chính phủ.
Hồi tháng 6 vừa qua, Ấn Độ cũng đã ký tham gia Hiệp định Artemis của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để hợp tác với các quốc gia tham gia khám phá không gian. NASA cũng chuẩn bị cung cấp chương trình đào tạo nâng cao cho các phi hành gia Ấn Độ tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston và đưa các nhà du hành Ấn Độ lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm tới.
Bên cạnh đó, ISRO và NASA cũng đang hợp tác chặt chẽ để phóng đài quan sát Trái Đất tầm thấp (LEO) vào năm 2024, giúp lập bản đồ toàn bộ hành tinh trong 12 ngày và cung cấp dữ liệu nhất quán để phân tích những thay đổi trong hệ sinh thái, khối băng, sinh khối thực vật, mực nước biển và thiên tai, hiểm họa trên Trái Đất.