An Giang phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch

An Giang xác định du lịch (DL) là ngành kinh tế mũi nhọn. Trên thực tế, những năm qua, ngành DL có tác động to lớn đến việc cải thiện sinh kế cũng như góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, ngành DL tỉnh An Giang tập trung thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp không khói.

Đối với ngành DL, nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm DL cũng như dịch vụ DL. Đây là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường DL cho từng doanh nghiệp (DN), địa phương, rộng hơn là ngành DL của cả quốc gia.

Nhân lực ngành DL bao gồm toàn bộ các nhân lực trực tiếp và gián tiếp tham gia vào quá trình phục vụ du khách. Trong đó, nhân lực trực tiếp là những người trực tiếp phục vụ khách DL tại khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, cửa hàng phục vụ khách DL, cơ quan quản lý DL… Lao động gián tiếp là những lao động không trực tiếp phục vụ khách DL nhưng thực hiện các công việc mang tính quản lý, hỗ trợ cho các lao động trực tiếp, như: Quản lý về DL tại các cơ quan nhà nước, quản lý, hành chính tại công ty lữ hành, khách sạn…

Toàn tỉnh có 97 cơ sở lưu trú DL, gồm: 1 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao, 9 khách sạn 2 sao, 31 khách sạn 1 sao và các khách sạn đạt tiêu chuẩn với gần 3.000 phòng. An Giang có 16 điểm tham quan, DL, trong đó, có 2 khu DL (Khu du lịch núi Cấm, Khu du lịch quốc gia núi Sam); 3 điểm DL (Điểm du lịch đồi Tức Dụp, Điểm du lịch rừng tràm Trà Sư, Điểm du lịch nông trại Phan Nam).

Giai đoạn 2013-2020, tổng lượt khách đến An Giang ước đạt gần 56 triệu lượt, trong đó, lượt khách do các DN kinh doanh DL phục vụ ước hơn 5,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 594.000 lượt. Lượt khách tăng cao qua từng năm; doanh thu ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó, doanh thu lưu trú ước đạt 2.500 tỷ đồng; doanh thu lữ hành khu, điểm DL ước đạt 2.300 tỷ đồng; doanh thu khác ước đạt 20.200 tỷ đồng.

Mục tiêu của tỉnh từ 2021-2025, ngành DL An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách. Năm 2025, ước đạt 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%; dự kiến thu 27.800 tỷ đồng và tổng doanh thu từ DL đạt khoảng 7.000 tỷ đồng; có thêm ít nhất 1 khu DL văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu DL trọng điểm và các thành phố lớn, như: Long Xuyên, Châu Đốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, trong xu thế phát triển của ngành DL, nguồn nhân lực có sự gia tăng về số lượng và chất lượng, nhất là lao động trực tiếp. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm có nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DL.

Theo đó, năm 2022, tỉnh sẽ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công phát triển DL với số lượng 525 người. Trong đó, cử 25 công chức, viên chức tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, tư vấn chính sách, xây dựng quy hoạch phục vụ phát triển DL. 100 công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kỹ năng ứng xử và giao tiếp xã hội. 100 công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã được tập huấn kỹ năng khai thác và phát triển sản phẩm DL đường sông. 200 công chức, cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã công tác ở vị trí việc làm có liên quan được tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước về DL...

Qua đó, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý DL, kỹ năng xây dựng kế hoạch, chương trình, quy hoạch phát triển ngành, nâng cao khả năng nghiên cứu đề xuất các chính sách phát triển DL, xây dựng thương hiệu DL của An Giang nói chung và của từng địa phương nói riêng.

Về nguồn lực xã hội, sẽ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội phát triển DL với 590 lượt. Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp nghề lĩnh vực phục vụ nhà hàng cho 30 học viên là lao động xã hội chưa có việc làm, nhân viên nghiệp vụ đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh DL, sinh viên ngành DL và các ngành liên quan. Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khách sạn cho 30 học viên là quản lý đang làm việc tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh. Tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về ứng phó với sự cố thiên tai, dịch bệnh cho DN DL cho 100 học viên là lãnh đạo cơ sở lưu trú DL, chủ hộ hoặc người quản lý homestay, dịch vụ ăn uống, mua sắm, vận chuyển, nhân viên, hướng dẫn viên DL tại điểm đang công tác trong các khu, điểm DL trọng tâm của tỉnh.

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thuyết minh tại điểm cho 30 học viên là hướng dẫn viên DL đang hoạt động tại các khu, điểm DL trên địa bàn tỉnh. Tập huấn kiến thức DL cộng đồng, DL có trách nhiệm và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường DL là người lái phương tiện thủy nội địa phục vụ khách DL, hộ tiểu thương đang kinh doanh tại các khu, điểm DL trọng điểm trên địa bàn tỉnh… Qua đó, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ phục vụ bàn, chuẩn hóa về chuyên môn đối với đội ngũ nhân lực đang và sẽ hoạt động trong lĩnh vực phục vụ nhà hàng, góp phần tạo ấn tượng đẹp trong quá trình phục vụ khách DL đến An Giang.

THU THẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-phat-trien-nguon-nhan-luc-phuc-vu-du-lich-a328024.html