An Giang khởi công tuyến đường gần 500 tỷ đồng nối với tỉnh Đồng Tháp
Sáng 24/9, UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ khởi công tuyến đường kênh Long Điền A - B nối liền huyện Chợ Mới với huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Quy mô dự án chiều dài toàn tuyến là 27,2 km với tổng mức đầu tư 499 tỷ đồng.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công.
Tuyến đường của “khát vọng”
Công trình Đường Kênh Long Điền A-B, được UBND tỉnh An Giang phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2469/QĐ-UBND ngày 22/10/2020 với tổng mức vốn: 499 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh An Giang. Quy mô dự án chiều dài toàn tuyến là 27,2 km và các đoạn nhánh đấu nối 3,5km. Điểm đầu tuyến giáp tỉnh lộ 946 tại vị trí đấu nối đường dẫn cầu Vàm Cống - Hòa An. Điểm cuối tuyến giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh. Bề rộng mặt đường 7m, trong đó đoạn thị trấn Chợ Mới mặt đường 16m (mỗi bên 7,5m, dải phân cách 1m).
Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2020-2024, do liên doanh 3 đơn vị trúng thầu chính: Công ty xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc Phòng, Công ty Cổ phần Xây dựng số 12 và 2 đơn vị thầu phụ: Công ty cổ phần xây dựng công trình Phạm Gia, Công ty cổ phần xây dựng và chuyển giao công nghệ Thủy lợi thực hiện. Thời gian thi công 24 tháng hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ông Cù Minh Trọng - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới phát biểu tại lễ khởi công.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Cù Minh Trọng - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, huyện có 3 đường Tỉnh lộ gồm: 942, 944, 946, có tổng chiều dài trên 70 km. Các tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã đều được láng nhựa, bảo đảm việc ô tô đến tận trung tâm xã, thị trấn. Một số tuyến giao thông nội đồng cũng được bê tông hóa. Nhiều cầu bê tông và các tuyến đường do “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được đầu tư xây dựng đem lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện phát triển ổn định.
Tuy nhiên hệ thống giao thông của huyện vẫn chưa được đồng bộ toàn diện, chưa đáp ứng yêu cầu giao thông và vận chuyển hàng hóa trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay. “Chính vì vậy việc hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn là một chương trình lớn, là “khát vọng” lớn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện”, ông Trọng nhấn mạnh.
Xác định phát triển giao thông để kết nối vùng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút đầu tư, rút ngắn khoảng cách giao thương giữa các địa phương và khu vực, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển, trong những năm qua, từ sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Cù lao Chợ Mới đã có nhiều đổi thay. Những con đường khang trang, sạch đẹp được hình thành, nhiều trục đường liên xã, liên ấp được nhựa hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa. Các tuyến đường được đầu tư mở rộng đã tạo ra không gian phát triển cho vùng nông thôn, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.
“Việc đầu tư xây dựng tuyến đường kênh Long Điền A-B, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển từ trung tâm hành chính huyện Chợ Mới đến cầu Vàm Cống và TP Long Xuyên, góp phần thuận lợi cho việc giao thông đi lại, giao thương hàng hóa và đặc biệt phát triển không gian đô thị của vùng lõi của các xã Long Điền A, Long Điền B, Long Kiến, An Thạnh Trung mà lâu nay chỉ sản xuất nông nghiệp. Con đường hoàn thành sẽ tạo nên một diện mạo mới, một sức bật mới góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai”, ông Trọng cho biết thêm.
Phát triển du lịch, thu hút đầu tư
Trong bài phát biểu tuyên bố khởi công xây dựng, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: An Giang là 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, trong những năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng đã có bước phát triển tích cực và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư tạ cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu, tuyên bố khởi công xây dựng.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh An Giang có 153 km Quốc lộ; đường tỉnh có 19 tuyến với tổng chiều dài là 530 km và hệ thống đường giao thông nông thôn hiện có 4.270 km. Trong những năm qua, tỉnh An Giang cũng được Trung ương quan tâm đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm và đã phát huy hiệu quả cao, đặc biệt là các công trình phát triển hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Dự án đầu tư xây dựng công trình đường kênh Long Điền A-B, huyện Chợ Mới là một trong những công trình giao thông lớn và có ý nghĩa rất quan trọng của tỉnh cũng như trong khu vực được Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư. Việc khởi công xây dựng công trình đường kênh Long Điền A - B là một trong những cột mốc, dấu ấn quan trọng, khi công trình hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho tuyến tỉnh lộ 946, là tuyến đường chính từ TP Long Xuyên đi thị trấn Chợ Mới hiện đang bị xuống cấp và sạt lở nghiêm trọng.
Đồng thời, khi công trình đưa vào khai thác sử dụng, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, lưu thông hàng hóa từ trung tâm hành chính huyện Chợ Mới đến cầu Vàm Cống và TP Long Xuyên. Qua đó, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông để phát triển du lịch và thu hút đầu tư, góp phần tạo nên một trong những khâu đột phá để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung”, bà Thúy nhấn mạnh.
Dự kiến thời gian thi công 24 tháng hoàn thành đưa vào sử dụng.
Để công trình triển khai thi công đạt về chất lượng, kỹ thuật, bảo đảm về tiến độ, lãnh đạo tỉnh An Giang yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Chợ Mới là đơn vị quản lý dự án, đơn vị Tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công bố trí đầy đủ nhân vật lực, máy móc, thiết bị, xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết, thi công với tinh thần tập trung và quyết liệt nhất, tuân thủ đầy đủ các quy định của nhà nước về quản lý dự án và quản lý chất lượng công trình xây dựng. Đồng thời, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, phân luồng giao thông thi công hợp lý tránh ùn tắc; sớm đưa công trình hoàn thành vào khai thác sử dụng đạt về chất lượng và tiến độ theo kế hoạch đề ra.