An Giang: Phối hợp liên ngành phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em
Trẻ em hiện nay đang đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó bị bạo lực, bị xâm hại là những tổn thất để lại hậu quả lâu dài cả thể chất lẫn tinh thần. Để tăng cường các giải pháp phòng ngừa, can thiệp, thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường sự phối hợp theo chỉ đạo của UBND tỉnh An Giang, nhằm tạo sự đồng bộ trong hành động.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Nguyễn Thị Bảo Trân, để tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định 3004/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 12 năm 2020 về việc ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh. Qua công tác phối hợp có nhiều thuận lợi và chuyển biến tích cực.
Nhiều văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong việc bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa phòng, chống xâm hại trẻ em đã được triển khai kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục có nhiều tác động tích cực, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn. Việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh An Giang có quy trình phối hợp bài bản, nhờ đó thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả hơn.
Trong công tác phòng ngừa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang đã chủ động phối hợp các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, với nhiều hoạt động phong phú. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông bằng phương pháp sắm vai thể hiện phiên tòa giả định và tọa đàm phòng, chống xâm hại trẻ em tại 7 huyện, thị xã, thành phố. Phiên tòa đồng thời được trực tiếp trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã cho nhân dân theo dõi. Hình thức này được tổ chức từ giữa năm 2023 đã có 1.700 người dân và học sinh tham dự.
Các ban, ngành phối hợp còn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, như: Lồng ghép trong sinh hoạt ”Ngày pháp luật – nghiệp vụ”; tổ chức các hoạt động tập huấn, kỹ năng sống, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phát triển 684 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 624 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, duy trì tốt 393 địa chỉ tin cậy cộng đồng.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhân rộng các mô hình hoạt động ngoại khóa về giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm. Tiêu biểu, TP. Long Xuyên ra mắt câu lạc bộ phòng chống bạo lực học đường, hiện đã có trên 50% các trường trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các trường học còn thực hiện mô hình công tác xã hội trong trường học; tổ chức tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở 17 trường tiểu học.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Nguyễn Thị Bảo Trân cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 62 trẻ em bị xâm hại, trong đó 53 trẻ em bị xâm hại tình dục, 9 trẻ em bị bạo lực. Riêng đầu năm 2024 đến nay, có 9 trẻ bị xâm hại, trong đó có đến 8 trẻ em bị xâm hại tình dục.
“Qua số liệu trên có thể thấy hiện nay trẻ em đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó xâm hại là một trong những vấn nạn để lại hậu quả vô cùng nặng nề không chỉ về vật chất, tinh thần mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tương lai của trẻ. Sự chung tay phối hợp, hỗ trợ của tất các các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và đặc biệt là người dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống xâm hại, bạo lực ở trẻ em là nhiệm vụ vô cùng quan trọng” – bà Bảo Trân bày tỏ.
Thực tế còn rất nhiều khó khăn, khi sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội tạo điều kiện cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi xâm hại trên mạng, cũng như ngoài thực tế. Trong khi đó, các hoạt động tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em ở các cấp, các ngành còn hạn chế, chưa thường xuyên, hình thức cũ, chưa có nhiều đổi mới… Về phía gia đình, nhiều bậc cha, mẹ, người chăm sóc xem nhẹ việc phòng, chống xâm hại trẻ em, thiếu kiến thức cơ bản về quyền bảo vệ trẻ em mà chỉ tập trung làm kinh tế.
Cùng với công tác tuyên truyền, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang đề xuất tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phòng ngừa xâm hại trẻ em, như: Mô hình quản lý trường hợp, mô hình chăm sóc thay thế, mô hình địa chỉ tin cậy; mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em…
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp tục đề xuất những mô hình phù hợp để có thể triển khai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, đảm bảo tất cả các trường hợp trẻ em bị xâm hại đều được tiếp cận, xử lý theo quy định của Luật Trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác.