An Giang tập trung phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Tỉnh An Giang hiện có 169 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 150 sản phẩm 3 sao. Thời gian tới, An Giang sẽ tập trung phát triển sản phẩm OCOP, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP.

 Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và lãnh đạo tỉnh An Giang tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Diễn đàn Mekong Connect 2024

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và lãnh đạo tỉnh An Giang tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Diễn đàn Mekong Connect 2024

Nhằm giúp bạn đọc và cử tri cả nước hiểu rõ hơn quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh An Giang trong 6 năm qua, mới đây, Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh An Giang.

Qua 6 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP (Chương trình OCOP), An Giang thực hiện như thế nào và đến nay kết quả ra sao?

- Chương trình OCOP được cả nước triển khai từ năm 2018 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày sau đó, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg ngày 3.7.2019 phê duyệt Chương trình OCOP tỉnh An Giang giai đoạn 2019 - 2020 định hướng đến năm 2030. Đối với giai đoạn 2021-2025, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01.8.2022, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 01.02.2023 để thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Đến nay đã gần 6 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn; từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn vai trò của các Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị cho sản phẩm khi tham gia Chương trình OCOP.

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm (bìa trái) cùng đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm (bìa trái) cùng đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP

Tính đến tháng 12.2024, toàn tỉnh An Giang đã có 169 sản phẩm được đánh giá và phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, trong đó 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 150 sản phẩm 3 sao; của 115 chủ thể kinh tế (trong đó, có 10 Hợp tác xã, 2 Tổ hợp tác, 26 Doanh nghiệp, 77 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh).

Qua thời gian xây dựng và phát triển Chương trình OCOP, ông nhận thấy các chủ thể OCOP đã có sự quan tâm như thế nào về sản phẩm, người tiêu dùng chào đón sản phẩm OCOP ra sao thưa ông?

- Sở NN&PTNT là đơn vị được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực cùng với các ngành, các địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Sản phẩm tham gia Chương trình và được chứng nhận “Sản phẩm OCOP” đã giúp các sản phẩm chuẩn hóa được về mặt hồ sơ, các giấy tờ có liên quan; cải tiến và phát triển về mẫu mã, bao bì theo quy định và theo yêu cầu của thị trường; một số doanh nghiệp, siêu thị đã đặt hàng, ưu tiên sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định.

Các chủ thể OCOP đã chú trọng hơn về yếu tố chất lượng, tiêu chuẩn/quy chuẩn, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm theo quy định của Pháp luật; điều đặc biệt là giúp nâng cao được chất lượng và giá trị cho sản phẩm, có thị trường đầu ra ổn định hơn so với trước nhờ các hoạt động hỗ trợ về quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.

 Sản phẩm OCOP phát triển tạo ra hàng nghìn công việc cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định

Sản phẩm OCOP phát triển tạo ra hàng nghìn công việc cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định

Người tiêu dùng từng bước có cái nhìn khách quan và tin tưởng hơn khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, từ đó cũng nâng cao vai trò của chủ thể OCOP với cộng đồng như tạo việc làm, bảo tồn giá trị văn hóa, đặc sản của địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xu hướng gắn với mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng để gia tăng hơn cho giá trị của sản phẩm.

Trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, từ cấp tỉnh đến cấp xã thực hiện như thế nào để đạt kết quả cao?

- Đúng vậy! Chương trình OCOP triển khai được hiệu quả được thực hiện theo Chu trình OCOP 6 bước trên cơ sở nguyên tắc “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân thụ hưởng”. Để đăng ký ý tưởng sản phẩm hoặc dự án, phương án sản sản xuất kinh doanh cho sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” thì chủ thể sản xuất phải tuân thủ theo các quy định của Chương trình từ Trung ương và một số văn bản hướng dẫn của tỉnh đã ban hành và tuân thủ theo Chu trình OCOP theo hướng dẫn của Trung ương.

Điều quan trọng để đạt được chứng nhận OCOP, chủ thể kinh tế hoặc người nông dân phải có giấy đăng ký kinh doanh, chứng minh được nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm có tại địa phương; đồng thời sản phẩm tạo ra phải đạt các chứng nhận, công bố, tiêu chuẩn sản phẩm và đặc biệt là đối với các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm do các ngành liên quan phụ trách như Nông nghiệp, Y tế và Công thương. Bên cạnh đó, chủ thể sản xuất hoặc người nông dân phải có đăng ký sản phẩm của mình tham gia vào Chương trình OCOP để địa phương đưa vào kế hoạch trong năm để có sự hỗ trợ thực hiện.

 Thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang tập trung phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang tập trung phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thưa ông, khi thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương, ngành chức năng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc?

- Trong quá trình triển khai thực hiện cũng gặp một số khó khăn như: Tư tưởng và nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về chương trình OCOP, sản xuất chưa tập trung; Người dân chưa chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng. Thương hiệu OCOP chưa được nhiều người biết đến nên việc tiêu thụ sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và nông dân còn chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.

Ngoài ra, nhiều hộ nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP quy mô còn nhỏ, tính hàng hóa chưa cao, do vậy ít tác động đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các sản phẩm đánh giá trong thời gian vừa qua đa số là sản phẩm sẵn có, còn các sản phẩm và ý tưởng mới chưa được các chủ thể quan tâm định hướng phát triển.

 Cán bộ nông nghiệp huyện Phú Tân đóng góp ý kiến với bà bà Châu Thị Thúy Diễm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế Biến Thủy Hải Sản Thanh Tùng về thiết kế mẫu mã sản phẩm

Cán bộ nông nghiệp huyện Phú Tân đóng góp ý kiến với bà bà Châu Thị Thúy Diễm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế Biến Thủy Hải Sản Thanh Tùng về thiết kế mẫu mã sản phẩm

Để Chương trình OCOP đạt kết quả tốt hơn, xin ông cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang sẽ có những chính sách hỗ trợ nào cho các chủ thể OCOP?

- Để thực hiện một cách có hiệu quả Chương trình OCOP và tạo điều kiện để tham gia Chương trình, Ngành Nông nghiệp đã có những chương trình hỗ trợ như:

Một là, thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình OCOP đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp để thống nhất trong nhận thức và hành động.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm, kế hoạch chuyên biệt, cụ thể bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.

Ba là,hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất chất lượng, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP gắn với các chương trình hội chợ sản phẩm OCOP thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương.

 Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, thời gian tới cần chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, thời gian tới cần chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP

Bốn là, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt các ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ chương trình OCOP.

Năm là, tập trung rà soát các sản phẩm có lợi thế, có nhu cầu thị trường lớn trên cơ sở đó hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, định hướng để trở thành sản phẩm đạt OCOP.

Sáu là, ưu tiên hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Tăng cường vai trò của các ngân hàng trong hỗ trợ tín dụng để phát triển sản xuất; đồng thời, có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP; xác định doanh nghiệp, hợp tác xã là nền tảng để xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Bảy là, quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm cần phải tập trung đi vào thực chất, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, dựa vào lợi thế, thế mạnh của sản phẩm đặc trưng; chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/an-giang-tap-trung-phat-trien-va-tieu-thu-san-pham-ocop-post399561.html