An Giang: Giải quyết khiếu nại, tố cáo để an dân

'An Giang được xem là địa phương 'nóng' về khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo kéo dài. Những tháng gần đây, tình trạng này càng biểu hiện gay gắt. Người dân tập trung đông người ở UBND tỉnh, các trụ sở tiếp công dân, sở, ngành, thậm chí tìm đến cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy' - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh An Giang Võ Minh Hoàng nhận định.

Giải quyết phải thấu tình, đạt lý

Một trong những nguyên nhân chủ quan lớn nhất dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp là do khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa phù hợp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giá trị bồi thường đất ở còn thấp.

Từ đó, việc bồi thường, hỗ trợ chưa tạo an tâm cho người có tài sản giải tỏa; sự đồng thuận và chấp hành chưa cao. Đó là chưa kể, chính sách bồi thường hiện hành đảm bảo quyền lợi hơn cho người sử dụng đất so những giai đoạn trước, dẫn đến sự so bì giữa của các hộ dân.

Cũng không thể phủ nhận, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nơi chưa ngang tầm nhiệm vụ. Công tác quản lý nhà nước bộc lộ những vấn đề bất cập, chưa được tháo gỡ kịp thời.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh An Giang Võ Minh Hoàng, có trường hợp, cấp cơ sở thờ ơ, bỏ qua phản ánh, khiếu nại của người dân, hoặc không thẳng thắn thừa nhận thiếu sót trong quản lý nhà nước của mình, “đổ thừa” cho dân. Thấy rõ nhất là việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thiếu chính xác, chồng lấn đất các hộ kế cận, ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, buộc họ phải khiếu nại nhiều nơi, mất công sức, thời gian.

Bài học kinh nghiệm cho thấy, cần tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi phát sinh vụ việc, tránh diễn biến thành “điểm nóng” khiếu kiện. Điển hình như vụ vợ chồng ông Nguyễn Văn Đ. (ngụ xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) nhiều năm sử dụng đất hành lang (ngang 3m, dài 16m) trước nhà để buôn bán. Gần đây, ông H.T.T (nhà đối diện) phát sinh tranh chấp, suýt xảy ra ẩu đả.

Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Đặng Thanh Bình giải thích, hướng dẫn ông Đ. xây hàng rào đúng theo giấy chủ quyền, không sử dụng đất hành lang giao thông Đường tỉnh 946. Phát hiện ông T. đổ cát, đá ở mương lộ trước đất nhà ông Đ., địa phương yêu cầu ông T. dừng ngay, cam kết không thực hiện hành vi, dưới sự giám sát của UBND xã. Sau thời gian vận động, các bên đã đồng thuận thực hiện theo yêu cầu của địa phương. Mỗi người lùi một bước, sự việc xem như tạm ổn.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đối thoại giải quyết khiếu nại của công dân

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đối thoại giải quyết khiếu nại của công dân

Huyện Phú Tân được xem là địa phương giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả. Ngoài sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo địa phương, còn có sự cầu thị, trách nhiệm trong giải quyết từng vụ việc cụ thể. Điểm nhấn của huyện là đối với những vụ việc cần thời gian giải quyết, chưa thể hoàn thành đúng hạn theo luật định, cán bộ phụ trách sẽ mời công dân đến trao đổi, nêu rõ tiến độ xử lý. Điều này giúp công dân hiểu rõ cách làm việc của địa phương, yên tâm chờ đợi kết quả, không khiếu nại vượt cấp.

Một thực tế khác cho thấy, 90% khiếu nại liên quan đến đất đai. “Ngoài giá trị về vật chất, cần phải xét giá trị phi vật chất, nguyên nhân sâu xa khiến người dân không muốn mất đi tài sản đất đai của mình. Bao đời, bao thế hệ quen sống trên mảnh đất ấy. Nơi đó đầy ắp ký ức, kỷ niệm, gốc gác gia đình, sao họ nỡ rời đi?

Có thể họ thiếu thốn tiền bạc, nhưng vẫn không đồng thuận với phương án bồi hoàn của Nhà nước, bởi với họ, mảnh đất ấy không có giá trị vật chất nào bù đắp được. Chính vì vậy, khi giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, cần xem xét cả yếu tố tinh thần, có cách tuyên truyền, vận động, giải quyết phù hợp với tâm lý người dân. Nếu không, câu chuyện sẽ kéo dài, rất khó tìm được tiếng nói chung giữa các bên” - đồng chí Võ Minh Hoàng lưu ý.

Cần điểm dừng giải quyết

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây chia sẻ, TP. Long Xuyên trở thành đô thị loại I, đất đai có giá trị cao. Rất nhiều nhà đầu tư tìm đến, nhiều dự án trọng điểm được triển khai trong những năm gần đây. Ngoài mang lại sự thay đổi vượt bậc cho thành phố, các dự án buộc phải thu hồi đất, ảnh hưởng đến không ít người dân. Chỉ riêng dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, có gần 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

“Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, nên trước mỗi khiếu nại, tố cáo phát sinh, chúng tôi đều cố gắng giải quyết trên tinh thần thận trọng, nghiên cứu kỹ vấn đề, đúng quy định pháp luật. Tuy vậy, vẫn không thể tránh khỏi tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố ghi nhận 52 lượt khiếu nại đông người. Ngoài gửi đơn, các hộ thường xuyên đến trụ sở làm việc cơ quan nhà nước yêu cầu trả lời.

Mặc dù lãnh đạo cơ quan chuyên môn, UBND thành phố tiếp xúc, gặp gỡ, giải thích chủ trương, quy định pháp luật về bồi thường đất, nhưng các hộ vẫn không đồng ý. Họ hiểu rõ quy định, nhưng không chấp hành. Một số hộ khiếu nại kéo dài, được giải quyết đúng chính sách, cam kết chấm dứt khiếu nại, nay trở lại khiếu nại tiếp tục, với yêu cầu ngày càng cao hơn” - đồng chí Đặng Thị Hoa Rây thông tin.

Có trường hợp, mức độ hiểu biết pháp luật hạn chế, công dân tỏ thái độ không tôn trọng chính quyền cơ sở, đến đăng ký tiếp dân tại cấp cao hơn nhằm gây áp lực. Khi được giải thích, họ vẫn cố đeo bám, có thái độ gay gắt, thường xuyên đến gặp lãnh đạo buộc giải quyết nhanh chóng vụ việc.

Chủ yếu, họ muốn nâng giá bồi thường lên quá cao, đòi bố trí tái định cư, dù không đủ điều kiện. Một số hộ bị phần tử xấu kích động, lôi kéo, xúi giục, dẫn đến khiếu nại, tố cáo không đúng quy định; mang tâm lý “càng khiếu nại càng có lợi”, nên không đồng ý kết thúc khiếu nại.

Các khiếu nại, tranh chấp trong dân cần sớm giải quyết ngay từ cơ sở

Các khiếu nại, tranh chấp trong dân cần sớm giải quyết ngay từ cơ sở

Nhiều đơn vị, địa phương đang rất băn khoăn, khi việc thực thi pháp luật về khiếu nại chưa triệt để, dẫn đến quá trình giải quyết khiếu nại không có điểm dừng. Từ đó, một số trường hợp mặc dù được giải quyết có lý, có tình, nhưng vẫn không chấp nhận, cố ý khiếu nại kéo dài.

"Giải quyết khiếu nại gắn với giải quyết an sinh xã hội là hướng làm nhân văn, giúp người dân vơi bớt khó khăn. Tuy nhiên, nếu giải quyết không khéo, một bộ phận người dân lợi dụng điều này, cố tình khiếu nại kéo dài để được hưởng lợi nhiều hơn, về lâu dài ảnh hưởng đến tình hình chung” - Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Đức Trung lo ngại.

Hiện nay, nhiều vụ việc Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, rà soát, Thủ tướng Chính phủ thống nhất phương án giải quyết; UBND tỉnh giải quyết thấu tình đạt lý, đã ban hành và công khai thông báo chấm dứt, kết thúc giải quyết khiếu nại. Thế nhưng, khi công dân tiếp tục khiếu nại, cơ quan thẩm quyền hoặc cơ quan cấp trên lại chuyển đơn, chỉ đạo tổ chức tiếp dân, đối thoại để giải quyết theo yêu cầu của công dân.

Bí thư Huyện ủy Phú Tân Huỳnh Thành Danh kiến nghị: “Nếu cấp dưới làm đúng thẩm quyền, giải quyết đúng quy định của pháp luật, rất mong cấp trên đồng thuận, kiên quyết ủng hộ để cùng thực hiện nhất quán chủ trương. Chúng ta cứ kiên nhẫn giải quyết khiếu nại, tố cáo một vụ việc đã được xem xét nhiều lần, tiếp tục vận dụng chủ trương, chính sách mới cho một vài công dân, vậy có công bằng với những hộ dân đã chấp hành tốt chủ trương trước đó?”.

