Ấn Độ vượt Trung Quốc về dân số nhưng ngày càng nhiều người thất nghiệp: Chuyện gì đang diễn ra?

Tập trung phát triển ngành dịch vụ và công nghệ cao, Ấn Độ đang đâu đầu với lượng lớn lao động trẻ trình độ thấp thất nghiệp.

Theo dự đoán của Liên Hiệp Quốc (UN), dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trong vòng chưa tới 1 năm nữa. Thế nhưng tờ SCMP thì cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ ngày một tăng cao do nước này không đi theo con đường phát triển sản xuất cần nhiều lao động như Trung Quốc trước đây.

Ngành sản xuất cần lao động

Số liệu của Trung tâm kiểm soát kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho thấy tính đến tháng 6/2022, số lao động có việc làm ở nước này đã giảm 13 triệu người xuống còn 391 triệu người, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.

Tháng 6/2022, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ lên đến 7,8%, cao hơn mức 7,12% của tháng 5/2022.

Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) thì cho thấy tỷ lệ lao động trong độ tuổi 15-64 tính từ năm 2011 đến 2021 tại Ấn Độ đã giảm từ 53% xuống 46%.

Mặc dù có nhiều yếu tố hiến tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ cao nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá việc nước này thất bại trong phát triển những ngành sản xuất cần nhiều nhân công là nguyên nhân chính.

Chuyên gia kinh tế Santosh Mehrotra nhận định Ấn Độ tập trung phát triển quá nhiều vào sản xuất công nghệ cao hay các mảng dịch vụ tài chính mà bỏ qua ngành sản xuất trình độ thấp cần nhiều lao động.

Tổng giá trị gia tăng (Gross Value Added- GVA) là thước đo năng suất kinh tế, đo lường sự đóng góp của một công ty, một thành phố hay một ngành cho nền kinh tế.

Năm 2021, ngành sản xuất trình độ thấp cần nhiều lao động chỉ đống góp 14% GVA cho Ấn Độ, thấp hơn mức 16% của năm 2011.

Số liệu của CMIE thì cho thấy lượng lao động trong mảng sản xuất trình độ thấp tại quốc gia này đã giảm từ 51 triệu người năm 2017 xuống chỉ còn 27,3 triệu người năm 2021.

"Trong lịch sử, Ấn Độ chưa bao giờ chứng kiến một sự thất bại đến như vậy trong ngành sản xuất cần nhiều nhân công", chuyên gia Mehrotra nhận định.

Phần lớn các công nhân nhà máy đều chuyển về quê làm nông. Chỉ trong 3 năm vừa qua, ngành nông nghiệp Ấn Độ đã có thêm 11 triệu lao động. Thế nhưng chuyên gia Mehrotra cảnh báo đây là thời điểm nền kinh tế Ấn Độ cần dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, qua đó nâng sao năng suất cũng như tiền lương để có thể phát triển kinh tế.

Với bối cảnh dân số ngày một tăng, việc thất bại gia tăng năng suất và mức thu nhập cho người dân có thể tạo nên một cuộc khủng hoảng cả về kinh tế lẫn xã hội. Năng suất thấp sẽ không đủ cung ứng cho nền kinh tế trong khi thiếu thu nhập khiến sức mua của người tiêu dùng yếu.

Con đường Trung Quốc?

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, ngày càng nhiều chuyên gia kêu gọi Ấn Độ nên tập trung vào những ngành sản xuất trình độ kỹ thuật thấp nhưng cần nhiều lao động như may mặc, gia dày hay đồ gia dụng. Đây vốn là con đường Trung Quốc đã từng đi khi đất nước tỷ dân nhờ lợi thế lao công rẻ mà có được những năm tháng bùng nổ tăng trưởng thông qua xuất khẩu.

Trong báo cáo kinh tế "India’s 2019-2020 Economic Survey", cụm từ "Con đường xuất khẩu dựa vào lợi thế lao động của Trung Quốc" đã được sử dụng để miêu tả giải pháp chống tỷ lệ thất nghiệp cao cho giới trẻ Ấn Độ hiện nay.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi này gặp rất nhiều thách thức khi tăng trưởng GDP của Ấn Độ hiện nay lại chủ yếu dựa vào ngành dịch vụ, vốn không cần nhiều lao động.

Số liệu của Bộ thương mại và công nghiệp Ấn Độ cho thấy ngành dịch vụ đóng góp tới 53% GVA trong 12 tháng tính đến tháng 1/2022.

