Theo hãng tin Reuters (Anh), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - người đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi, đã theo dõi sự kiện này trực tuyến. Vẫy lá quốc kỳ khi chứng kiến màn hạ cánh lịch sử của tàu Chandrayaan-3, ông vui mừng chia sẻ với toàn thế giới: “Khoảnh khắc này thật khó quên. Thật phi thường. Đây là tiếng reo hò chiến thắng của một Ấn Độ mới!”. Ảnh: Reuters.
Từ New Delhi, các nhà khoa học và quan chức cũng có cảm xúc tương tự. Họ vỗ tay, cổ vũ và ôm chầm lấy nhau khi tàu vũ trụ của Ấn Độ hạ cánh thành công. Ông S. Somanath, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) chia sẻ: “Ấn Độ hiện đã ở trên Mặt Trăng”. Trên khắp đất nước, người dân hân hoan ăn mừng, đốt pháo và nhảy múa trên đường phố. Ảnh: Reuters.
Trước khi tàu vũ trụ hạ cánh, người dân trên khắp Ấn Độ đã tụ tập trước màn hình tivi lớn. Gần 7 triệu người đã xem buổi phát trực tiếp trên YouTube. Ít nhất 500 người đã tập trung trong khán phòng và bên ngoài Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ ở New Delhi, nơi phát trực tiếp hình ảnh tàu đổ bộ Chandrayaan-3 đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, để chứng kiến thời khắc lịch sử này. Ảnh: Reuters.
Người dân theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh trên Mặt Trăng, bên trong khán phòng ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Màn hạ cánh lịch sử của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt Trăng - sau Mỹ, Trung Quốc và Nga. Sau khoảnh khắc lịch sử này, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đã gửi lời chúc mừng thành công của Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Josef Aschbacher, bình luận: “Thật đáng kinh ngạc! Xin chúc mừng ISRO, Chandrayaan-3 và tất cả người dân Ấn Độ! Đây là cách để trình diễn công nghệ mới và giúp Ấn Độ lần đầu hạ cánh mềm trên một thiên thể khác. Tôi thực sự ấn tượng!”. Trước đó, các phương tiện truyền thông của Ấn Độ cũng hồi hộp đếm ngược đến thời điểm tàu Chandrayaan-3 hạ cánh. Các buổi cầu nguyện trước sứ mệnh không gian lịch sử đã được tổ chức khắp nơi trên đất nước. Ảnh: Reuters.
Người dân thực hiện nghi lễ havan - nghi lễ đốt lửa truyền thống của đạo Hindu để cầu nguyện cho tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh an toàn trên Mặt Trăng, ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Theo PV/Tin Tức