An Giang: 'Bệ đỡ' cho phụ nữ Khmer phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu
Những hỗ trợ từ các cấp Hội LHPN tỉnh An Giang trong thời gian qua đã trở thành 'bệ đỡ' để giúp chị em phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.
Phụ nữ Khmer ở An Giang gắn bó với nghề dệt thổ cẩm thủ công. Ảnh: Ánh Nguyên
Ở tuổi 41, chị Chau Ngọc Dịu - Giám đốc Công ty cổ phần Palmania (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) - đã trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế cho phụ nữ nói chung và phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn nói riêng.
Trước đây, chị Dịu làm việc cho ngân hàng rồi sau đó chuyển qua một tổ chức phúc lợi xã hội với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, với mong muốn phát triển ngành nghề sản xuất đường thốt nốt truyền thống đang dần mai một và tạo việc làm cho người dân, người phụ nữ Khmer này đã quyết định rời TPHCM về quê lập nghiệp.
Với những nỗ lực không mệt mỏi cùng với sự hỗ trợ của các cấp các ngành địa phương, trong đó có Hội LHPN; đến nay, thương hiệu Palmania với hai dòng sản phẩm chính là mật thốt nốt sệt và mật thốt nốt bột đã ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Không chỉ xuất hiện ở nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước, các sản phẩm của Palmania còn được xuất khẩu sang Hà Lan, Phần Lan…
Những thành công ban đầu không chỉ khiến Dịu thêm tự tin trên hành trình phát triển kinh tế của mình mà còn góp phần giúp cho nhiều người dân địa phương, đặc biệt là người dân tộc Khmer có được công việc, cuộc sống tốt hơn.
Trong khi đó, ở vùng Bảy Núi, nghề dệt thủ công truyền thống được những người phụ nữ dân tộc Khmer truyền dạy từ đời này sang đời khác. Tại xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên, An Giang), sự ra đời của hợp tác xã dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo đã giúp tập hợp những người thợ lành nghề, tạo việc làm cho lao động là phụ nữ dân tộc Khmer. Những sản phẩm đạt yêu cầu thẩm mỹ, chất lượng… khiến khách hàng sử dụng sản phẩm không chỉ có bà con dân tộc thiểu số Khmer mà còn nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm mua sử dụng. Nhờ vậy, lao động là phụ nữ Khmer ở địa phương có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ nghề truyền thống.
An Giang là tỉnh đa dân tộc, có gần 28.500 hộ đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, Hoa với gần 112.000 người (chiếm 5,26% tổng dân số toàn tỉnh). Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 3,98% dân số toàn tỉnh, sống tập trung nhiều nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên.
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, trọng tâm là Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Chủ động xây dựng chương trình, dự án trọng điểm vùng dân tộc, tôn giáo như chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", đề án hỗ trợ thông tin tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế... nhằm tập trung nguồn lực cần thiết, huy động sự tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội trong nâng cao nhận thức, chất lượng đời sống và thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Theo Hội LHPN tỉnh An Giang, để thực hiện hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đáp ứng theo nhu cầu của hội viên, phụ nữ, các cấp Hội đã rà soát, nắm tình hình hội viên, phụ nữ theo từng nhóm đối tượng. Trong đó, phụ nữ đồng bào dân tộc có thu nhập chính từ các hoạt động chăn nuôi, trồng hoa màu, nghề truyền thống…
Từ đó, các cấp Hội tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; kết nối tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn… để giúp hội viên, phụ nữ, trong đó có phụ nữ đồng bào dân tộc vươn lên phát triển kinh tế, tham gia xây dựng mô hình kinh tế tập thể hiệu quả.
Trong thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, định hướng sản xuất theo chuẩn OCOP, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm, hỗ trợ kết nối thị trường... góp phần giúp hội viên, phụ nữ tiếp tục phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.