"Điều đáng tiếc là ngành dịch vụ, động lực tăng trưởng của Ấn Độ, lại không cần nhiều lao động. Ngành này cũng không hấp thụ lực lượng lao động trình độ thấp mới gia nhập thị trường, vốn là đối tượng thất nghiệp chính hiện nay". Giáo sư kinh tế Pravakar Sahoo của trường đại học Delhi cho biết.

Nghiên cứu của trường đại học Harvard Kennedy School cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ mạnh mẽ nhờ những ngành sản xuất trình độ thấp cần nhiều lao động như may mặc, gia dày và đồ gia dụng trong thập niên 2000 và đạt đỉnh vào thập niên 2010. Đây cũng là con đường mà những nước như Singapore, Hàn Quốc đã đi qua trong thập niên 1970-1980 trước khi trở thành nền kinh tế phát triển.

Tại thời điểm đó, các nhà máy của Trung Quốc sẵn sàng nhận những lao động không có trình độ, kỹ thuật từ nông thôn vào làm việc, qua đó giải quyết tình trạng thất nghiệp, gia tăng năng suất cũng như thu nhập cho người dân.

Vào thập niên 2010, Trung Quốc bắt đầu giảm dần sự phụ thuộc vào những ngành sản xuất trên để chuyển hướng nâng cao công nghệ, dịch vụ và tiêu dùng trong nước, qua đó chuyển dần các nhà máy sang Bangladesh hay Việt Nam.

Tại thời điểm này, thu nhập của người dân và năng suất đã lên cao, đi kèm với đó là chi phí nhân công cũng như suy giảm lực lượng lao động khiến Trung Quốc bước lên nấc thang mới trong chuỗi cung ứng như Singapore hay Hàn Quốc đã từng làm.

Make in India

Theo chuyên gia Sahoo, trong khi Việt Nam hay Bangladesh tận dụng rất tốt con đường phát triển sản xuất trình độ thấp cần nhiều lao động để chống thất nghiệp, gia tăng năng suất cũng như thu nhập cho người dân thì Ấn Độ lại gặp nhiều vấn đề.

Năm 2014, Ấn Độ phát động chương trình "Make in India" nhằm tạo thêm 100 triệu việc làm cũng như tăng tỷ lệ đóng góp của ngành sản xuất cho GDP thêm 25% vào năm 2022. Thế nhưng Ấn Độ đã phải kéo dài thời hạn mục tiêu đến năm 2025 khi chiến dịch này được cho là đã thất bại.

"Chương trình ‘Make in India’ chỉ bao gồm 2 nội dung chính là nới lỏng rào cản kinh doanh và tạo điều kiện để thu hút thêm nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI)", chuyên gia Mehrotra nhận định.

Trên thực tế, báo cáo của "Indian Council of World Affair" cho thấy nguồn vốn FDI mà "Make in India" thu hút được lại chủ yếu rơi vào mảng dịch vụ, còn ngành sản xuất thì có có công nghệ cao mới được hưởng lợi.

Với ngành sản xuất trình độ thấp cần nhiều lao động, hàng loạt những khó khăn vẫn còn đó. Ví dụ như các quy định khắt khe về giao dịch bất động sản, các bộ luật khác nhau về lao động giữa từng bang và đặc biệt là chi phí logistic cao đến 14% GDP so với chưa đến 10% tại những nước phát triển.

Trong năm tài khóa 2021-2022, Ấn Độ ghi nhận tăng trưởng 76% trong nguồn vốn FDI với ngành sản xuất. Thế nhưng chuyên gia kinh tế Mehrotra thì lại cho rằng chúng chẳng giúp ích gì nhiều cho thị trường lao động.

"Nếu các doanh nghiệp nước ngoài thu mua, sáp nhập công ty Ấn Độ nhưng chẳng tạo thêm nhà máy mới thì làm sao ngành sản xuất thu hút thêm được lao động?", chuyên gia Mehrotra nghi vấn.

Theo báo cáo phát triển con người (HDR) của Liên Hiệp Quốc năm 2020, Ấn Độ chỉ có 21,2% lao động là được đào tạo kỹ năng bài bản, đứng thứ 129/162 quốc gia.

*Nguồn: SCMP

Băng Băng

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/an-do-vuot-trung-quoc-ve-dan-so-nhung-ngay-cang-nhieu-nguoi-that-nghiep-chuyen-gi-dang-dien-ra-52022277141318945.htm