Big 4 ngân hàng tiết lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Tăng trưởng tín dụng của Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank dao động khoảng 11-15%; tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp.

 Các ngân hàng quốc doanh báo cáo kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024. Ảnh: Nam Khánh.

Các ngân hàng quốc doanh báo cáo kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024. Ảnh: Nam Khánh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025. Tại đây, lãnh đạo 4 ngân hàng vốn Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024.

Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú dự kiến kết thúc năm nay, ngân hàng sẽ nâng tổng tài sản vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ, tăng trưởng khoảng 14%.

Chủ tịch Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng thông báo đến giữa tháng 12, nhà băng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Ước tính đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng đạt mức 13% với quy mô trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 2 triệu tỷ, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%.

Trong khi đó, VietinBank báo cáo tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất. Chủ tịch Trần Minh Bình chia sẻ đến hết tháng 11, tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023.

Tín dụng đẩy ra nền kinh tế tính đến ngày 10/12 tăng 14,8% so với đầu năm; nguồn vốn huy động đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,3%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,1%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao.

Còn Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng dự kiến kết thúc năm nay, ngân hàng sẽ đạt kết quả kinh doanh cao nhất 4 năm qua. Trong đó, tổng tài sản ước tăng 7%, nguồn vốn tăng trên 6%, dư nợ tăng 11%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,6%, lợi nhuận trước thuế tăng 8%.

Đến ngày 30/11, Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 55.000 tỷ đồng cho 7.300 khách hàng. Tổng dư nợ hơn 39.000 tỷ đồng của 25.000 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi đã được giảm lãi suất.

Cũng tại hội nghị, các lãnh đạo ngân hàng đã kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trong đó, Chủ tịch Vietcombank đề xuất NHNN điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, song linh hoạt để thích nghi với bối cảnh nhiều thay đổi.

Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng nhà điều hành nên xem xét giãn tiến độ, thời hạn điều chỉnh cách tính tỷ lệ LDR đối với tiền gửi Kho bạc Nhà nước đến hết năm 2025.

Ông cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế cho phép ngân hàng quốc doanh được tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại hàng năm.

Về phía VietinBank, ông Trần Minh Bình kiến nghị NHNN nghiên cứu cơ chế cho phép các ngân hàng trích lập quỹ dự phòng rủi ro hoạt động, bao gồm cả rủi ro công nghệ thông tin.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng đề nghị Chính phủ và các cấp thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các ngân hàng về cơ sở pháp lý để xử lý các vướng mắc trong công tác xử lý tài sản nhằm thu hồi tối đa nợ xấu phát sinh.

Ông cũng đề xuất các cơ quan quản lý xem xét cơ chế riêng cho các ngân hàng quốc doanh, trong đó cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025 để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II nâng cao.

Từ phía ngân hàng tư nhân, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái kiến nghị NHNN báo cáo Chính phủ thúc đẩy tiến độ các nội dung theo phương án chuyển giao bắt buộc, cũng như việc triển khai các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đối với MB và MBV (tên mới của Oceanbank) để hoàn thành tốt phương án chuyển giao bắt buộc theo phê duyệt của Chính phủ.

Đại diện nhóm ngân hàng nước ngoài, ông Kojima Masao, Tổng giám đốc Ngân hàng MUFG Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài (BWG) khuyến nghị NHNN hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu...

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/big-4-ngan-hang-tiet-lo-ket-qua-kinh-doanh-nam-2024-post1518908.html