An Giang liên tục xảy ra sạt lở bờ sông
Do mưa lớn kéo dài kết hợp nước lũ dâng cao chảy xiết, trên địa bàn An Giang ghi nhận nhiều vụ sạt lở đất bờ sông với chiều dài hàng chục mét.
Chiều 20/9, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết: Do mưa lớn kéo dài kết hợp nước lũ dâng cao chảy xiết, trên địa bàn An Giang ghi nhận nhiều vụ sạt lở đất bờ sông với chiều dài hàng chục mét.
Trước đó khoảng 10 giờ ngày 20/9, tại khu vực bờ Kênh Xáng, thuộc ấp Tân Hậu, xã Tân An, thị xã Tân Châu xảy ra sạt lở đất với chiều dài 20m, ăn sâu vào đất liền 3m. Vụ sạt lở tuy không ảnh hưởng đến khu dân cư, nhưng ảnh hưởng đến đường giao thông và sinh hoạt của 6 hộ dân với 29 nhân khẩu sống phía bên trong đường dọc bờ Kênh Xáng.
Vào ngày 19/9 tại ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú cũng xảy ra sạt lở một đoạn thuộc bờ Đông sông Hậu với chiều dài khoảng 40m, chiều rộng khoảng 3m. Vị trí sạt lở cách Đồn Biên phòng Phú Hữu về hạ nguồn khoảng 300m. Vị trí sạt lở có khả năng ảnh hưởng căn nhà của ông Phạm Văn Sĩ và đe dọa tuyến giao thông nông thôn cách khoảng 20m.
Trước đó, ngày 14/9 bờ bắc kênh Cây Dương, thuộc ấp Bình Thuận, xã Bình Long, huyện Châu Phú cũng xảy ra sụt lún, sạt lở đất. Đoạn sụt lún, sạt lở có chiều dài 28m, chiều cao 0,8-1,2m, độ sâu sụt lún 1,2m ăn sâu vào đường bê tông ảnh hưởng đến đi lại của người dân trong vùng.
Nguyên nhân các vụ sạt lở bước đầu được xác định do mưa lớn kéo dài kết hợp nước lũ dâng cao chảy xiết tác động lên mái bờ cộng với mái bờ kênh thẳng đứng gây sạt lở.
Sau khi xảy ra sạt lở, lãnh đạo huyện An Phú, Châu Phú và thị xã Tân Châu chỉ đạo các đơn vị giăng dây khoanh vùng, lắp đặt hàng rào, biển báo tạm, để người dân trong khu vực sạt lở biết hạn chế đi lại trong khu vực.
Các địa phương cũng đã tiến hành chặt tỉa cây, di dời vật kiến trúc gần khu vực sạt lở, thực hiện giải pháp ban đầu để hạn chế sạt lở tiếp tục. Đồng thời các địa phương cũng vận động các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở tiếp tục di dời người, tài sản đến nơi an toàn.
Ông Lương Huy Khanh cũng cho biết đã kiến nghị UBND thị xã Tân Châu, huyện An Phú và Châu Phú tiếp tục theo dõi diễn biến của sạt lở; thực hiện giải pháp tạm thời ban đầu để hạn chế sạt lở phát sinh. Các hộ dân sinh sống phía bên trong đường cần được di dời tạm thời đến nơi an toàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ kênh, rạch, với chiều dài trên 1.130m. Trong đó huyện Châu Phú xảy ra 11 vụ với chiều dài 221m; huyện Tri Tôn 6 vụ với chiều dài 540m; huyện Phú Tân 2 vụ với chiều dài 60m; thị xã Tân Châu 5 vụ với chiều dài 94 m; huyện An Phú 3 vụ với chiều dài 80m... Sạt lở làm ảnh hưởng đến 16 căn nhà của người dân sống trong khu vực. Ước giá trị thiệt hại về đất khoảng 679 triệu đồng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/an-giang-lien-tuc-xay-ra-sat-lo-bo-song/347809.html