Đối thoại với người đứng đầu

Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang Trần Bửu Thọ cho rằng: “Muốn giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao, một yếu tố cần lưu ý là hoạt động đối thoại của người đứng đầu. Từ vị trí công việc, nắm rõ pháp luật, người đứng đầu sẽ có năng lực giải thích, vận động, thuyết phục cao hơn, tạo sự tin tưởng cho công dân. Khi được gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn với người đứng đầu, công dân sẽ tâm phục khẩu phục, sớm đồng thuận với quá trình giải quyết của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương”.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Võ Hùng Dũng tán đồng: “Khi có phát sinh sự việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tại cơ sở, chính quyền địa phương, người đứng đầu đơn vị phải thực sự cầu thị, trách nhiệm, đứng ra trực tiếp hướng dẫn, giải thích, không kéo dài thời gian, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, nhằm nâng cao độ tin tưởng của người dân, không phó mặc cho cán bộ trực tiếp”.

Trong 159 đơn các loại Thanh tra tỉnh An Giang nhận được từ đầu năm đến nay, 56 đơn đủ điều kiện xử lý. Nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn là chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhiều dự án tại TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, TX. Tịnh Biên, huyện Phú Tân. “Có 21 đơn thuộc thẩm quyền tham mưu UBND tỉnh giải quyết khiếu nại lần 2.

Tất cả vụ việc đều được tham mưu UBND tỉnh tổ chức đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết. Thành phần tham dự buổi đối thoại do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng sự tham gia của các sở, ngành liên quan, địa phương nơi có vụ việc phát sinh khiếu nại” - Phó Chánh Thanh tra tỉnh An Giang Lưu Thị Anh Thư chia sẻ.

Ông Nguyễn Đại Lợi (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết: “Năm 2000, sang nhượng quyền khai thác đất bãi bồi (tại ấp Long Hòa, xã Long Giang, huyện Chợ Mới) của 1 hộ dân, có “giấy tay”. Tôi đào ao nuôi cá từ năm 2003 đến nay, không ai tranh chấp, đúng với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Năm 2007, tôi mới nhận được văn bản thống nhất giao đất để cấp quyền sử dụng đất (Thông báo 99/TB-UBND của UBND huyện Chợ Mới, ngày 20/12/2007), từ đó đến nay tôi vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất như các hộ khác liền kề đất tôi.

Cùng một khu đất nông nghiệp, các hộ đều quản lý sử dụng như nhau, sao lại có chế độ sử dụng đất khác nhau? Tại sao người thì được cấp quyền sử dụng đất, người phải đi thuê đất? Cho dù thời gian cấp quyền khác nhau, cũng phải công bằng trong sử dụng đất đai. Tôi mong được cấp quyền sử dụng đất theo đúng quy định”.

Ngày 20/9/2023, ông Lợi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo sở, ngành, địa phương, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng trên. Từ đề xuất của lãnh đạo sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất phương án xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với vụ việc cụ thể của ông Lợi. Phía ông Lợi đồng thuận cao theo phương án này, kết thúc buổi đối thoại một cách nhẹ nhàng. Dù vụ việc chưa thể dứt điểm sớm như mong muốn, nhưng hoạt động đối thoại, trao đổi nhiều bên như thế này góp phần rất lớn vào hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cần cơ chế thống nhất chung

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhận định, tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo hiện diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp trực tiếp khiếu nại đến Trung ương, hàng loạt cơ quan trong tỉnh. Thời gian tới, tỉnh thống nhất cách thức giải quyết như sau: Khi Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với công dân, cần mời đại diện các cơ quan tham gia (cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh…).

“Những vụ việc đã có kết luận giải quyết, có sự đồng thuận của nhiều sở, ngành, địa phương, cần được báo cáo đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cùng thống nhất hướng giải quyết, không tạo “độ vênh” khiến công dân phát sinh khiếu nại tiếp tục. Vụ việc nào công dân khiếu nại đúng, yêu cầu bồi thường lớn đến đâu cũng phải giải quyết đầy đủ. Ngược lại, nếu công dân khiếu nại sai, dù số tiền vài triệu đồng, cơ quan thẩm quyền phải cương quyết không giải quyết, tránh thực hiện sai quy định pháp luật” - đồng chí Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh An Giang tổ chức đoàn khảo sát, giám sát tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị trọng điểm. “Chúng tôi ghi nhận tổng quan tình hình của tỉnh, sẽ tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trước mắt, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên cần trách nhiệm, tâm huyết, làm đúng quy định trước đã, rồi mới đến việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, vận động Nhân dân thực hiện theo” - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh An Giang Võ Minh Hoàng khẳng định.

“Giữa tháng 9, hàng chục công dân tập trung đến Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh trình bày ý kiến, đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết khiếu nại. Thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ làm việc trực tiếp với UBND tỉnh, rà soát lại các vụ khiếu kiện kéo dài, còn tồn đọng, yêu cầu xúc tiến giải quyết dứt điểm” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết thông tin.

GIA KHÁNH - NGUYỄN RẠNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-de-an-dan-a375088.html