Ấn Độ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tuần tra biên giới tranh chấp

Ngày 21-10, hãng tin DW (Đức) cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tuần tra dọc theo biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya, động thái được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc rút quân và giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài nhiều năm qua.

Đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở phần biên giới chưa được phân chia đã khiến nhiều binh sĩ hai bên thiệt mạng. Ảnh: DW

Đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở phần biên giới chưa được phân chia đã khiến nhiều binh sĩ hai bên thiệt mạng. Ảnh: DW

Theo đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri cùng ngày cho biết, các nhà đàm phán ngoại giao và quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức một số vòng đàm phán trong vài tuần qua.

Theo Ngoại trưởng Ấn Độ, các cuộc đàm phán này đã giúp hình thành một thỏa thuận về "các biện pháp tuần tra dọc theo Đường kiểm soát thực tế tại các khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, dẫn đến việc rút quân và giải quyết các vấn đề phát sinh tại các khu vực này vào năm 2020".

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Ấn Độ cũng kỳ vọng, một hiệp ước khu vực biên giới sẽ có thể giải quyết căng thẳng vốn kéo dài từ năm 2020.

Trước năm 2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều tuân thủ các cơ chế tránh sử dụng vũ khí dọc theo biên giới, được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC). LAC tách các vùng lãnh thổ do Trung Quốc và Ấn Độ nắm giữ từ Ladakh ở phía Tây đến Arunachal Pradesh.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng đã trở nên căng thẳng kể từ khi 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong các cuộc đụng độ vào năm 2020.

Trong 4 năm qua, tiến triển chậm chạp trong các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự nhằm chấm dứt bế tắc đã gây tổn hại đến quan hệ kinh doanh giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. New Delhi đã thắt chặt giám sát các khoản đầu tư từ các công ty Trung Quốc và dừng các dự án lớn.

Đầu tháng này, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, tướng Upendra Dwivedi cho biết New Delhi muốn khôi phục biên giới phía Tây dãy Himalaya về trạng thái trước tháng 4-2020 khi căng thẳng nổ ra.

Tướng Upendra Dwivedi cho biết, hai bên đã giải quyết được "những việc dễ làm" và hiện cần giải quyết những tình huống khó khăn, đồng thời nói thêm rằng đã có "tín hiệu tích cực" từ phía ngoại giao. Việc thực hiện trên thực địa phụ thuộc vào các chỉ huy quân sự của hai nước.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/an-do-va-trung-quoc-dat-thoa-thuan-tuan-tra-bien-gioi-tranh-chap-682086.html